Ông Hứa Quốc Hưng, trưởng ban Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, thông tin về xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp - Ảnh: T.V.N.
Sau 3 năm dừng tổ chức họp báo định kỳ, ngày 5-11, Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP tiến hành lại hoạt động này với lý do: dịch COVID-19 đã tác động trực diện đến tình hình thu hút các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp tại TP.HCM.
Đại diện Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM cho biết dù tổng vốn thu hút (kể cả cấp mới và điều chỉnh) tính đến 31-10-2020 tăng 18,39%, tương ứng 591,94 triệu USD so với kế hoạch của năm là 500 triệu USD, nhưng tổng vốn thu hút đầu tư nước ngoài đã giảm 19,14%, chỉ đạt 270,67 triệu USD so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, các dự án đầu tư trong nước đã tăng đến 47,6%, đạt 321,27 triệu USD, trong đó chỉ tính riêng dự án cấp mới (tương đương 250,94 triệu USD) có đến 46 dự án, tăng 29,71% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Hứa Quốc Hưng, trưởng ban Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, sở dĩ các dự án đầu tư trong nước tăng mạnh trong thời điểm có dịch COVID-19 "vì đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp lớn, khi hầu hết đều có sự chuẩn bị chủ động định hướng đầu tư từ trước, theo đúng kế hoạch thì họ triển khai".
Phần lớn các dự án đầu tư mới tập trung vào các lĩnh vực xây dựng nhà xưởng, kho cho thuê của một số công ty phát triển hạ tầng, các dự án nhận chuyển nhượng quyền thuê đất, nhà xưởng từ các doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất.
Đây cũng là nhu cầu được nhận diện rõ kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện đối với các nhà đầu tư, khi xu hướng đầu tư vào các hạng mục dịch vụ phục vụ thương mại điện tử, công nghiệp như kho vận, logistics, nhà xưởng cao tầng, nhà xưởng 1 tầng… được các doanh nghiệp quan tâm khá lớn.
Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp cũng ghi nhận ảnh hưởng dịch COVID-19 đã khiến 45 dự án tạm dừng hoạt động, nhưng đến nay đã khôi phục 41 dự án. Một số doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, có nhà xưởng để trống đã đăng ký bổ sung chức năng cho thuê hoặc cho thuê toàn bộ nhà xưởng.
Đối với các dự án mới, dịch COVID-19 cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai dự án, như khó khăn trong việc huy động nguồn vốn đầu tư, nhập khẩu máy móc thiết bị, nhập cảnh chuyên gia... nên "Ban quản lý đã xem xét, chấp thuận giãn tiến độ 34 dự án", ông Hưng thông tin.
Riêng quỹ đất trong các khu chế xuất - công nghiệp chuẩn bị sẵn cho năm 2021, theo ông Hưng, hiện chỉ còn 120ha so với mức trước kia là 500ha, do "nguồn quỹ đất lớn không còn".
Trong khi đó, dù số lao động được khôi phục việc làm tại các doanh nghiệp được ghi nhận đang tăng trở lại, với khoảng 276.000 người, nhưng các doanh nghiệp khi báo cáo với ban quản lý đều cho biết "dự kiến không có thưởng tết lẫn số giờ làm thêm hay tăng ca".
TTO - Tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các nhà đầu tư của Liên minh châu Âu bày tỏ mong muốn đầu tư dự án logistics cảng biển trị giá gần 1 tỉ USD ở Việt Nam.
Xem thêm: mth.1730521150110202-91-divoc-iv-scitsigol-nav-ohk-oav-ut-uad-gnat-peihgn-hnaod/nv.ertiout