Kỳ án: Tội ác ghê rợn trong đám cháy (Kỳ 1)
Kỳ án: Tội ác ghê rợn trong đám cháy (Kỳ 2- Cuộc truy xét dày công)
Kỳ án: Tội ác ghê rợn trong đám cháy (Kỳ 3 - Sự im lặng của lửa)
Bất ngờ trở lại
Nhiều tháng sau, tôi cũng không có việc gì đến hiện trường để chứng kiến sự đổi thay ở nơi đây, cho đến khi manh mối xuất hiện trở lại. Ngày tái khởi động các biện pháp trinh sát xác minh truy tìm hung thủ gây ra vụ án này, tôi đã trở lại và ngỡ ngàng trước cảnh mới, người xưa.
Ngôi nhà của anh Hưng được người em trai là Nguyễn Chí Tuấn sửa sang hoàn thiện với vôi ve ốp trát, sơn bả đẹp mắt. Vì cả gia đình anh trai đã ra đi nên Tuấn đón mẹ già là bà Hoàng Thị Huỳnh cùng cậu con trai là bé Nguyễn Mạnh Kiên, khi đó mới 3 tuổi rưỡi về ở đó.
Hình ảnh ngôi nhà cháy đã dần chìm vào quên lãng trong cuộc sống ồn ào. Nhiều người thậm chí còn không biết nơi đây đã từng xảy ra một vụ án kinh hoàng. Bên cạnh nhà anh Hưng còn 1 công trình khác cũng đã khánh thành, đó là căn nhà của Nguyễn Thị Thuận (sinh năm 1975, giáo viên tiếng Anh tại trường Tiểu học V.C, Từ Liêm, Hà Nội). Thuận là vợ của Tuấn, mẹ cháu Kiên.
Cán bộ, chiến sĩ Công an khám nghiệm hiện trường một vụ cháy nhà, chết người (ảnh minh họa).
Thời điểm xảy ra vụ án, vợ chồng Thuận – Tuấn đang sống ly thân. Thuận ở một căn nhà cách hiện trường vụ án vài trăm mét, còn Tuấn cùng bà Huỳnh, bé Kiên thuê nhà ở phố Đào Tấn. Trên diện tích đất liền thổ mua của nhà ông H. trước đó, vợ chồng anh Hưng cùng Tuấn - Thuận đã xây lên 2 ngôi nhà liền vách. Đang xây thì vợ chồng Tuấn xảy ra mâu thuẫn, cãi vã. Tuấn đưa mẹ và con đi thuê nhà ở riêng. Tuấn làm nghề xây dựng nên đặt trên tầng 3 ngôi nhà của anh trai mình phòng làm việc của công ty xây dựng Mạnh Kiên.
Lý do trở lại hành trình gần 2 tháng trời phá án của lính trọng án Hà Nội đến thật sự bất ngờ. Thực ra, tôi muốn giữ mãi trong lòng câu chuyện này, vì điều sắp kể mang hơi hướng tâm linh, có thể bị cho là mê tín. Nhưng, chính điều này đã “bẻ ghi”, lái mọi nỗ lực sang một hướng điều tra hoàn toàn mới. Và nhờ vậy mới có thể làm rõ toàn bộ bản chất của vụ án. Theo lô gic của tiến trình điều tra vụ án, sẽ thật khó cắt bỏ câu chuyện này, còn việc tin hay không tuỳ thuộc bạn đọc.
Chúng tôi hoàn toàn không cổ vũ cho sự mê tín, dị đoan, mà chỉ muốn nói rằng, đối với những vấn đề khoa học chưa chứng minh được thì cũng không nên sỗ sàng phủ nhận. Hãy cứ bình tĩnh quan sát và nhận định trên cơ sở nghiên cứu thực chứng.
Việc Nhà nước ta cho thành lập Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người; những kết quả nghiên cứu của bộ môn Cận tâm lý; hay hoạt động đi tìm mộ liệt sĩ của các nhà ngoại cảm… trong vài chục năm qua, đã cho thấy cái nhìn cầu thị, cởi mở, không định kiến… trước các vấn đề chưa được giải thích trong điều kiện của trình độ khoa học hiện nay. Đồng thời, đặt ra yêu cầu tiếp cận nghiên cứu trên tinh thần khoa học, nhân văn về những vấn đề còn chưa sáng tỏ.
Câu chuyện bất ngờ
Đầu tháng 11-2008, Hà Nội ngập lụt nặng nề. Nước dâng cao cả tuần, khiến mọi hoạt động ngưng trệ. Buổi chiều 5-11, thấy nước đã rút ở nhiều nơi, tôi đi chiếc xe wave “cỏ” lên cơ quan, tranh thủ đọc hồ sơ vì đang nhiều việc. Đập vào mắt tôi là một khung cảnh vắng ngắt, xa lạ hẳn so với sự sôi động thường ngày ở một đơn vị lừng danh trong đấu tranh, trấn áp tội phạm của Thủ đô và cả nước.
Cửa các đội nghiệp vụ đều đóng, khoá, đèn tắt ngóm. Thấy tôi đến, anh trực ban gác cổng hỏi với giọng ngạc nhiên: “Ơ, sao không ở nhà mà tát nước, dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa?”, tôi hiểu ngay lý do cơ quan vắng “như chùa Bà Đanh” là vì thế. “Giờ này chắc các “con giời” đang hì hục lau nhà, tát nước theo chỉ đạo của vợ!” - tôi nhủ thầm.
Mở cửa bước vào đội trọng án, tôi bật điện ngồi đọc hồ sơ. Đọc chán, lại mang súng ra lau, rồi lại đọc tiếp một chập nữa. Nhìn đồng hồ cũng đã 17 giờ, tôi cất hồ sơ vào tủ, khoá cẩn thận rồi ra tắt điện, đóng cửa đi xuống sân ngôi nhà số 7.
Ra đến cổng, sực nhớ chưa cất hồ sơ, tôi vội chạy lên mở cửa, mở tủ kiểm tra, thấy hồ sơ đã để ngay ngắn trong đó. Tự rủa mình chưa già đã lẫn, tôi lại đóng cửa đi ra cổng. Đang đi, lại đứng phắt lại, vì nghĩ chưa cất khẩu súng ngắn mà lúc trước tôi có mang ra lau. Mất súng là “toi đời”, tôi lại guồng chân chạy lên đội ở tầng 2. Mở tủ kiểm tra, thấy súng đạn nằm y nguyên. Lúc này nỗi bực dọc về sự lú lẫn của mình đã lên đỉnh điểm. Tôi lẩm bẩm trách mình rồi lại đóng cửa, tắt điện ra về.
Đến cửa, chợt có điều gì ngăn tôi tiếp tục bước xuống sân. Bám tay vào lan can suy nghĩ, tôi chợt hình dung hay là có chuyện gì đó mà ông bà, tổ tiên nhà mình linh thiêng không muốn con cháu đi lại lúc này, chẳng hạn như cố đi về có thể bị tai nạn. Hình như tôi có giác quan thứ 6, vì đã rất nhiều lần linh cảm của tôi đúng, cứ ngần ngại điều gì mà cố làm sẽ hỏng. Thành thử, tôi ngồi xuống dãy ghế dành cho khách kê ở trước cửa Đội điều tra trọng án. Tôi cứ ngồi như thế không rõ bao lâu.
Đại tá Đào Thanh Hải - (Phó trưởng phòng CSHS khi đó, nay là Thiếu tướng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội) từ trên phòng làm việc đi xuống để về nhà, thấy trời đã nhá nhem tối mà “ông lính” vẫn ngồi như mất hồn ở cửa Đội, anh cất tiếng hỏi lý do. Tôi ấp úng trả lời chỉ huy cho qua chuyện, vì thú thật cũng chẳng biết mình ngồi đó để làm gì.
Một lát sau, từ dưới sân đi lên một anh chàng đi dép lê, quần ống thấp ống cao, bê bết bùn đất, đi đến nơi tôi đang ngồi. Anh ta nhìn lên tấm biển Đội điều tra trọng án treo trước cửa rồi hỏi: “Anh Hà có đây không anh?” - (tức Trung tá Trần Ngọc Hà, Đội trưởng khi đó, nay là Thiếu tướng, Cục trưởng Cục CSHS, Bộ Công an). Tôi cho biết anh Hà không đến cơ quan, chắc đang dọn nhà, tát nước.
Người đàn ông tỏ rõ vẻ thất vọng, buồn bã. Tôi bảo anh ta có việc gì thì gọi điện báo cáo trực tiếp anh Hà, hoặc mai quay lại gặp. Về nguyên tắc, chúng tôi không được phép hỏi về công việc của người khác. Nghe tôi nói thế, anh chàng vẫn đứng tần ngần, nửa như muốn về, nửa muốn chờ đợi xem người cần gặp có đến không.
Cựu trinh sát hình sự Đào Trung Hiếu (Hieubaocand@gmail.com)
Thấy lạ, tôi hỏi bâng quơ: “Anh đến có việc công hay việc tư? Nếu là việc công thì có gì trao đổi với tôi để mai tôi báo cáo lại Đội trưởng?”. Người đàn ông nhìn tôi, nói với vẻ miễn cưỡng: “À, thì… tôi đến để cung cấp mấy thông tin mới về vụ cháy nhà ở Mỹ Đình ấy mà!”.
Câu nói ấy chợt như một luồng điện chạy dọc sống lưng tôi, một cảm giác hết sức lạ lùng xảy đến. Tôi đứng phắt dậy, hấp tấp hỏi: “Vụ cháy nhà hồi đầu năm phải không? Anh là ai? Có chuyện gì kể với tôi?”. Thấy tôi sốt sắng, người đàn ông nhìn tôi một lượt rồi nói: “Tôi là Nguyễn Chí Tuấn - em trai nạn nhân Hưng, hôm nay tôi đến báo cáo anh Hà một việc rất kỳ lạ”.
Quả thực, mặc dù đã có mấy tháng tham gia điều tra vụ án này, nhưng tôi thuộc tổ rà soát rồi đấu tranh với các băng nhóm đối tượng hình sự nghi vấn liên quan, nên chưa từng tiếp xúc với anh chàng này. Tôi mở cửa cho Tuấn vào đội, bật điện lên rồi nghe anh ta trình bày lý do đột ngột có mặt tại đây. Thoáng nghe điều Tuấn nói, bất đồ người tôi gai gai như phải sốt.
Nhìn bộ dạng, tôi biết Tuấn lặn lội, thất thểu tới đây không phải để kể một câu chuyện hoang đường. Mà anh ta không đến từ nhà ở Mỹ Đình. Tuấn cho biết vừa xuống tàu ở ga Hà Nội, liền chạy thẳng vào đây. Trước khi kể chi tiết câu chuyện, Tuấn đưa cho tôi một chiếc USB, nói là bên trong có chứa lại những file ghi âm, những hình ảnh trong clip do anh ghi lại những sự việc liên quan đến điều sắp nói.
Cắm thiết bị vào máy tính, tôi sửng sốt khi được nghe và nhìn thấy những điều vô cùng kỳ lạ. Tuy nhiên, là lính điều tra trọng án đã có thâm niên mười mấy năm trận mạc, tôi hiểu trong những vụ án mạng vẫn thường xảy ra nhiều điều khó lý giải bằng trình độ khoa học thuần tuý hiện nay.
(Còn nữa)
Xem thêm: mth.87180205140110202-yl-gnoc-mit-nohc-coud-4-yk-yahc-mad-gnort-nor-ehg-ca-iot/nv.ahos