Sóng ngầm M&A sẽ trỗi dậy trong năm 2021-2022
Trang Nguyễn
(TBKTSG Online) - Thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) Việt Nam ước đạt 3,5 tỉ đô la Mỹ trong năm 2020, giảm hơn 50% so với năm 2019. Tuy nhiên, giai đoạn hậu Covid-19, thị trường M&A dự báo sẽ phục hồi trong ngưỡng 4,5-5 tỉ đô la, nhờ sức bật của thị trường sau thời gian bị kìm nén bởi dịch bệnh, nguồn cung từ hoạt động thoái vốn tại các công ty nhà nước tới đây.
Sóng ngầm sẽ thành cơn sóng to
Thị trường M&A Việt Nam đang có xu hướng chững lại từ đỉnh được thiết lập năm 2017 với đáy là năm 2020, do tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, sức bật của thị trường được dự báo sẽ khởi động trong năm 2021 và 2022 nhờ vào các yếu tố nội tại và ngoại vi.
Họp báo Diễn đàn M&A Việt Nam 2020 với chủ đề “Trỗi dậy trong trạng thái bình thường mới” tổ chức tại Hà Nội trong sáng nay (5-11). Ảnh: Trang Nguyễn |
Tại cuộc họp báo Diễn đàn M&A Việt Nam 2020 với chủ đề “Trỗi dậy trong trạng thái bình thường mới” do Báo Đầu tư tổ chức tại Hà Nội ngày 5-11, ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư và cũng là Trưởng ban Ban tổ chức sự kiện, trích dẫn dữ liệu từ các đơn vị cung cấp thông tin đầu ngành về M&A như MergerMarkets và hãng luật HSF, cho thấy tổng giá trị M&A toàn cầu trong nửa đầu năm 2020 đạt 901,7 tỉ đô la, thấp hơn 52% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số thương vụ công bố là 6.943, giảm 32% so với cùng kỳ.
“Riêng tại thị trường Việt Nam, tổng giá trị M&A năm 2019 đạt 7,2 tỉ đô la, bằng 94,7% so với năm 2018. Do tác động của Covid-19 cũng như một số yếu tố khác, dự kiến giá trị M&A năm 2020 tiếp tục suy giảm, ước đạt 3,5 tỉ đô la, bằng 48,6% so với năm 2019”, ông Minh chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Minh, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn sau khi kiểm soát tốt được tình hình dịch Covid-19, cùng với nhiều cơ hội đang mở nhờ sự dịch chuyển dòng vốn ra khỏi các thị trường lớn nhưng kém an toàn.
Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia như CPTPP và EVFTA, đi kèm việc sửa đổi nhiều bộ luật quan trọng về đầu tư kinh doanh, sẽ tạo đà cho sức bật của thị trường M&A trong thời gian tới.
Theo số liệu từ Bộ chỉ số đầu tư M&A của nhà cung cấp dữ liệu thị trường Euromonitor International (Anh) – điều tra về tương lai của hoạt động M&A trên thế giới và khu vực, hoạt động đầu tư M&A tại Việt Nam trong năm 2021 dự báo sẽ đạt điểm số 94,6, chỉ đứng sau Mỹ (112,5), và trên gần 50 nước khác bao gồm cả Trung Quốc, Ấn Độ….
Chỉ số này được tính toán dựa trên tình hình thực tế khi các nền kinh tế phương Tây đang đa dạng hóa chiến lược chuỗi cung ứng và giá trị ra ngoài Trung Quốc, các nền kinh tế Đông Nam Á, như Việt Nam, được dự báo sẽ đón dòng đầu tư tăng cao và Việt Nam cũng là khu vực để phát triển hoạt động M&A trong thời gian tới đây. Các lĩnh vực nóng được dự báo sẽ đón sóng đầu tư M&A bao gồm xây dựng, mạng lưới phân phối, sản xuất, và cơ sở hạ tầng công cộng.
Trong khi đó, các thương vụ M&A lớn trong năm 2020, theo Euromonitor International, đã bị hoãn lại do sự biến động của thị trường trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Covid-19, với mức giảm 25% trong nửa đầu năm năm.
“Làn sóng M&A sẽ có độ trễ vì đại dịch Covid-19 khiến bên mua và bên bán chưa gặp nhau, việc hình thành thương vụ sẽ lâu hơn dự kiến. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước đang nỗ lực tìm cách ứng biến linh hoạt, thay đổi chiến lược đầu tư, kinh doanh. Những dữ liệu nói trên là “điểm tựa” để thị trường kỳ vọng có sự trỗi dậy trong trạng thái bình thường mới hậu Covid-19, với thương vụ M&A hiệu quả cao, quy mô lớn hơn,” ông Minh nhận định.
Gió thuận chiều
Hoạt động M&A sau thời gian bị kìm nén sẽ bùng nổ trở lại với nhu cầu gia tăng tại cả bên bán lẫn bên mua. Nguồn cung đến từ nhiều thương vụ thoái vốn nhà nước hiện đang bị ách tắc – được kỳ vọng sẽ diễn ra nhanh hơn, đi kèm cách sửa đổi chính sách đầu tư kinh doanh theo hướng cởi mở hơn. Nguồn cầu, trong khi đó, sẽ tiếp tục là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… vẫn đang để mắt tới nhiều lĩnh vực có tiềm năng lớn tại một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững nhất trong khu vực.
Tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn trong năm 2019 và 9 tháng đầu năm 2020 tiếp tục trầm lắng và chưa thực hiện được theo kế hoạch đề ra. Thị trường bởi vậy kỳ vọng quá trình thoái vốn sẽ được đẩy nhanh, tạo tiền đề cho các thương vụ M&A với quy mô và giá trị lớn được ký kết trong năm 2021.
Ở góc độ chính sách, theo ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), việc 3 bộ luật có tầm ảnh hưởng quan trọng là Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp cùng có hiệu lực từ đầu năm 2021 sẽ tác động tích cực tới không chỉ môi trường đầu tư kinh doanh nói chung mà còn cả hoạt động M&A nói riêng.
Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp, theo đó, sẽ nâng cao mức độ quản trị doanh nghiệp, hay hiểu đơn giản là nâng cao chất lượng của doanh nghiệp hay nguồn hàng và đây chính là một hình thức bảo vệ nhà đầu tư hay người mua khi cái họ cần chính là chất lượng và sự minh bạch đối với doanh nghiệp trong tầm ngắm, ông Hiếu phân tích.
Đối với Luật Đầu tư mới, một gói ưu đãi đầu tư ‘theo thiết kế’ của chính phủ sẽ được sử dụng như một vũ khí bí mật để thương thảo và thu hút các nhà đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau mà nhà nước không giới hạn.
“Chiến lược phát triển kinh tế xã hội mới trong 10, 20, hay 30 năm tới sẽ theo hướng thị trường hơn, cởi mở hơn và đây sẽ là những cú huých tác động rất mạnh mẽ tới hoạt động đầu tư và hoạt động M&A trong thời gian tới đây”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Trong giai đoạn nửa cuối năm 2019 tới hiện tại, theo thống kê, các ngành thu hút đầu tư M&A bao gồm bất động sản, tài chính-ngân hàng, công nghiệp, bản lẻ, logistics, nông nghiệp, dược phẩm-y tế, và xây dựng. Đây cũng sẽ tiếp tục là những nhóm ngành mà nhiều nhà đầu tư sẽ lựa chọn và cân nhắc trong thời gian tới đây, nhờ vào tiềm năng tăng trưởng cao, theo các khảo sát về đầu tư M&A đã được thực hiện.
Nhận định riêng về lĩnh vực bất động sản, bà Khanh Nguyễn, Giám đốc cao cấp về Thị trường vốn, Công ty JLL Việt Nam, cho rằng với bối cảnh chính phủ đã tăng cường rà soát tính pháp lý của nhiều dự án bất động sản thời gian vừa qua, đây sẽ tiếp tục là lĩnh vực thu hút dòng vốn ngoại đổ vào thị trường M&A nội trong năm 2021, với xu hướng chủ đạo đến từ các nhà đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.
Xem thêm: lmth.2202-1202-man-gnort-yad-iort-es-am-magn-gnos/143013/nv.semitnogiaseht.www