Tài nguyên của cơ quan báo chí bị đánh cắp công khai
V.Dũng
(TBKTSG Online) - Nhiều trang tin điện tử, thậm chí có cả những cơ quan báo chí theo đuổi việc cung cấp thông tin theo số lượng như hiện nay khiến cho tình trạng vi phạm bản quyền trở nên tràn lan trên không gian số. Cuộc đua về số lượng là cuộc đua xuống đáy và đang đẩy giá trị tin bài về không (0). Vì vậy, các cơ quan báo chí cần có một liên minh, hoặc một trung tâm bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí.
Các diễn giả tại diễn đàn "Bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí". Ảnh: V.Dũng |
Đây là nhận định của các diễn giả tại diễn đàn “Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí” do các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Báo chí, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử) tổ chức ngày 5-11 tại TPHCM. Theo đánh giá chung, tình trạng xâm phạm bản quyền tác phẩm báo chí ở Việt Nam diễn ra công khai, phổ biến và hết sức phức tạp. Giải pháp nào cho vấn đề bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ trong bối cảnh hiện nay.
Tài nguyên của cơ quan báo chí bị “ăn cắp” công khai
Khai mạc diễn đàn, TS. Trịnh Tuấn Thành, Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Thông tin và Truyền thông) đánh giá, hiện nay pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan đã từng bước được tôn trọng. Tuy nhiên, tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan vẫn diễn ra ở nhiều lĩnh vực, làm ảnh hưởng đến môi trường sáng tạo, đầu tư.
Tham luận của đại diện các cơ quan báo chí cho thấy thực tiễn khó khăn trong “cuộc chiến” bảo vệ bản quyền. Hiện nay chưa có số liệu thống kê chính thức về tình hình vi phạm bản quyền báo chí ở Việt Nam. Chưa có số liệu thống kê kết quả xử lý chế tài. Hệ thống chế tài có cả 3 cơ chế: dân sự, hình sự, hành chính. Nhưng đến nay cũng không có số liệu báo cáo là thực thi ra sao, tăng hay giảm.
Trong khi đó, đã và đang tồn tại thực trạng rất nhiều báo, trang tin điện tử, mạng xã hội… đã tự ý lấy tin, bài, sản phẩm của những đơn vị khác để đăng tải lại, phục vụ nhiều mục đích cho cá nhân và cơ quan, cũng như doanh nghiệp mình. Đơn cử, trong năm 2020, đã có rất nhiều báo, đài đã bị “lấy cắp” thông tin bài viết, hình ảnh lên đến hàng ngàn trường hợp, thậm chí có báo đến hơn 16.000 trường hợp.
Theo Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Xuân Trung, vấn đề xâm phạm bản quyền tác phẩm báo chí hiện nay rất phổ biến, công khai... dưới nhiều hình thức như dẫn lại, trích nguồn... Việc vi phạm bản quyền các tác phẩm báo chí hiện để lại những hậu quả nghiêm trọng, cơ quan báo chí bị thất thu về mặt kinh tế, uy tín, thương hiệu, trong khi đó đối tượng xâm hại không phải đầu tư công sức mà vẫn ngang nhiên hưởng thành quả lao động của các đơn vị nắm bản quyền. Trong vòng 7 năm, báo Tuổi Trẻ nhận được 350 công văn xin khai thác thông tin, nhiều nhất là các trang thông tin điện tử.
Cũng theo ông Lê Xuân Trung, báo Tuổi Trẻ đã từng phát hiện có 2 trường hợp giả mạo đơn vị này, gây nhầm lẫn cho bạn đọc. Báo Tuổi Trẻ buộc phải đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý.
“Việc tin bài bị xâm phạm các cơ quan báo chí mất đi cơ hội độc quyền thông tin, mất đi nguồn tài nguyên lẫn cơ hội đầu tư. Để giảm thiểu điều này một cách chủ quan thì các cơ quan, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thông tin báo chí cần từ bỏ cuộc đua về số lượng. Đây là cuộc đua xuống đáy và đưa giá trị tin bài về mức bằng không bởi khi thông tin vừa đăng tải là bị vi phạm ngay trên không gian số, giá trị gia tăng từ tin bài gần như bị mất đi”, ông Lê Xuân Trung chia sẻ.
Trong khi đó, nhà báo Đinh Đức Thọ, Tổng thư ký tòa soạn báo Pháp Luật TPHCM cho biết, hiện mỗi ngày báo sản xuất được khoảng 150-200 tin, bài, phóng sự ảnh, video, infographic, long-form…, xuất bản cả trên báo in lẫn báo điện tử.
Nhiều sản phẩm vừa được xuất bản đã bị các trang web khác, các tài khoản mạng xã hội… tự ý lấy lại, khai thác sử dụng trái phép mà không hề trích dẫn nguồn, dẫn link. Chưa kể, trên mạng Internet đã từng xuất hiện cả những trang web giả mạo, mạo danh logo của báo Pháp Luật TPHCM; những trang fanpage trên mạng xã hội giả danh là trang fanpage của báo.
Nhà báo Đinh Đức Thọ cho biết, “đau đầu” nhất là những trang web, tài khoản mạng xã hội “3 không”: không rõ địa chỉ, không rõ người quản lý cũng như cơ quan chủ quản, không có giấy phép. Họ trắng trợn tự ý lấy lại sản phẩm báo chí, khai thác sử dụng nhưng cơ quan báo chí không biết phải liên hệ với ai để xử lý vấn đề bản quyền.
Cần một “liên minh” để bảo vệ bản quyền
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử chia sẻ rằng, một cơ quan báo chí không thể một mình chống lại tình trạng vi phạm bản quyền, mà cần có một bộ phận chuyên nghiệp. Bộ phận này phải gồm cả các chuyên gia pháp lý xử lý việc này. Tiếp theo, tiến tới hình thành một liên minh hoặc một trung tâm bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí.
Đây cũng là ý kiến mà nhà báo Lê Xuân Trung gửi gắm tại diễn đàn. Theo ông Trung, trước tiên các báo cần chấm dứt lấy nội dung của nhau, ký kết tôn trọng và bảo vệ bản quyền của nhau. Đồng thời với việc tự nguyện, tự giác thực hiện của các cơ quan báo chí tham gia Liên minh bảo vệ bản quyền báo chí, các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan tư pháp “ra tay” thực thi nghiêm luật và các văn bản dưới luật về sở hữu trí tuệ và bản quyền báo chí.
Ông Nguyễn Minh Đức, Tổng biên tập báo Kinh tế Đô thị cũng ủng hộ đề xuất lập Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí để bảo vệ quyền lợi của các tác giả, tác phẩm một cách chuyên nghiệp.
Theo ông Nguyễn Minh Đức, một cơ quan báo chí nếu lập tổ bảo vệ bản quyền thì phải chi lương, bố trí nhân sự để thực hiện việc này thì không thể đảm đương xuể. Có thể là Cục Báo chí, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, hoặc Hội Nhà báo có thể đứng ra thành lập trung tâm này. Các cơ quan báo chí muốn được bảo vệ thì đóng phí, ủy quyền để trung tâm thực hiện bảo vệ bản quyền.
Phát biểu kết luận diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo đánh giá, thực trạng vi phạm bản quyền có một phần nguyên nhân từ lịch sử. Trước đây số lượng báo chí rất ít, chủ yếu là báo in. Các đơn vị phát thanh truyền hình chủ yếu là cơ quan nhà nước và được bao cấp hoàn toàn. Do đó, hình thành nên quan niệm được quyền chia sẻ thông tin của nhau.
Ngoài ra, các loại hình báo điện tử, trang tin điện tử phát triển mạnh mẽ, có những ứng dụng giúp thực hiện việc sao chép một cách nhanh chóng. Và chính cơ quan báo chí cũng chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề bản quyền.
Theo Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, trước hết các cơ quan báo chí cần liên kết với nhau thực hiện đúng quy định của pháp luật. “Liên minh” này ngoài cơ quan báo chí còn phải có cơ quan quản lý, các doanh nghiệp công nghệ, phát triển mạng xã hội… Mỗi cơ quan đều có thế mạnh riêng, cần ngồi lại với nhau trên cơ sở hợp đồng chia sẻ quyền lợi.
- Nhưng cho dù có “liên minh” này thì các cơ quan báo chí cũng phải có cơ chế tự bảo vệ mình trước tiên. Các cơ quan báo chí cũng phải tự mình phát hiện, lưu vết và có báo cáo về trung tâm. Còn cách thức thực hiện như thế nào sẽ được trung tâm này hướng dẫn cụ thể.
Xem thêm: lmth.iahk-gnoc-pac-hnad-ib-ihc-oab-nauq-oc-auc-neyugn-iat/433013/nv.semitnogiaseht.www