Trong Báo cáo Di cư và Kiều hối mới công bố, Ngân hàng Thế giới dự báo lượng kiều hối toàn cầu sẽ giảm 14% trong năm 2020 và 2021 so với năm 2019 do tác động của đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế.
Theo WB, dù ít bi quan hơn so với dự báo hồi tháng 4 - khi ngân hàng này ước tính kiều hối toàn cầu năm nay giảm 20% - mức giảm này vẫn là một "đòn giáng mạnh" vào nguồn kiều hối của các nước đang phát triển. Kiều hối gửi về các quốc gia thu nhập thấp và trung bình được dự báo sẽ giảm 7% xuống còn 508 tỷ USD trong năm 2020 và giảm thêm 7,5% còn 470 tỷ USD vào năm 2021. Năm 2019, kiều hối về các quốc gia này đạt kỷ lục 548 tỷ USD, vượt xa đầu tư trực tiếp nước ngoài (534 tỷ USD).
Nguyên nhân chủ yếu đến từ tăng trưởng kinh tế suy yếu và việc làm giảm tại những quốc gia di cư có thu nhập cao như Mỹ và các nước châu Âu. Nguyên nhân kế đến là giá dầu lao dốc ảnh hưởng tới các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh và Nga - nguồn kiều hối chính của khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Trung Á, từ đó thu nhập của lao động nhập cư tại các quốc gia này sụt giảm.
Tại Việt Nam, lượng kiều hối năm 2020 được dự báo giảm hơn 7% còn 15,7 tỷ USD - chiếm tỷ trọng 5,8% GDP. Đây là lần đầu tiên kiều hối về Việt Nam giảm kể từ năm 2010. Trước đó, trong năm 2019, con số này đạt 17 tỷ USD, chiếm 6,5% GDP.
Tuy vậy, Việt Nam vẫn sẽ nằm trong nhóm nhận kiều hối lớn nhất thế giới tính theo giá trị trong năm 2020 (xếp thứ 9). Xét trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ 3 về giá trị kiều hối và thứ 8 về tỷ trọng kiều hối/GDP.
Tình trạng suy giảm kiều hối năm 2020 và 2021 xảy ra ở tất cả khu vực trên thế giới, trong đó giảm mạnh nhất tại châu Âu và Trung Á (lần lượt giảm 16% và 8%), theo sau là Đông Á và Thái Bình Dương (11% và 4%), Trung Đông và Bắc Phi (đều 8%), Châu Phi cận Sahara (9% và 6%), Nam Á (4%), Mỹ Latinh và Caribbe (0,2% và 8%).
"Tác động của dịch Covid-19 có tác động rất rộng nếu nhìn qua lăng kính di cư bởi nó ảnh hưởng tới người lao động di cư và gia đình sống phụ thuộc vào nguồn kiều hối họ gửi về", bà Mamta Murthi, Phó chủ tịch Phát triển Con người tại WB, nhận định. "Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác và quốc gia để duy trì lưu thông của dòng kiều hối và giúp duy trì phát triển nguồn vốn nhân lực".
Xem thêm: mth.50925527140110202-0202-gnort-maig-neit-uad-nal-man-teiv-ev-ioh-ueik-oab-ud-bw/nv.ymonocenv