Vốn vào KCN TPHCM tăng nhờ dòng đầu tư trong nước
Lê Hoàng
(TBKTSG Online) - Dòng vốn rót vào các khu chế xuất và khu công nghiệp TPHCM trong 10 tháng đầu năm nay tăng 18,4% là nhờ sự gia tăng đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam dù cùng bị ảnh hưởng Covid-19.
Sản xuất của một doanh nghiệp trong khu chế xuất tại TPHCM. Ảnh minh họa: Lê Hoàng |
Theo Ban quản lý các khu chế xuất (KCX) và khu công nghiệp (KCN) TPHCM (HEPZA), tổng vốn thu hút đầu tư nước ngoài vào các khu này trong 10 tháng qua đã giảm 19,14%, chỉ đạt 270,67 triệu đô la Mỹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể trong thời gian trên HEPZA chỉ cấp mới 11 dự án với vốn đầu tư đăng ký gần 91 triệu đô la, giảm 42,15%; và có 25 dự án FDI tăng vốn với vốn điều chỉnh tăng gần 180 triệu đô la, tăng 1,24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thu hút mới đầu tư nước ngoài giảm, theo ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban quản lý Khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (HEPZA), do ảnh hưởng của dịch Covid-19, làm hạn chế đi lại của nhà đầu tư.
Vốn điều chỉnh tăng vốn tăng do nhà đầu tư của một số dự án lớn đã khảo sát, nghiên cứu khả thi, xây dựng phương án đầu tư và đàm phán thuê đất trong thời gian dài trước đó, một số dự án nước ngoài đang hoạt động mở rộng sản xuất, điều chỉnh tăng vốn.
Trong cùng thời gian trên, dù cũng bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, các nhà đầu tư trong nước đã tham gia rót vốn tăng đến 47,6%, đạt 321,27 triệu đô la, trong đó chỉ tính riêng dự án cấp mới (tương đương 250 triệu đô la) thông qua 46 dự án, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Và có 32 dự án doanh nghiêp trong nước trong khu vực này tiếp tục tăng vốn với vốn điều chỉnh tăng hơn 1.628 tỉ đồng (hơn 70 triệu đô la), tăng gấp 2,91 lần so cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Hứa Quốc Hưng, sở dĩ các dự án đầu tư trong nước tăng mạnh trong thời điểm có dịch Covid -19 vì đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, có sự chuẩn bị, chủ động định hướng đầu tư từ trước.
Phần lớn các dự án đầu tư mới tập trung vào các lĩnh vực xây dựng nhà xưởng, kho cho thuê của một số công ty phát triển hạ tầng, các dự án nhận chuyển nhượng quyền thuê đất, nhà xưởng từ các doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất.
Theo ông Hưng, hiện các doanh nghiệp vẫn chưa phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh hoàn toàn. Trong khó khăn do đại dịch, nhiều dự án bị ảnh hưởng tiến độ triển khai, khó khăn trong huy động vốn, chuyên gia nước ngoài chưa đến được… nên Ban quản lý đã xem xét chấp thuận giãn tiến độ hàng chục dự án.
Tuy nhiên, theo ông Hưng tình hình cho thấy doanh nghiệp đang có chiều hướng phục hồi do được kiểm soát dịch tốt.
Cụ thể từ tháng 4 và tháng 5, doanh nghiệp sụt giảm sản xuất kinh doanh 50%, nhưng từ tháng 9 đến nay phục hồi tăng lên 75 - 80%. "Hy vọng với tình hình kiểm soát được dịch bệnh như hiện nay, đến cuối năm sẽ phục hồi tốt trở lại", ông Hưng chia sẻ.
Theo báo cáo của doanh nghiệp trong các KCN-KCX, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã có 45 dự án tạm ngừng hoạt động, đến nay đã có 41 dự án hoạt động trở lại. Một số doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, có nhà xưởng để trống đã đăng ký bổ sung chức năng cho thuê một phần hoặc cho thuê toàn bộ nhà xưởng...
Đại diện cho các doanh nghiệp trong các KCX - KCN, Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM cho rằng, để giúp doanh nghiệp sớm phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, cần giãn thời gian nộp thuế lên 10 tháng hoặc 1 năm bởi thực tế giãn 5 tháng là không có ý nghĩa.
Thứ hai là rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính để nhà đầu tư thuận lợi hơn, đặc biệt các thủ tục về đất đai…
Dự báo tình hình hoạt động của doanh nghiệp 2 tháng còn lại cuối năm nay và năm 2021: tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát, doanh nghiệp phần lớn đã khôi phục hoạt động và sản xuất ổn định. Đồng thời Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) có hiệu lực cũng đã tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tại Việt Nam xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Châu Âu.
Xem thêm: lmth.coun-gnort-ut-uad-gnod-ohn-gnat-mchpt-nck-oav-nov/733013/nv.semitnogiaseht.www