Sách giáo khoa sai sót, trách nhiệm thuộc về bộ trưởng
Đào Loan
(TBKTSG Online) - Một lần nữa, sai sót của sách môn tiếng Việt, bộ sách giáo khoa Cánh Diều lại được nêu ra. Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội vào sáng 4-1, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhìn nhận rõ có sai sót và trách nhiệm thuộc về Bộ, trong đó theo luật là thuộc về Bộ trưởng.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: VGP News |
Sách sai, bộ trưởng chịu trách nhiệm
Theo thông tin từ báo điện tử chính phủ, trong các phiên họp gần đây của Chính phủ đều có thảo luận về vấn đề sách giáo giáo khoa. Thủ tướng đã nhắc nhiều lần. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp họp hai lần với Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan, ban ngành liên quan và những người thẩm gia thẩm định sách giáo khoa...
“Qua các lần làm việc đó, tôi có thể nói cuốn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều đã được bộ thẩm định, phê duyệt là có lỗi, có sai sót, có "sạn" tùy theo cách dùng từ nhưng mà là có”, Phó thủ tướng nói.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo nhìn nhận rõ là có sai sót và trách nhiệm thuộc về bộ, trong đó trách nhiệm theo luật định là thuộc về bộ trưởng. Người đứng đầu ngành giáo dục đã có những chỉ đạo khá cương quyết như thay Chủ tịch Hội đồng Thẩm định.
Ông cho rằng, sơ bộ đúng như các đại biểu Quốc hội nói nhưng sai đến đâu, đến mức nào thì phải có cơ quan chuyên môn vì các đại biểu, kể cả bộ trưởng bộ giáo dục cũng không hề có kiến thức, kinh nghiệm dạy tiếng Việt lớp 1. Tuy nhiên, những sai sót này phải được tiếp thu một cách rất cầu thị, khoa học.
Giải thích về việc có nhiều bộ sách giáo khoa, Phó thủ tướng cho rằng, một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa là để phát huy sáng tạo, không độc quyền. Dù có một bộ hay nhiều bộ thì chất lượng ít nhất bằng hoặc tốt hơn trước đây..
Bộ giáo dục cần tận dụng công nghệ thông tin để công khai các bản thảo trước khi phê duyệt. Trong quá trình thẩm định nên để người dân, trong đó có giáo viên, người có kinh nghiệm dạy trẻ góp ý nhằm chắt lọc những ý kiến đúng.
Chỉnh sửa sách như thế nào?
Theo thông tin từ Bộ giáo dục và Đào tạo, về việc sách môn tiếng Việt của bộ Cánh Diều, bộ sách do giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chủ biên, Nhà xuất bản Đại học Sư Phạm TPHCM phát hành có một số nội dung chưa phù hợp, Bộ trưởng bộ này đã yêu cầu Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa môn tiếng Việt lớp 1 thẩm định, báo cáo trước ngày 15-10.
Sau khi thẩm định, hội đồng và tác giả thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp để chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu để giáo viên có thể thay thế một số đoạn, bài đọc cho phù hợp hơn với học sinh lớp 1. Trong đó, có những bài như "Cua, cò và đàn cá" trang 115, "Hai con ngựa" trang 157, "Lừa, thỏ, cọp" trang 163 và mộ số từ ngữ khó hiểu, ít dùng như từ "nhá", "nom", "quà", "chén"...
Hội đồng cũng đề nghị tác giả khi chọn bài văn thay thế không sử dụng truyện ngụ ngôn hoặc các bài, đoạn đa nghĩa mà lựa chọn các bài, đoạn trong kho tàng văn học Việt Nam.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu nhà xuất bản và tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính gửi Hội đồng thẩm đỉnh để báo cáo bộ trưởng xem xét, phê duyệt trước ngày 15-11 tới.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh hiện đang thắc mắc về thời gian hoàn tất việc chỉnh sửa sách và việc thay sách sẽ được thực hiện như thế nào. Hiện tại, học sinh đã học hơn nửa học kỳ 1, nếu thời gian sửa sách quá dài sẽ ảnh hưởng đến việc học của học sinh.
Việc đổi sách sai thành sách đúng cũng cần phải được thực hiện theo cách đảm bảo quyền lợi của khách hàng, ở đây là phụ huynh và học sinh. Gần đây, các câu hỏi như nhà xuất bản sẽ in sách mới để đổi miễn phí cho phụ huynh - khách hàng vì đã bán cho khách sản phẩm lỗi hay phụ huynh phải bỏ thêm tiền để mua sách mới được nhiều bậc cha mẹ đặt ra.
Thêm vào đó, trong trường hợp nhà xuất bản chỉ cho in lại những trang sách không đúng rồi phát cho học sinh thì cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm về những rắc rối của trẻ nhỏ khi sử dụng sách...
Mời đọc thêm:
Bộ Giáo dục ra thời hạn cho phương án chỉnh sửa bộ sách Cánh Diều
'Tất cả vấn đề về tự chủ đại học phải tuân theo quy định của pháp luật'
Tốc độ chuyển đổi số của giáo dục Việt Nam đẩy nhanh nhờ Covid-19
Xem thêm: lmth.gnourt-ob-ev-couht-meihn-hcart-tos-ias-aohk-oaig-hcas/203013/nv.semitnogiaseht.www