Ngư dân Phú Yên neo tàu tại cảng cá Đông Tác (TP Tuy Hòa) tránh bão số 10 - Ảnh: DUY THANH
Trước tình hình này, các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã chạy đua ứng phó với bão số 10, không chỉ trên biển mà cả trên đất liền trước các nguy cơ sạt lở đất.
Phú Yên, Bình Định: đưa tàu thuyền khỏi vùng nguy hiểm
Để chủ động phòng chống bão số 10, tỉnh Phú Yên ra lệnh cấm biển từ 9h sáng 4-11, tất cả tàu thuyền không được ra khơi. Riêng với tàu thuyền đang đánh bắt trên biển, đến 16h cùng ngày đã vào nơi tránh trú an toàn.
Về việc sơ tán dân, lãnh đạo các địa phương ven biển, vùng triều cường, nguy cơ sạt lở của tỉnh Phú Yên cho hay đã lên các kịch bản ứng phó, tùy cấp độ của mưa bão sẽ di dời, sơ tán dân.
Ở thị xã Sông Cầu - nơi có lượng người nuôi hải sản lớn trong vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông, ông Phan Trần Vạn Huy - chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu - cho biết đến chiều tối 4-11 đã yêu cầu 3.400 người nuôi hải sản lên bờ tránh bão.
Trong khi đó tại Bình Định, chiều 4-11, ông Trần Văn Phúc - quyền giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh - cho biết tỉnh đã kêu gọi, vận động xong tất cả tàu thuyền trên biển vào nơi trú ẩn an toàn.
"Đa số tàu thuyền đã vào neo đậu, trú ẩn tại các cảng cá Quy Nhơn, Tam Quan. Riêng các tàu còn trên biển chúng tôi đã liên lạc, theo dõi và hướng dẫn di chuyển tránh xa vùng nguy hiểm nằm trên đường đi của bão số 10", ông Phúc nói.
Ngoài ra, theo ông Phúc, hiện tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra đi đến các địa phương có nguy cơ xảy ra sạt lở rà soát, vận động người dân và yêu cầu địa phương nhanh chóng di dời dân đến nơi an toàn.
Khánh Hòa: sơ tán dân khỏi các điểm sạt lở
Chiều 4-11, UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu các ban ngành, đơn vị sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho người dân khỏi các vùng có nguy cơ sạt lở.
Đáng chú ý tại Nha Trang có tới 86 khu vực trọng điểm, xung yếu có khả năng xảy ra sạt lở đất đá, lũ quét với hơn 3.600 hộ (gần 15.000 người) sinh sống. Đó là các vùng triền núi, chân núi, khu vực bị khai thác đất đá, làm dự án của một số doanh nghiệp hoặc ở ven các bờ sông, suối, đập tràn, kênh thoát lũ...
UBND tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu chủ đầu tư những dự án đã và đang triển khai tháo dỡ các hạng mục thi công gây ách tắc dòng chảy, rào chắn, cắm biển cảnh báo. Đặc biệt là các dự án ở khu vực đông dân cư, ven đồi núi.
Ngoài ra, các đơn vị quản lý hồ chứa phải tính toán lưu lượng nước về hồ, điều tiết mức xả hợp lý nhằm đảm bảo an toàn công trình và hạn chế ngập lụt cho vùng hạ du.
Tây Nguyên: lo an toàn hồ chứa
Tại Lâm Đồng, chiều 4-11, ông Nguyễn Văn Sơn - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh - cho biết trong quá trình kiểm tra hồ đập thủy lợi nhằm ứng phó với bão số 10 đã phát hiện 4 hồ chứa nước có khối tích lớn bị thấm.
Các hồ này với tổng dung tích gần 7 triệu m3 nước được gia cố ngay để hạn chế rủi ro gồm: Đinh Trang Thượng, Pró (huyện Di Linh), Tuyền Lâm (Đà Lạt) và Ma Đanh (huyện Đơn Dương). Bên cạnh thấm, các hồ này cũng được cho xả bớt nước.
Liên quan đến các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Sở Công thương tỉnh cho biết có 7 hồ chứa lớn đang được theo dõi chặt chẽ và đều đang có mực nước dưới ngưỡng xả lũ. Hồ Đại Ninh và Đa Nhim đã cho xả ở mức 50m3/giây và 25m3/giây để tạo dung lượng trống tích nước nếu lũ xuất hiện. Hiện lượng nước đổ về các hồ tương đương mức xả.
Tại Đắk Nông, các công trình thủy điện vẫn đang thực hiện đúng quy trình vận hành, chấp hành nghiêm túc quy định về phòng chống thiên tai.
Đối với các công trình thủy lợi, 29 công trình có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ đang được xử lý. Các điểm xung yếu, có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư chủ yếu tập trung ven sông, suối, hạ lưu hồ đập, khu vực thấp trũng, đã được chính quyền địa phương cảnh báo và vận động người dân di dời tới nơi an toàn.
Ông Lê Trung Kiên, chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Đắk Nông, cho biết các điểm xung yếu đã được lên danh sách, khi cần thiết sẽ phối hợp với địa phương tổ chức di dời người dân đến nơi an toàn.
Theo báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, đến 16h ngày 4-11 đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 49.884 phương tiện/232.118 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 10 để chủ động di chuyển vòng tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hiện không còn tàu nào trong vùng nguy hiểm.
Về nuôi trồng thủy hải sản, các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa đã chỉ đạo gia cố, di dời và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn với 175.000 lồng bè và 12.000ha diện tích nuôi trồng thủy hải sản xong trước 18h ngày 4-11.
Bão số 10 gây mưa dông, lốc và gió giật mạnh
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, chiều 4-11 bão số 10 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250km về phía nam đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/h), giật cấp 10.
Tại cuộc họp ứng phó với bão số 10, ông Hoàng Phúc Lâm - phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - cho biết trong 24 giờ tới bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây nam với tốc độ 10km/h.
Do ảnh hưởng của bão, trên vùng biển phía tây khu vực bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao 4-6m, biển động rất mạnh.
Từ đêm 4 đến ngày 6-11, ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 250-350mm/đợt, các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt.
Từ ngày 5 đến 7-11, ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt.
CHÍ TUỆ
TTO - Chiều 4-11, dân 'làng triều cường' huyện Tuy An, Phú Yên đã hối hả khiêng thuyền thúng đưa vào nơi an toàn, chuẩn bị đồ đạc sẵn sàng sơ tán tránh bão số 10. Hiện tỉnh đã sơ tán hơn 1.000 hộ dân tránh cơn bão sắp đổ bộ.