Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, từ năm 2021, Việt Nam sẽ triển khai 5G trên diện rộng. Khi ấy, chúng ta sẽ có thiết bị 5G Việt Nam, chắc chắn chất lượng tốt, giá rẻ hơn và tiết kiệm chi phí cho nhà mạng.
“Chúng ta làm mạng 5G không chậm”
Ngay trong sáng 6.11, khi bắt đầu phiên chất vấn của Quốc hội, đã có 102 đại biểu đăng ký chất vấn Thủ tướng, các phó thủ tướng, các bộ trưởng về nhiều vấn đề kinh tế-xã hội.
Trong đó, lĩnh vực thông tin truyền thông được nhiều đại biểu quan tâm, chất vấn các vấn đề như công nghệ 5G, quản lý mạng xã hội, quy hoạch báo chí...
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn An Giang) đã chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Xin hỏi Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), việc triển khai công nghệ 5G của chúng ta có chậm trễ không, giải pháp để hạn chế tối đa sự tốn kém, lãng phí khi triển khai trên diện rộng là gì?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Việt Nam làm mạng 5G không chậm. Năm 2019 đã thử nghiệm kỹ thuật. Năm 2020 thử nghiệm thương mại, bắt đầu kinh doanh có thu phí và 2021 sẽ triển khai diện rộng.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, mạng 2G Việt Nam đi cùng nhịp thế giới nhưng 3G, 4G bị chậm hơn 7-8 năm, xếp hạng 108 vào năm 2017. Về mạng 5G, Việt Nam sẽ triển khai trước hết ở thành phố lớn, khu đông người, khu công nghiệp, trường đại học, dựa trên hạ tầng mạng 4G. Vì vậy chi phí sẽ không lớn.
“Chúng ta triển khai 5G dựa trên hạ tầng đã có của 4G, từ nhà trạm, ăng ten, 70% là dùng lại được. Chúng ta cũng triển khai 5G với tinh thần dùng chung cơ sở hạ tầng. Hiện Bộ đã đề nghị DN xây dựng phương án về dùng chung cơ sở và thiết bị 5G. Làm mạng 5G đồng thời cũng tắt mạng 2G, 3G để giảm chi phí khai thác cho nhà mạng. Có một tin vui là khi triển khai diện rộng 5G thì chúng ta sẽ có thiết bị 5G Việt Nam. Chắc chắn rằng chất lượng tốt, giá rẻ hơn và tiết kiệm chi phí” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Quy hoạch báo chí hoàn thành trong 2020
Đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) thì chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về tiến độ thực hiện quy hoạch báo chí.
Thông tin về vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, tháng 4.2019, Thủ tướng ký Quy hoạch báo chí. Tháng 6.2019, Bộ TTTT có kế hoạch triển khai. Tháng 8.2019, Bộ TTTT và Ban Tuyên giáo Trung ương đã làm việc với từng cơ quan báo chí.
Đến thời điểm này, có 33/33 tổ chức hội ở Trung ương phải quy hoạch thì đã làm xong; có 13 bộ ngành triển khai quy hoạch đến nay còn 2 cơ quan đã có phương án; có 31 địa phương thực hiện quy hoạch thì còn 1 địa phương đang hoàn thiện.
“Lộ trình hết năm nay thực hiện xong 100% quy hoạch báo chí” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, đồng thời nhấn mạnh sau quy hoạch còn nhiều công việc khác như xây dựng cơ quan báo chí chủ lực, chính sách hỗ trợ báo chí.
Tiếp tục đẩy mạnh các mạng xã hội trong nước
Về vấn đề quản lý mạng xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết trong 2 năm gần đây, mạng xã hội Việt Nam có sự phát triển bứt phá. Năm 2018, các mạng xã hội Việt Nam đạt 47 triệu tài khoản, đến nay con số đã là 96 triệu.
“Chúng ta đã cấp phép đến trên 800 mạng xã hội Việt Nam, tập trung chủ yếu ở thị trường ngách” - ông Hùng nói.
Các mạng xã hội Việt Nam đều được xây dựng từ nguồn vốn của doanh nghiệp tư nhân, theo cơ chế thị trường. Bộ TTTT có vai trò hỗ trợ về truyền thông, tháo gỡ cơ chế chính sách.
Ông Hùng cho biết các mạng xã hội trong nước phát huy thế mạnh về nền tảng dịch vụ chuyên ngành để phát triển thị trường ngách và xây dựng mạng xã hội chuyên biệt, đa dịch vụ và kết hợp với thanh toán qua di động, để tạo ra một hệ sinh thái số Việt Nam, đáp ứng yêu cầu người sử dụng.
Theo Bộ trưởng, thời gian tới, Bộ TTTT tiếp tục đẩy mạnh các mạng xã hội trong nước theo hướng chiếm lĩnh các thị trường ngách và đặc biệt là các mạng xã hội thế hệ mới với 4 đặc điểm khác biệt với Facebook.
Thứ nhất, mạng xã hội là nền tảng, do vậy sẽ chia sẻ doanh thu với người dùng; thứ hai là có công cụ chọn lọc ngay từ đầu, đảm bảo nền tảng sạch. Thứ ba là công khai thuật toán với người dùng; thứ tư cho phép phát triển các nền tảng con trên nền tảng mẹ để có thể phát triển nhiều cộng đồng nhỏ mang tính văn hóa riêng biệt.
Xem thêm: odl.881258-noh-er-aig-tot-gnoul-tahc-g5-ib-teiht-oc-es-man-teiv-tttt-gnourt-ob/et-hnik/nv.gnodoal