Tại cuộc họp Quốc hội sáng nay (6/11), đại biểu Nguyễn Lân Hiếu chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về công tác triển khai công nghệ 5G ở Việt Nam và cách thực hiện để giảm tối đa việc tốn kém, lãng phí.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Việt Nam làm 5G không chậm. "Năm 2019, chúng ta đã thử nghiệm kỹ thuật. Năm 2020, Liên minh viễn thông thế giới công bố chuẩn thì Việt Nam bắt đầu thử nghiệm thương mại và năm 2021 sẽ triển khai diện rộng", Bộ trưởng nói. Nếu nhìn lại quá khứ, công nghệ 2G Việt Nam đi cùng nhịp với thế giới, xếp hạng top cao. Nhưng đến 3G và 4G, nước ta chậm chân hơn từ 7-8 năm.
Về chi phí, Bộ trưởng cho biết, việc triển khai thực hiện theo các giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu làm ở các thành phố lớn, trung tâm đông người. Đồng thời, sau đó sẽ thực hiện ở các khu công nghiệp, khu nghiên cứu và trường đại học để phục vụ cho các công nghệ mới.
Việc triển khai 5G cũng dựa trên hạ tầng đã có của 4G, nhà trạm, cột ăng ten, truyền dẫn, tức 70% là dùng lại được. Vì thế, ông Hùng đánh giá chi phí không cao.
"Việt Nam triển khai 5G trên tinh thần sẽ dùng chung cơ sở hạ tầng. Chúng ta làm 5G, đồng thời tắt 2G, 3G để giảm chi phí khai thác cho các nhà mạng. Có tin rất vui là khi triển khai diện rộng sẽ có thiết bị 5G Việt Nam và chắc chắn rằng, chất lượng tốt, giá rẻ hơn sẽ tiết kiệm chi phí cho các nhà mạng", Bộ trưởng khẳng định.
Đầu tháng 11, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin & Truyền thông) cho biết đang xây dựng dự thảo "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất" với mục tiêu yêu cầu thiết bị đầu cuối di động được sản xuất, lưu thông trên thị trường Việt Nam phải hỗ trợ các công nghệ mới 4G, 5G.
Như vậy, điện thoại chỉ hỗ trợ 2G, 3G có thể không được sản xuất tại Việt Nam và nhập khẩu khi quy chuẩn mới có hiệu lực. Quy chuẩn này dự kiến ban hành trong tháng 12 và có hiệu lực từ tháng 7/2021.
Người dùng mạng Viettel tại Hà Nội và MobiFone tại TP HCM cũng chuẩn bị được trải nghiệm thử mạng 5G.
Giấy phép thử nghiệm thương mại mạng và dịch vụ viễn thông 5G đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp cho Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) và Tổng công ty Viễn thông MobiFone vào cuối tháng 10.
Theo đó, Viettel sẽ được thử nghiệm thương mại mạng 5G tại Hà Nội với quy mô không vượt quá 140 trạm. Đơn vị này sẽ được quyền sử dụng các đoạn băng tần đã quy hoạch, gồm dải băng tần 2.500-2.600 MHz, 3.700-3.800 MHz và 27.100-27.500 MHz để thử nghiệm thương mại 5G.
Minh Sơn