Kinh doanh và Phát triển Bình Dương vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, đại hội dự kiến tổ chức ngày 21/4 tại Bình Dương.
Trong năm 2023, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương đặt kế hoạch tổng doanh thu 1.107,18 tỷ đồng, giảm 52,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế dự kiến 93,4 tỷ đồng, tăng 42,5% so với thực hiện trong năm 2022.
Kế hoạch kinh doanh năm 2022 của Kinh doanh và Phát triển Bình Dương |
Nhận định về giai đoạn 2023 – 2025, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương cho biết, những khó khăn, thách thức hiện hữu vẫn còn tiếp diễn, có thể đạt đỉnh trong năm 2024 và hạ nhiệt dần trong năm 2025.
Dựa trên kịch bản trên, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương sẽ tập trung phát triển thế mạnh về kinh doanh bất động sản, mở rộng thị phần đầu tư, tăng tích trữ các quỹ đất sạch, làm mới lại các dự án còn tồn kho và đẩy mạnh bán sỉ các dự án để thu hồi vốn nhanh.
Thực hiện tái cơ cấu về mặt tài chính, giảm bớt nợ vay và nợ quá hạn, tăng cường thu hồi công nợ khó đòi, giảm hệ số nợ, tăng hệ số vòng quay hàng tồn kho.
Xét về lĩnh vực bất động sản, năm 2023, Công ty sẽ triển khai dự án Khu dân cư TDC Hòa Lợi (Bình Dương New City Shophouse), Uni Town giai đoạn 2, Chung cư cao cấp TDC Plaza và phố sông Cấm tại Hải Phòng. Thêm nữa, Công ty cũng sẽ mở rộng đầu tư và tìm kiếm quỹ đất trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Đối với dự án căn hộ cao cấp TDC Plaza, Công ty dự kiến kinh doanh 86 căn hộ block E với hình thức vừa bán, vừa cho thuê, doanh thu dự kiến 168 tỷ đồng; đưa vào kinh doanh 46 căn trong dự án Khu dân cư TDC Hòa Lợi, doanh thu dự kiến 135 tỷ đồng; mở bán 44 căn trong dự án Uni Town giai đoạn 2, doanh thu dự kiến 162 tỷ đồng.
Về chính sách cổ tức, năm 2022, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương trình cổ đông kế hoạch không trả cổ tức và năm 2023, mức cổ tức dự kiến tối thiểu là 5%.
Được biết, trong Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương thông qua trả cổ tức 7% trong năm 2021 và cổ tức năm 2022 dự kiến tối thiểu 8%.
Như vậy, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương đã không thực hiện được mục tiêu chia cổ tức năm 2022.
Lần đầu tiên trong lịch sử TDC không trả cổ tức cho cổ đông |
Theo dữ liệu của Báo Đầu tư Chứng khoán thống kê, từ năm 2010 (niêm yết ngày 4/5/2010) tới nay, chưa năm nào Kinh doanh và Phát triển Bình Dương không trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông. Như vậy, năm 2022 là năm đầu tiên không trả cổ tức từ khi niêm yết tới nay.
Lợi nhuận của TDC “bốc hơi” 12,3% sau kiểm toán, về 34,72 tỷ đồng
Ở một diễn biến đáng chú ý khác, sau kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2022, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương ghi nhận lợi nhuận giảm 12,3% so với báo cáo tự lập, tương ứng giảm 4,85 tỷ đồng, về còn 34,72 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính dẫn tới lợi nhuận giảm 12,3% so với báo cáo tự lập, Công ty cho rằng do điều chỉnh tăng thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 và năm 2021.
Xét về hoạt động kinh doanh, trong năm 2022, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương ghi nhận doanh thu đạt 2.487,82 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 34,72 tỷ đồng, giảm 72,1% so với thực hiện trong năm 2021. Trong đó, biên lợi nhuận gộp bất ngờ giảm mạnh từ 35,8% về chỉ còn 16,3%.
Trong kỳ, do biên lợi nhuận gộp thu hẹp dẫn tới lợi nhuận gộp giảm 31,5% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 186,92 tỷ đồng, về 406,47 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 59,8%, tương ứng tăng thêm 92,46 tỷ đồng, lên 247,07 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 7,2%, tương ứng giảm 10,63 tỷ đồng, về 137,87 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng thêm 179,17 tỷ đồng, lên 55,22 tỷ đồng (cùng kỳ âm 123,95 tỷ đồng) và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Trong năm 2022, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương đặt kế hoạch tổng doanh thu 2.889,9 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 139,26 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2022, Công ty không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm và chỉ đạt 24,9% kế hoạch lợi nhuận năm.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/3, cổ phiếu TDC tăng 250 đồng lên 9.700 đồng/cổ phiếu.