Tiến sĩ Lê Duy Anh (Đại học Quốc gia Hà Nội) đề xuất đến năm 2045 có thể thêm mục tiêu "đo đếm được" là ít nhất có một trường đại học trong top 100 thế giới - Ảnh: BẢO KHANH
Sáng nay 6-11, lực lượng trí thức trẻ Việt tiêu biểu toàn cầu quy tụ về Hà Nội cùng góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Tại hội nghị, nội dung về "tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và trọng dụng nhân tài" được trí thức trẻ bàn luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Cô chú bảo vệ, lao công cũng cần phải học tập
Thạc sĩ - nghiên cứu sinh Hoàng Anh Đức, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển giáo dục EdLab Asia, nêu đề xuất về xây dựng một xã hội học tập công bằng và bình đẳng, giảm thiểu khoảng cách phát triển văn hóa. Cùng với đó, chú trọng đến nhóm người cao tuổi "học tập suốt đời" cũng là những tấm gương tốt về tinh thần hiếu học cho thế hệ con cháu.
"Xây dựng trường học học tập, ngôi trường học tập như thế nào? Từ xưa đến nay khi nói đến nhà trường, chúng ta chỉ hướng tới chủ thể học tập là học sinh, nhưng những chủ thể khác trong nhà trường như thầy cô giáo, cán bộ quản lý, thậm chí cô chú bảo vệ, đến lao công cũng cần phải học tập", anh Đức đề xuất.
Thạc sĩ - nghiên cứu sinh Hoàng Anh Đức, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển giáo dục EdLab Asia, nêu đề xuất về xây dựng một xã hội học tập công bằng - Ảnh: HÀ THANH
Đồng thời, anh Đức đề xuất đổi mới giáo dục và đào tạo cần phải được đặt trong bối cảnh thế giới đang biến đổi phức tạp, cũng bởi tốc độ sinh ra ngành nghề mới còn nhanh hơn ngành nghề mất đi. Do đó, thay vì tập trung đào tạo kiến thức, kỹ năng phải giúp người học hình thành năng lực thích ứng và năng lực sáng tạo.
"Trong lĩnh vực giáo dục hiện nay chưa có sự phân hóa rõ rệt, về định hướng đại học giáo dục nghiên cứu hay phân luồng ngành nghề. Nếu việc hoạch định đào tạo không gắn liền với công nghiệp 4.0, rất nhanh thôi chúng ta sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi", anh Đức nhấn mạnh.
Quan tâm đến tầm nhìn năm 2045, tiến sĩ Lê Duy Anh (Đại học Quốc gia Hà Nội) góp ý một mục tiêu "đo đếm được" là ít nhất có một trường đại học trong top 100 thế giới, bởi nếu làm được điều này sẽ chứng minh được trí tuệ Việt Nam sánh ngang với các cường quốc năm châu.
Thu hút nhưng làm sao gìn giữ nhân tài?
Góp ý về việc đẩy mạnh mối liên hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp (cơ sở nghiên cứu - cơ sở sản xuất), tiến sĩ Trần Lê Hưng, Trường Đại học Cầu đường Paris (Pháp) cho rằng cần có cơ chế thúc đẩy những cơ sở sản xuất, tập đoàn cùng tham gia nghiên cứu, giúp họ mạnh dạn đặt hàng cho các nhà khoa học.
Tại hội nghị, anh chỉ ra thực trạng nhiều trí thức trẻ Việt tâm huyết với đất nước, sau một thời gian học tập, sinh sống ở nước ngoài lựa chọn quay trở về cống hiến cho quê hương, tuy nhiên các bạn không hòa nhập được.
Hội nghị trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng - Ảnh: HÀ THANH
"Thu hút nhân tài cần có cơ sở hạ tầng, nhưng cần hơn là tạo hứng thú cho các bạn, khơi sức sáng tạo và nghiên cứu. Thu hút rồi làm sao để gìn giữ nó?", anh Đức trăn trở.
Do đó, đề xuất phải có chính sách, cơ chế giúp trí thức trẻ phát huy, làm chủ, sáng tạo, đồng thời duy trì mạng lưới trí thức trẻ.
Chia sẻ với trí thức trẻ, anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn, cho rằng trong bối cảnh thế giới 4.0, miễn là trí thức trẻ có mong muốn, tâm huyết hướng về quê hương thì các bạn ở đâu, làm gì cũng có thể đóng góp được cho quê hương, đất nước. Không nhất thiết về nước rồi trăn trở làm "khu vực công hay tư", bởi nhiều bạn trẻ không làm khu vực công nhưng vẫn có nhiều đóng góp cho đất nước.
"Rất nhiều người nước ngoài vẫn tìm đến Việt Nam phát triển bản thân, tôi tin có cơ hội cho các bạn trí thức trẻ trở về", anh Tuấn chia sẻ.
Với vai trò của mình, Trung ương Đoàn sẽ tiếp tục duy trì kênh mạng lưới trí thức trẻ nước ngoài như là một kênh để các bạn trí thức trẻ có cơ hội đóng góp ý kiến, tiếng nói của mình cống hiến cho nước nhà.
TTO - Chiều 26-10, tại Hà Nội diễn ra hai hội nghị góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, một do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và một do Trung ương Đoàn tổ chức.
Xem thêm: mth.39483601160110202-iohc-couc-iohk-iaol-ib-mos-es-at-gnuhc-0-4-neil-nag-gnohk-oat-oad/nv.ertiout