Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm - Ảnh: Quochoi.vn
Sáng 5-11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà phát biểu giải trình một số vấn đề mà đại biểu quan tâm về bảo vệ rừng tự nhiên cũng như đánh giá nguyên nhân xảy ra những vụ việc đau lòng do sạt lở, lũ, lụt vừa qua tại các tỉnh miền Trung.
Trao đổi với một số ý kiến cho rằng nguyên nhân sạt lở đất là do thủy điện nhỏ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói: "Không phải do thủy điện nhỏ".
Theo ông Hà, lỗi của phát triển thủy điện nhỏ nằm ở chỗ chưa tính toán được lợi ích, tính năng thiết kế, hiệu quả và công nghệ. Nếu chúng ta tính toán thiết kế được các công trình này hài hòa với tự nhiên thì vừa có thể duy trì nguồn điện năng và không làm biến đổi quá tự nhiên.
"Tất nhiên phải có những đánh giá về chuyển đổi mục đích rừng. Chúng ta không thể không chuyển đổi mục đích nếu như hiện nay dân số tăng trên 100 triệu dân, chúng ta không có không gian phát triển đô thị, không gian bố trí dân cư", ông Hà nói.
Tuy nhiên theo bộ trưởng Bộ TN-MT, việc chuyển đổi rừng cần tính toán đến lợi ích, tức là cần khoanh vùng chức năng những khu cần phải giữ, bảo vệ. Đó là những khu vực rừng phòng hộ, đặc dụng, tự nhiên.
Nói sâu về các vụ việc sạt lở, lũ lụt, Bộ trưởng Hà cho biết từ năm 2009, Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo thực hiện hai chương trình nghiên cứu: chương trình dự báo lũ ống, lũ quét ở các tỉnh miền núi, Tây Nguyên và miền Trung và chương trình điều tra tai biến địa chất, cảnh báo các sạt lở ở các khu vực vùng núi cũng như Tây Nguyên, Tây Bắc, miền Trung.
Từ kết quả nghiên cứu, xem xét lại những vụ việc lũ lụt vừa qua cho thấy những vụ sạt lở là do tổ hợp nhiều dạng thiên tai: 4 cơn bão, trong đó có cơn bão số 9 là mạnh nhất trong 20 năm qua đổ bộ hết sức nguy hiểm.
Cùng với đó là vùng áp thấp duy trì rất lâu ở miền Trung tạo ra lượng mưa vượt qua tất cả các chỉ số đo lịch sử. Có những ngày ở Quảng Nam lượng mưa lên đến 500mm/ngày và có những nơi trong suốt giai đoạn mưa lớn đo được lượng mưa vượt 2.000-4.000mm.
Cũng theo ông Hà, số liệu điều tra khách quan cho thấy những khu vực sạt lở như Trạm kiểm lâm 67 (Thừa Thiên Huế), Binh Đoàn 337 (Quảng Bình), Trà Leng, Trà Vân (Nam Trà My, Quảng Nam)... nằm ở độ cao 300-900m so với mực nước biển, kết luận sạt lở do thủy điện là chưa có cơ sở.
"Chúng ta không nên đưa ra những suy đoán mà phải dựa trên cơ sở khoa học", ông Hà nhấn mạnh và cho biết những khu vực này nằm trên khu vực đứt gãy địa chất. Các đứt gãy này có sự chà xát tạo ra độ phong hóa nứt gãy 9-16m, độ phong hóa tạo đất, cát, sét, sỏi gắn kết rất thấp.
Các khu vực này cũng nằm trên địa hình đồi núi dốc, trọng lực trượt và độ dốc sông suối đều theo hình chữ V nên làm đất đá nát vung. Cộng thêm mưa lớn làm gia tăng trọng lực trượt của đất gây sạt lở.
"Cũng cần phải đánh giá về rừng, thảm thực vật tự nhiên liên quan so với rừng trồng. Theo thực tế, khu vực các binh đoàn đã phủ 100%, ở các khu vực bà con lâu nay sinh sống độ che phủ rừng lâm nghiệp cũng đạt 60-80%", ông Hà cho biết.
Các hồ chứa nước có vai trò lớn trong điều tiết lũ
Nói thêm về vai trò của hồ chứa, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng với việc vận hành các hồ điều tiết vừa qua tại các tỉnh miền Trung đã làm tốt vai trò giảm lũ dưới hạ lưu 30-70%.
Mặt khác, Bộ TN-MT đã đưa ra 11 quy trình điều tiết các hồ trên 11 lưu vực sông. Ngoài mục tiêu phát điện, các hồ điều tiết này đã thực hiện chức năng cung cấp nước trong mùa cạn.
Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết cực đoan, lượng nước trên các sông giảm 80-90% trong mùa cạn thì các hồ này đã cấp được 30-50% lượng nước. Vai trò này của hồ điều tiết là không thể thay thế.
TTO - Phát biểu tại phiên thảo luận sáng 5-11, đại biểu Lê Thanh Vân - ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội - cho rằng không nên đổ hết cho thủy điện.