Chiều 5/11, kết thúc 3 ngày Quốc hội thảo luận tại hội trường về kế hoạch tài chính ngân sách Nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách năm 2021 và dự thảo kế hoạch ngân sách 5 năm tới, nhiều đại biểu đã bày tỏ đồng tình với báo cáo của Chính phủ.
Theo ông Trần Văn Lâm, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, một trong những nguồn thu ngân sách cần phải được kiểm soát chặt chẽ hiện nay đó là nguồn thu từ đất. Bởi thực tế, vì muốn tăng thu nên một số địa phương vẫn còn tình trạng dễ dãi trong khai thác và sử dụng nguồn lực này, thậm chí cấp phép cho cả những dự án chưa cần thiết.
Ông Trần Văn Lâm, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang.
"Nhiều dự án đô thị khu dân cư hiện nay đang được lập ra với mục tiêu thu ngân sách, tiết giảm tối đa chi phí đầu tư, tiềm ẩn những yếu tố tiêu cực, yếu kém về chất lượng, về thiết kế quy hoạch gây lãng phí xã hội. Theo tôi đã đến lúc phải quản lý chặt chẽ hơn cả thu và chi đối với nguồn lực này", ông Trần Văn Lâm nhấn mạnh.
Để phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh, việc dự toán tăng bội chi được các đại biểu cho rằng là cần thiết. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần cơ cấu các khoản chi phù hợp như giảm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo và đặc biệt là chi đầu tư hạ tầng giao thông tại những vùng có tiềm năng lớn nhưng lại đang thiếu sự kết nối.
"Tôi đề nghị trong thời gian tới Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm ưu tiên sớm triển khai thực hiện các tuyến cao tốc từ Mỹ Thuận đến Cần Thơ, Cà Mau, các tuyến đường trọng điểm, các trục kết nối ngang dọc của khu vực ĐBSCL. Đây là những tuyến đường quan trọng kết nối các tỉnh ĐBSCL với các tỉnh thành khác trong cả nước", đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long, nêu ý kiến.
Để phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh, việc dự toán tăng bội chi được các đại biểu cho rằng là cần thiết. (Ảnh minh họa: Dân trí)
"Để có thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội và kích cầu trong nước, chính phủ đề xuất bội chi ngân sách nhà nước 2021 là 4% GDP, tương ứng 5% GDP chưa điều chỉnh, tăng 1,5% so với dự toán năm 2020, thêm 109.000 tỷ đồng. Bội chi ngân sách nhà nước chỉ dùng cho đầu tư phát triển, không dùng cho chi thường xuyên", ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, nói.
Các đại biểu cũng đề nghị cần siết chặt kỷ cương kỷ luật tài chính công, nâng cao chất lượng dự toán, thanh quyết toán để sớm khắc phục tình trạng giải ngân đầu tư công chậm chạp. Vì trong khi nền kinh tế "khát" vốn mà các nguồn lực lại nằm yên thì không những không phát huy được hiệu quả mà còn là một sự lãng phí.
VTV.vn - Nhiều ý kiến liên quan đến công tác giám sát, xây dựng các cơ chế linh hoạt trong việc thu, chi ngân sách Nhà nước đã được các đại biểu Quốc hội nêu ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!