Một trong những nội dung được quan tâm nhiều nhất trong kỳ họp Quốc hội lần này là câu chuyện về thu chi ngân sách khi tại đây, đại diện ngành tài chính đã đưa ra những con số rất đáng lo ngại về tình hình thu chi ngân sách thời điểm này.
Ước cả năm 2020, thu cân đối ngân sách nhà nước đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, giảm 12,5% so dự toán. Do tác động của dịch bệnh COVID-19, thiên tai, việc triển khai các biện pháp thu chi ngân sách nhà nước hỗ trợ nền kinh tế, bội chi ngân sách nhà nước năm 2020 ước khoảng 319.000 - 357.000 tỷ đồng, bằng 4,99 - 5,59% GDP
Như vậy, ngân sách khó cả hai đầu thu và chi, thu giảm đi nhiều, trong khi chi thì tăng lên. Trong bối cảnh này, Bộ Tài chính đã đưa ra dự toán ngân sách cho năm sau với nhiều điểm điều chỉnh theo hướng "thắt lưng buộc bụng".
Ước cả năm 2020, thu cân đối ngân sách nhà nước đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, giảm 12,5% so dự toán. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Nguồn thu sụt giảm mạnh khi kinh tế trong nước và thế giới đã trải qua gần 1 năm đối mặt với dịch bệnh, bất ổn. Doanh nghiệp lao đao và việc phục hồi còn rất khó khăn. Dự báo điều này còn kéo dài đến những năm sau nên việc nuôi dưỡng nguồn thu là rất quan trọng.
Áp lực nguồn thu
Lộ trình phí xếp dỡ cảng biển dự kiến có thể tăng vào đầu năm 2021. Tuy nhiên đến thời điểm này, tình hình doanh nghiệp chưa có nhiều chuyển biến. Nếu giãn thời điểm thực hiện cũng là cách để doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt hơn.
"Có tăng nhưng tăng vào thời điểm hợp lý, ít ra cũng phải nửa sau năm 2021 vì hiện nay tình hình dịch chưa biết COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Việc tăng giá phải tùy vào tình hình thực tế và phải được Chính phủ cho phép", ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, nêu ý kiến.
Theo Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, trong 6 tháng đầu năm nhiều địa phương vẫn báo cáo đảm bảo kế hoạch thu ngân sách. Như vậy, áp lực thu từ cộng đồng doanh nghiệp là rất lớn, cần có sự điều chỉnh hợp lý hơn.
"Theo kết quả khảo sát của chúng tôi, chỉ cuối năm nay, tỷ lệ DN phá sản, giải thể và tạm ngừng hoạt động tăng cao, tăng đột biến. Vì vậy, chúng tôi thực lòng mong muốn Chính phủ có thể điều chỉnh mục tiêu thu ngân sách của năm nay và bớt dồn áp lực lên DN", bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó Giám đốc thường trực Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, chia sẻ.
"Khi DN phát triển, các hoạt động kinh doanh được duy trì thì đây mới là khoản thu trong dài hạn. Vì vậy, nếu hiện nay tận thu những khoản trước mắt thì có thể chúng ta sẽ không thu được khoản thu dài hạn và không đảm bảo mục tiêu lớn hơn của nền kinh tế là duy trì sự sống còn của DN", ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng phòng pháp chế VCCI, nhận định.
Cơ cấu chi ngân sách 2021
Kinh tế khó khăn, đồng nghĩa với việc thu ngân sách nhà nước sẽ tiếp tục giảm. Trong khi đó, nhiệm vụ chi ngân sách vẫn phải thực hiện.
Dự kiến, dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2021 là hơn 1,6 tỷ đồng, giảm 3,4% so dự toán năm 2020, trong đó, chi đầu tư phát triển là 477.000 tỷ đồng, chiếm 28,3% tổng chi ngân sách nhà nước, tăng 6,7 nghìn tỷ đồng so dự toán năm 2020, chi thường xuyên mức hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm 61,4% tổng chi ngân sách nhà nước, giảm khoảng 20.000 tỷ đồng (giảm 1,9% so với dự toán năm 2020).
Dự kiến, dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2021 là hơn 1,6 tỷ đồng, giảm 3,4% so dự toán năm 2020. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Chỉ một ví dụ với việc cắt giảm 70% kinh phí hội nghị, công tác, cùng với 10% tiết kiệm chi thường xuyên, đến nay, tổng số tiết kiệm chi thường xuyên đạt khoảng 17.000 tỷ đồng chỉ riêng ở trung ương. Con số này rất quý giá khi nó tương đương gần 20% số tiền chúng ta đã hỗ trợ doanh nghiệp trong năm nay. "Thắt lưng buộc bụng" chính là việc làm sao tiêu đồng tiền đúng nhất, hiệu quả nhất không lãng phí.
Dự toán kế hoạch ngân sách năm sau sẽ có những điểm thay đổi lớn như thế nào? Làm sao để cân đối việc thu để nuôi dưỡng và thu để đạt mục tiêu đã đề ra?
Câu hỏi phần nào sẽ được giải đáp trong chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 5/11, với sự tham gia của ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính.
VTV.vn - Để từng bước phục hồi kinh tế trong bối cảnh mới, nhiều ĐBQH đề nghị Chính phủ cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ thu chi ngân sách để đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!