Ngày 11-12-1993, UNESCO đã chính thức ghi danh quần thể di tích cố đô Huế vào danh mục di sản thế giới. Đây là di sản thứ 410 và là di sản đầu tiên của Việt Nam được công nhận.
Sau đó 10 năm vào ngày 7-11-2003, nhã nhạc cung đình Huế cũng được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, cũng là di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được công nhận.
Cho đến nay, Thừa Thiên Huế là tỉnh duy nhất ở Việt Nam cũng như ở khu vực Đông Nam Á có 7 di sản được UNESCO ghi danh, trong đó có 5 di sản của riêng Huế bao gồm: quần thể di tích cố đô Huế (1993 - di sản vật thể), nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam (2003 - di sản phi vật thể), mộc bản triều Nguyễn (2009 - di sản tư liệu), châu bản triều Nguyễn (2014 - di sản tư liệu), thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016 - di sản tư liệu).
Hai di sản chung với các địa phương khác là nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.
Trong 30 năm qua, Đảng, Chính phủ cùng tỉnh Thừa Thiên Huế đã nỗ lực bảo vệ, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của quần thể di tích cố đô Huế. Nhiều dự án lớn phải kể đến như di dân khỏi di tích Kinh thành Huế, trùng tu điện Thái Hòa, trùng tu Ngọ Môn… đã góp phần gìn giữ, phát huy giá trị lịch sử đặc biệt quan trọng của quần thể di tích thế giới này.
Bà Miki Nozawa, đại diện Tổ chức UNESCO tại Việt Nam, cho biết UNESCO trân trọng và đánh giá cao mối quan hệ hợp tác bền chặt với tỉnh Thừa Thiên Huế trong công tác bảo tồn di tích cố đô đã được phát huy với tinh thần quyết tâm cao và đạt được nhiều kết quả to lớn.
"Quần thể di tích cố đô Huế trở thành một trong những khu di tích được bảo tồn hiệu quả nhất cả về mặt cấu trúc cũng như các hạng mục di sản phi vật thể khác. Cố đô Huế chính là một điển hình thành công tại Việt Nam và trong khu vực", bà Miki Nozawa nói.
Cũng nhân dịp này, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức lễ ra mắt "Quỹ bảo tồn di sản Huế". Tôn chỉ của quỹ là hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận với mong muốn bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hóa Huế theo định hướng chung của Đảng và Nhà nước.
Ở Huế hiện nay có năm bảo tàng công lập và chỉ có duy nhất Bảo tàng Hồ Chí Minh có trụ sở đáp ứng được chức năng trưng bày. Còn lại đều rơi vào cảnh "ở nhờ", thiếu một nơi để trưng bày hiện vật xứng tầm.