Các đại biểu tham gia thảo luận tại Diễn đàn - Ảnh: THÁI AN
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo đã chủ trì diễn đàn, với sự tham gia của lãnh đạo Cục Báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục Bản quyền tác giả và hơn 100 đại biểu đến từ các cơ quan báo chí, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, báo chí, truyền thông, quảng cáo trên cả nước.
Nhiều tham luận của đại diện các cơ quan báo chí cho thấy thực tiễn khó khăn trong "cuộc chiến" bảo vệ bản quyền.
Chưa có thống kê về vi phạm bản quyền
Nhà báo Lê Xuân Trung, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, phát biểu tại diễn đàn - Ảnh: THÁI AN
Nhà báo Lê Xuân Trung, phó tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ, cho biết hiện nay chưa có số liệu thống kê chính thức về tình hình vi phạm bản quyền báo chí ở Việt Nam. Dẫn kết quả khảo sát từ một cá nhân nghiệp dư trong một phạm vi hẹp, các báo lấy tin bài của nhau có dẫn nguồn (gồm cả được phép và chưa được phép) thì báo Tuổi Trẻ bị/được lấy thông tin nhiều nhất (16.641 lần), tiếp đó là báo Thanh niên (9.764 lần), VnExpress (8.723 lần)...
Theo nhà báo Lê Xuân Trung, hệ thống chế tài theo các quy định về dân sự, hình sự, hành chính đều có đủ. Nhưng chưa có số liệu báo cáo là thực thi ra sao, tăng hay giảm...
Trong khi đó, nhà báo Đinh Đức Thọ, tổng thư ký Tòa soạn báo Pháp Luật TP.HCM, cho biết hiện mỗi ngày báo Pháp Luật TP.HCM sản xuất khoảng 150-200 tin, bài, phóng sự ảnh, video, infographic, long-form…, xuất bản cả trên báo in lẫn báo điện tử.
Nhiều sản phẩm vừa được xuất bản đã bị các trang web khác, các tài khoản mạng xã hội… tự ý lấy lại, khai thác sử dụng trái phép mà không hề trích dẫn nguồn, dẫn link.
Chưa kể, trên mạng Internet đã từng xuất hiện cả những trang web giả mạo, mạo danh logo của báo Pháp Luật TP.HCM; những fanpage trên mạng xã hội giả danh là fanpage của báo.
Nhà báo Đinh Đức Thọ cho biết "đau đầu" nhất là những trang web, tài khoản mạng xã hội "3 không": không rõ địa chỉ, không rõ người quản lý cũng như cơ quan chủ quản, không có giấy phép. Họ trắng trợn tự ý lấy lại sản phẩm báo chí, khai thác sử dụng nhưng cơ quan báo chí không biết phải liên hệ với ai để xử lý vấn đề bản quyền.
Cơ quan báo chí không thể đơn độc chống vi phạm bản quyền
Ông Lê Quang Tự Do, phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, cho hay cái khó hiện nay không phải phát hiện, mà là xử lý vi phạm bản quyền.
Theo ông, một cơ quan báo chí không thể đơn độc chống lại tình trạng vi phạm bản quyền, mà cần có một bộ phận chuyên nghiệp, gồm cả các chuyên gia pháp lý dành thời gian để xử lý việc này. Có thể tiến tới hình thành một liên minh, hoặc một trung tâm bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí.
Đồng tình, nhà báo Lê Xuân Trung cho rằng các cơ quan báo chí cần tự giác tham gia Liên minh bảo vệ bản quyền báo chí, ký kết tôn trọng bản quyền của nhau. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng liên quan cần thực hiện chức năng như là trọng tài chứng kiến việc hình thành Liên minh. Đồng thời cần thực thi nghiêm Luật và văn bản dưới luật về sở hữu trí tuệ và bản quyền báo chí và định kỳ thống kê, công bố tình hình vi phạm cũng như chế tài liên quan.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại diễn đàn - Ảnh: THÁI AN
Phát biểu chủ trì diễn đàn, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo lưu ý Liên minh cần có cơ chế, mô hình để bảo vệ bản quyền. Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ kiến nghị sửa đổi các quy định pháp luật liên quan để bảo vệ mạnh mẽ bản quyền báo chí.
Các cơ quan báo chí cam kết mạnh mẽ, không vi phạm lẫn nhau, mạnh mẽ bảo vệ lẫn nhau. Bên cạnh đó, các báo cần liên minh để chiến đấu với những vi phạm xuyên quốc gia từ các nền tảng công nghệ lớn như Facebook, Google... Các báo cần giám sát chặt chẽ việc vi phạm bản quyền của mình, phát hiện, lưu vết, đối chiếu quy định pháp luật và gửi lên cơ quan quản lý nhà nước để yêu cầu xử lý...
Xem thêm: mth.99865315150110202-ihc-oab-neyuq-nab-ev-oab-hnim-neil-pal-hnaht-taux-ed/nv.ertiout