Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) đề xuất nên phát triển các tập đoàn mạnh để làm trụ cột của nền kinh tế. Điều này có thể giúp Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Tập trung nguồn lực đầu tư và hỗ trợ tập đoàn kinh tế mạnh
Ngày 5.11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước.
Theo nhận định của đại biểu Hoàng Văn Cường (Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân), khi đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội nên chia thành 2 thời điểm, thời điểm trước và thời điểm dịch COVID-19 năm 2020.
Trong đó, trước dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2019 đạt 6,8%, mức cao của kế hoạch 5 năm, trong khi chỉ số CPI giảm từ 18,6% vào đầu năm 2011 xuống dưới 4.
Cán cân thương mại trong nhiều năm liên tục đạt thặng dư dương; tỉ lệ bội chi ngân sách giảm sâu từ 5,4% xuống 3,5%; kéo nợ công từ mức sát kịch trần xuống 55% vào năm 2019.
Riêng 2020 là năm COVID-19, với quan điểm chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế, để tập trung phòng chống dịch, nhưng kết quả đạt được khiến thế giới ngưỡng mộ.
“Đặc biệt, trong bối cảnh chúng ta gặp muôn vàn khó khăn, thiên tai, bão lũ, dịch tả bệnh, chiến tranh thương mại, những đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu…, việc đạt được các mục tiêu nêu trên, khiến chúng ta khát vọng đến phồn vinh trong những năm tới”, ông Cường nói.
Để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế 5 năm 2021-2025 và giai đoạn 2021-2030 nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; năm 2045 trở thành nước phát triển thu nhập cao, ông Cường nhắc đến 2 chỉ số: HDI (chỉ số phát triển con người) và yếu tố tăng trưởng kinh tế đạt mốc 40.000 USD vào năm 2045.
Trong đó, HDI là chỉ tiêu tổng hợp của các chỉ tiêu giáo dục, chăm sóc sức khỏe và thu nhập. Việt Nam hiện nay có chỉ số HDI là 0,693, xếp vào nhóm cao của các nước phát triển khá, chỉ thiếu 0,07 là đạt được các nhóm HDI cao.
Theo ông Cường, mặc dù chúng ta chưa bằng lòng với giáo dục khi hội trường nóng lên với tranh luận về sách giáo khoa, nhưng thế giới xếp hạng chỉ số giáo dục của ta khá cao, nên chỉ số HDI được xếp hạng khá cao.
Mấu chốt để Việt Nam phát triển, theo đại biểu, chủ yếu là làm thế nào để tăng trưởng đạt 40.000 USD vào năm 2045.
“Với kế hoạch tăng trưởng kinh tế 6,5 đến 6,7% mỗi năm như hiện nay, đến năm 2030, GDP bình quân đầu người mới đạt 7.000 đến 8.000 USD; đến 2045, GDP bình quân đạt khoảng 20.000 đến 25.000 USD, khoảng cách với Trung Quốc, Hàn Quốc vẫn còn xa. Làm thế nào để đạt được tăng trưởng 40.000 USD vào năm 2045?” – ông Cường đặt câu hỏi.
Ông cho rằng theo kinh nghiệm phát triển của "những con rồng Châu Á", Việt Nam cần có những giai đoạn tăng trưởng nhanh, có thể trên 10%, mới có thể đạt được mục tiêu đề ra. Trong đó, một giải pháp là phát triển các tập đoàn mạnh để làm trụ cột trong chuỗi giá trị và cung ứng.
Ông đề nghị, trong kế hoạch 5 năm 2021-2025 và chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2030 cần tập trung nguồn lực đầu tư và hỗ trợ tập đoàn kinh tế mạnh, trở thành trụ cột cho nền kinh tế. Khuyến khích các đơn vị tư nhân đầu tư các công trình để phát triển hệ thống đường sắt ở đô thị.
Đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng cao
Liên quan đến việc phát triển nguồn nhân lực, theo ông Cường cho biết, mức chi cho giáo dục của một sinh viên đại học lớn ở Việt Nam hiện nay chỉ bằng 1/10-1/15 sinh viên ở các quốc gia phát triển, nhưng trình độ của sinh viên Việt được đánh giá tương đương (trừ ngoại ngữ).
Do vậy, để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ông cho rằng đầu tư vào đại học là lĩnh vực có hiệu quả cao nhất và đề xuất cần đầu tư mạnh mẽ vào các trường đại học để có thể có nhiều trường ngang tầm quốc tế.
Ông Cường mong muốn, tất cả những quan điểm trên không chỉ nằm trong kế hoạch 2021-2025 mà phải trở thành đường lối hành động chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2030 trong Nghị quyết của Đảng, cũng như chiến lược của Chính phủ hành động trong thời gian tới.