Nhà đầu tư rót 12 tỉ đô la để hồi phục ngành chăn nuôi heo ở Trung Quốc
Ricky Hồ
(TBKTSG Online) - Thị trường chăn nuôi và chế biến thịt heo của Trung Quốc trị giá đến 200 tỉ đô la Mỹ, chiếm đến 50% sản lượng thịt tiêu thụ toàn cầu. Chỉ trong hai tháng rồi, các nhà đầu tư đã chi gần 12 tỉ đô la để tăng gấp đôi sản lượng thịt, nhằm đáp ứng cho thị trường trong dịp Tết 2021 và các năm tới. Các nỗ lực tái đàn của các hãng lớn và trang trại nhỏ được sự hậu thuẫn của chính phủ sau khi cúm heo đã tàn phá các trang trại chăn nuôi ở nước này từ tháng 8-2018.
Tập đoàn Charoen Pokphand của Thái Lan đầu tư hơn 4 tỉ đô la vào ngành chăn nuôi và chế biến thịt heo ở Trung Quốc. Ảnh: CPFoods |
Lợi nhuận khiến nhà đầu tư tranh đua
Dịch cúm heo khiến đàn heo gần 700 triệu con trong năm 2018 giảm hơn 20% trong năm ngoái và tiếp tục sụt giảm trong năm nay. Giá heo hơi cuối tháng 9 vừa rồi ở mức khoảng 33,7 nhân dân tệ một ký, tức 5 đô la – tăng 150% so với trước khi bùng phát dịch. Giá thịt tăng phi mã cũng đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng cao.
“Lợi nhuận lớn từ nuôi heo đã thúc đẩy nỗ lực tái đàn và mở rộng trang trại nhanh chóng”, theo lời nhà phân tích Lin Guofa của hãng tư vấn nông nghiệp Bric Agriculture. Ông cũng nói rằng một con heo có thể mang lại lợi nhuận ròng 2.000 nhân dân tệ, gần 300 đô la. Nhà phân tích nói lợi nhuận của các hãng chăn nuôi và chế biến thịt heo lớn nhất của Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong nửa đầu năm nay và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Cuối tháng 10, bốn hãng chăn nuôi và sản xuất thịt heo hàng đầu, gồm Wens Foodstuff Group, Muyuan Foods, Jiangxi Zhengbang Technology và New Hop Liuhe – cũng công bố các kế hoạch đầu tư tổng cộng 7,59 tỉ đô la để tăng nguồn cung. Số vốn khổng lồ này sẽ giúp tăng đàn heo của bộ tứ lên 85 triệu con vào năm 2022 từ con số 38 triệu hiện nay, đồng thời nâng thị phần của họ lên 12% từ con số 7% trong năm 2018. |
Tổng doanh số của bốn hãng này cũng đạt 17,6 tỉ đô la trong nửa đầu năm 2020, tăng 40% so với năm trước. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy nhờ sự vắng bóng các công ty quốc doanh trong ngành chăn nuôi và sản xuất thịt heo ở Trung Quốc.
Trước đó, vào tháng 9, Chia Tai Investment – một công ty con trực thuộc chi nhánh CP Foods của tập đoàn Charoen Pokphand của Thái Lan – đã chi 4,1 tỉ đô la để mua lại 43 doanh nghiệp giống, chăn nuôi, giết mổ và chế biến thịt heo ở ở Trung Quốc. Kế hoạch thâu tóm này giúp CP Foods có được “lãnh địa” trải rộng ở 22 tỉnh thành Trung Quốc và có đàn heo đến 7,2 triệu con.
Trung Quốc cũng đang khuyến khích nhập khẩu thịt heo, hiện cung cấp khoảng 10% cho nhu cầu trong nước. Nhưng dịch Covid-19 khiến giá heo tại Mỹ, nhà sản xuất lớn thứ hai trên thế giới, và châu Âu tăng vọt. Món thịt không thể thiếu mỗi ngày trên bàn ăn của người Trung Quốc vì thế ngày càng ít đi.
Chính phủ Trung Quốc đang hỗ trợ ngành chăn nuôi heo tái cấu trúc. Các chủ trang trại lớn hơn được giảm thuế đất và các thứ thuế khác khi mua lại các trang trại nhỏ và quản lý kém hơn. “Mục tiêu của chính phủ là giúp các nông trại lớn hơn tăng nguồn cung để bình ổn giá thị trường vốn hỗn loạn trong mấy năm qua”, quản lý cấp cao một hãng thực phẩm nói với trang Caixin.
Tại Trung Quốc, 99% trong tổng số hơn 26 triệu trang trại có đàn heo ít hơn 500 con. Chính phủ cũng hỗ trợ các trang trại nhỏ hơn trong nỗ lực tái đàn. Tháng 3 vừa rồi, chính phủ nới lỏng các quy định về hỗ trợ lãi suất, sửa đổi quy định về dùng đàn heo và trang trại làm tài sản thế chấp ở ngân hàng. Các trang trại nhỏ có dưới 500 con heo được ưu tiên hỗ trợ, thay vì phải đạt quy mô 5.000 con như trước đây.
Nhưng nỗ lực tái đàn khó đạt kết quả nhanh chóng. Heo cần đạt ít nhất 6 tháng tuổi để xuất chuồng. Vì thế, cần đến năm 2022 đàn heo ở Trung Quốc mới đạt được quy mô như trước dịch – theo dự báo của Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc.
Dịch cúm heo và Covid-19 khiến đàn heo 700 triệu con của Trung Quốc giảm gần 50% trong hai năm qua. Ảnh: Reuters |
Chú trọng khâu giống
Đầu năm nay, Trung Quốc đã chuẩn thuận kế hoạch hỗ trợ tài chính cho nỗ lực tái phát triển đàn heo bị dịch cúm heo và Covid-19 ảnh hưởng. Có đến 20.000 trang trại nuôi heo mới với tổng đàn heo lên đến 150 triệu con được cấp phép thành lập trong nửa đầu năm 2020. Các hỗ trợ này đã giúp các công ty như Muyuan Foodstuff tăng gấp đôi sản lượng trong năm nay. Còn New Hope Liuhe đặt mục tiêu tăng gấp ba lượng heo giết mổ trong năm 2021 và tăng thêm 60% nữa trong năm kế tiếp.
“Trung Quốc cần nhập giống để nhanh chóng tái đàn. Nguồn giống vẫn đang thiếu, khiến tốc độ tái đàn chưa đủ nhanh để ngành chăn nuôi hồi phục”, theo lời Pan Chenjun - nhà phân tích cấp cao về ngành chăn nuôi thuộc ngân hàng Rabobank. Pan nói với hãng tin Bloomberg rằng các nhà đầu tư đã có kế hoạch mở rộng nhưng chưa bắt đầu xây trang trại.
Số liệu của Hải quan Trung Quốc cho thấy nước này đã nhập hơn 15.000 con heo giống, trị giá 32 triệu đô la trong 9 tháng đầu năm nay. Đây là con số cao nhất trong vài năm gần đây: tăng vọt từ 3 triệu đô la trong năm ngoái. Nguồn heo giống này chủ yếu nhập từ Đan Mạch, Pháp, Anh, Chile, Phần Lan và Mỹ. Theo Cục Thống kê Quốc gia, tính đến cuối tháng 9, đàn heo giống đã tăng 28% so với năm trước và đạt 38 triệu con. |
Ông cho rằng cần phải đến năm 2023 – 2024 đàn heo ở Trung Quốc mới đạt được quy mô trước dịch. Khi dịch bệnh hoành hành, Trung Quốc cũng có “ưu đãi” nhằm bảo đảm sức khỏe và ổn định cho nguồn gien heo giống nhập khẩu: vận chuyển bằng máy bay.
Chỉ riêng Jiangxi Zhengbang Technology dự định nhập thêm 10.000 heo giống trong năm tài khóa sắp tới kết thúc tháng 6-2021, so với chỉ 5.000 con nhập trong năm nay. Cuối tháng rồi, công ty tài chính IFC trực thuộc World Bank Group cho Jiangxi vay 80 triệu đô la trong kế hoạch mở rộng chuỗi nhân giống, chăn nuôi và chế biến trị giá đến 265 triệu đô la.
Đây cũng là bước mở đầu cho Jiangxi lên sàn chứng khoán, đẩy nhanh hơn kế hoạch mở rộng kinh doanh của hãng. Trước đó, vào tháng 4-2020, IFC cũng cho Muyuan Foods vay 150 triệu đô la nhằm xây dựng 10 trại chăn nuôi mới.
“Có lẽ năm 2021 hoặc sau đó mọi chuyện mới bình thường trở lại. Một phần bởi vì việc nhân giống đàn heo mất rất nhiều thời gian, phần khác vì việc vận chuyển bằng máy bay heo giống chất lượng cao từ châu Âu đang gặp khó do dịch đang bùng phát ở châu Âu”, nhà phân tích cấp cao Darin Friedrichs thuộc hãng tư vấn StoneX Group ở Thượng Hải cho biết.