Nhóm sinh viên: Minh Tấn, Tuyết Anh, Thúy Ngân và Ngọc Thành (từ trái qua) đã nghiên cứu chế tác viên nang giảm cân, hạ mỡ từ quả bưởi non - Ảnh: Q.L.
Ngoài trưởng nhóm Huỳnh Thị Thúy Ngân vừa học xong, các bạn còn lại đang là sinh viên: Trần Tuyết Anh, Đặng Ngọc Thành, Nguyễn Minh Tấn, Hồ Thanh Long và Nguyễn Thị Liễu. Dự án sản xuất một loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe dạng viên nang của nhóm có nguyên liệu chế tác chính từ... quả bưởi non.
“Tôi hoàn toàn tin tưởng vào kỹ thuật bào chế, quá trình nghiên cứu nghiêm túc của nhóm và các bạn có đủ tự tin để tự hào về thành quả ban đầu, sẵn sàng cho chặng đường phía trước.
TS NGUYỄN HỮU LẠC THỦY (Trường ĐH Y dược TP.HCM)
Từ nguyên liệu phế phẩm
Trưởng nhóm Thúy Ngân khoe từ gợi ý của TS Nguyễn Hữu Lạc Thủy và ThS Trương Văn Đạt (khoa dược), ý tưởng nghiên cứu "cái gì đó" từ quả bưởi non nhen nhóm và thành hình. Đọc tìm tài liệu, bài thuốc cổ truyền từ quả bưởi non cộng với kiến thức dược học hiện đại, diện mạo về loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe ngày càng rõ hơn. Và nhóm cùng bắt tay vào nghiên cứu.
Nhà Trần Tuyết Anh chuyên trồng bưởi, vậy là coi như nguyên liệu nghiên cứu không thiếu. Tuyết Anh nói mỗi cây bưởi khi đậu quả thường khá nhiều trái và để có được những quả bưởi chất lượng nhất, nhà vườn bằng kinh nghiệm lâu năm của họ sẽ tỉa bớt, chỉ giữ lại những quả trội hơn.
"Số bưởi non phải cắt bỏ lúc nào cũng nhiều hơn giữ lại mà đó giờ đâu ai dùng đến mấy thứ này" - Tuyết Anh kể.
Từ quả bưởi non xanh rì, đắng nghét, qua những công đoạn thử nghiệm với các thông số về nhiệt độ sấy, độ mịn, độ ẩm cuối cùng cho ra đời... bột bưởi non. Dùng chuyên môn với tỉ lệ tá dược được thay đổi liên tục, cả nhóm kỳ vọng vào một quy trình bào chế viên nang có chất lượng ổn định nhất.
TS Lạc Thủy chia sẻ: "Công nghệ sấy lạnh giữ gần như nguyên vẹn các hoạt chất quý giá chỉ có trong quả bưởi non, tạo ra nguồn nguyên liệu sạch và hoàn toàn tự nhiên".
Và các bạn bước đầu đã trình làng viên nang bưởi non Pomepose từ bột nguyên liệu xanh và sạch đó. "Viên nang chứa thành phần chính là pectin và bioflavonoid trong bưởi non có tác dụng hỗ trợ giảm cân, hạ mỡ một cách an toàn, hiệu quả được ghi nhận trong y học cổ truyền. Dạng bào chế viên nang sẽ cải thiện vị đắng của bột bưởi non, quan trọng là tận dụng nguồn bưởi non lên đến hàng ngàn tấn ở nước ta vốn được coi như phế phẩm" - Ngân bổ sung.
Triển vọng không nhỏ
Ý tưởng "sản xuất viên nang bưởi non" là công sức của cả nhóm, vừa giành giải nhì cuộc thi khởi nghiệp lần đầu tiên được Trường ĐH Y dược TP.HCM tổ chức, được chọn dự cuộc thi toàn quốc "SV-Startup 2020" của Bộ Giáo dục - đào tạo.
ThS Trương Văn Đạt bày tỏ: "Các bạn rất chủ động nghiên cứu, tôi và cô Thủy chỉ gợi mở, quan sát và khi cần gỡ khó mới xuất hiện. Việc nghiên cứu tạo ra một sản phẩm từ quả bưởi non là khá mới, nếu không muốn nói là chưa ai làm, lại góp phần tăng giá trị cho sản phẩm của nông dân".
Theo tính toán của nhóm, sản phẩm sẽ đăng ký lưu hành như một loại thực phẩm chức năng. Quá trình sử dụng đó cũng là cơ hội để ghi nhận thêm về tác dụng sinh học, tính năng của sản phẩm qua việc ghi nhận thông tin của người dùng về các chỉ số, so sánh giữa lúc dùng và không dùng sản phẩm...
Những chỉ số này sẽ là mẫu thử, căn cứ quan trọng để sản phẩm đăng ký thẩm định với cơ quan quản lý trước khi đảm bảo đủ chứng nhận về một loại thuốc có giá trị lưu hành, điều trị cho người béo phì, mỡ bụng, mỡ máu, mỡ gan cao... chứ không còn là thực phẩm chức năng vì thành phần hoạt chất, tác dụng của nguyên liệu quả bưởi non đã được ghi nhận rồi.
Điều nhóm băn khoăn là cải tiến công đoạn chiết xuất hoạt chất để đạt hiệu suất cao hơn, tối ưu hóa quy trình sản xuất để giảm chi phí, giúp giá thành sản phẩm thấp nhất. Khi đó, nhiều người có nhu cầu sẽ dễ dàng mua và dùng sản phẩm hơn.
Thúy Ngân không giấu: "Kết quả công bố mới là bước đầu và nhóm vẫn đang hoàn thiện nghiên cứu, cải tiến để nâng cao tính an toàn và hiệu quả cho người dùng. Tụi mình cũng cần sự đầu tư để có điều kiện nghiên cứu sâu hơn".
Khởi đầu con đường nghiên cứu
Cùng với sản phẩm viên nang bưởi non Pomepose, nhóm nghiên cứu khoảng 20 sinh viên của TS Nguyễn Hữu Lạc Thủy và ThS Trương Văn Đạt tại khoa dược (Trường ĐH Y dược TP.HCM) còn cho ra đời một số kết quả khác. Trong đó, kẹo đinh lăng là sản phẩm đã đoạt giải khuyến khích cuộc thi khởi nghiệp của sinh viên y dược nói trên.
Đây là thành quả nghiên cứu của nhóm gồm các sinh viên: Nguyễn Minh Tấn, Quảng Thị Thanh Hương, Nguyễn Trường Giang, Lê Thị Thanh Thùy và Nguyễn Thị Thu Thủy. Kẹo ra đời với thành phần chính là cao được chiết xuất từ rễ cây đinh lăng kết hợp axit hữu cơ, đường ăn kiêng và phụ gia.
"Có nhà đầu tư đã sẵn sàng chi 200 triệu đồng, khuyến khích nhóm hoàn thiện nghiên cứu để tạo ra sản phẩm kẹo đinh lăng hoàn chỉnh. Đây là tín hiệu vui và là nguồn động viên lớn với mỗi thành viên trong nhóm" - trưởng nhóm Minh Tấn cho biết.
TTO - Sinh ra, lớn lên ở vùng trồng cây cói lớn nhất tỉnh Thanh Hóa, bạn Trần Văn Hùng, 27 tuổi, ở xã Nga Trường, huyện Nga Sơn luôn ấp ủ ước mơ biến cây cói quê mình trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao.
Xem thêm: mth.97123539060110202-nac-maig-av-uam-om-ah-om-meihn-nag-irt-non-ioub-ut-ogn-tab/nv.ertiout