vĐồng tin tức tài chính 365

Muốn tận dụng FTA, phải phát triển bền vững

2020-11-06 14:34

Muốn tận dụng FTA, phải phát triển bền vững

Anh Thư

(TBKTSG) - Muốn tận dụng hết các cơ hội xuất khẩu từ các hiệp định thương mại tự do, doanh nghiệp không thể không quan tâm đến các tiêu chí về phát triển bền vững. Đây không phải rào cản các nước đặt ra để hạn chế nhập khẩu, như nhiều người vẫn nghĩ vậy, mà họ đang giúp chúng ta.

Việc EU rút thẻ vàng đối với Việt Nam là cơ hội để ngành khai thác hải sản Việt Nam đánh giá lại thực trạng, tổ chức lại sản xuất, hoàn thiện hệ thống quản lý nghề cá để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Ảnh: quochoi.vn

Trong Báo cáo “Tương lai chung của chúng ta” của Hội đồng Thế giới về Môi trường và Phát triển (WCED) của Liên hiệp quốc, phát triển bền vững được định nghĩa “là sự phát triển đáp ứng được những yêu cầu của hiện tại, nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau”.

Phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa ba mặt của sự phát triển: phát triển kinh tế, phát triển xã hội (thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm) và bảo vệ môi trường.

Phát triển bền vững trở thành quan điểm xuyên suốt trong các chính sách của Đảng và Nhà nước và đã được lồng ghép trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm. Gần đây nhất, ngày 25-9-2020 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 136/CP-NQ về phát triển bền vững.

Con người là trung tâm của sự phát triển bền vững trong các FTA

Một trong những quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 136 là con người là trung tâm của phát triển bền vững. Có thể thấy quan điểm này trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt trong hai FTA mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Xuất phát từ quan điểm con người là trung tâm của phát triển bền vững, trong các quy định của FTA thế hệ mới có đến hai trong ba trụ cột liên quan đến con người, đó là thương mại an toàn và thương mại trách nhiệm xã hội, trụ cột còn lại là thương mại tự do.

Cách làm “heo hai chuồng”, “rau hai luống”, một sản xuất sạch cho mình, còn lại thì sử dụng hóa chất, chất cấm nhằm tăng năng suất, tối ưu hóa lợi nhuận để bán ra thị trường là không thể chấp nhận được.

Có hai quy định về thương mại an toàn liên quan đến an toàn về sức khỏe con người, đó là rào cản kỹ thuật (technical barriers to trade - TBT) và biện pháp vệ sinh và kiểm dịch (sanitary and physosanitary measures - SPS).

TBT quy định về đánh giá sự phù hợp của hàng hóa nhập khẩu đối với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của nước nhập khẩu, được sử dụng để bảo vệ sức khỏe và an toàn của con người và môi trường sinh thái.

SPS được áp dụng nhằm bảo vệ cuộc sống, sức khỏe con người, động vật và thực vật thông qua việc bảo đảm an toàn thực phẩm, ngăn chặn sự xâm nhập của các dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật và thực vật. Biện pháp SPS là các yêu cầu về chất lượng, quy trình đóng gói, bao bì, kiểm dịch, cách lấy mẫu, phương thức vận chuyển động vật và thực vật.

Phát triển vô trách nhiệm sẽ mất dần đất sống

Việc các nước sử dụng TBT và SPS ngày càng phổ biến, phức tạp hơn, yêu cầu cao hơn, khắt khe hơn theo cách nhìn nhận của một số chuyên gia nước ta là nhằm bảo hộ sản xuất trong nước, gây khó khăn cho hàng hóa nhập khẩu. Nhưng, đó là quy định tất yếu và bình thường của các nước phát triển, xã hội văn minh, hiện đại nhằm bảo đảm sự an toàn về sức khỏe của người tiêu dùng khi sử dụng hàng hóa nhập khẩu.

Cách làm này chúng ta cần tiếp cận và hướng tới với bước đi phù hợp, không thể không làm cho người tiêu dùng trong nước. Cách làm “heo hai chuồng”, “rau hai luống”, một sản xuất sạch cho mình, còn lại thì sử dụng hóa chất, chất cấm nhằm tăng năng suất, tối ưu hóa lợi nhuận để bán ra thị trường là không thể chấp nhận được không chỉ cho thị trường quốc tế trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu, rộng với kinh tế thế giới mà còn đối với thị trường trong nước.

Thương mại trách nhiệm xã hội liên quan đến bảo vệ người lao động. Tên của Hiệp định CPTPP là “toàn diện và tiến bộ” đã cho thấy nội hàm đầy đủ trách nhiệm xã hội của hiệp định này. Vì sự tiến bộ và công bằng xã hội, mọi người đều được hưởng thành quả của sự phát triển, không ai bị bỏ lại phía sau. Hàng hóa không được sử dụng lao động cưỡng bức, lao động chưa thành niên, điều kiện lao động không bảo đảm. Nội dung về lao động - công đoàn cũng được đặt ra trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Còn về bảo vệ môi trường là xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; phòng chống chặt phá rừng; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên - nhất là đất, rừng và biển, ngăn chặn khai thác bất hợp pháp.

Liên minh châu Âu (EU) còn có những quy định không chỉ liên quan đến tiêu chuẩn sản phẩm mà cả đối với quy trình sản xuất ra sản phẩm đó. Chẳng hạn, không được dùng hải sản được đánh bắt bất hợp pháp hay không được dùng gỗ khai thác từ rừng tự nhiên mà chưa được phép.

EU rút thẻ vàng ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp đối với Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 23-10-2017, chỉ áp dụng đối với hải sản khai thác từ biển không phải hải sản nuôi trồng. Việc EU rút thẻ vàng đối với Việt Nam, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cũng là cơ hội để ngành khai thác hải sản Việt Nam đánh giá lại thực trạng, tổ chức lại sản xuất, hoàn thiện hệ thống quản lý nghề cá để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Đến nay chúng ta nỗ lực có các biện pháp quản lý, giám sát hải sản khai thác từ biển của các cơ quan chức năng và sự thay đổi nhận thức, tự giác tuân thủ pháp luật của ngư dân để EU sớm thu hồi thẻ vàng, tạo điều kiện cho hải sản Việt Nam vào thị trường EU khi mà EVFTA có hiệu lực từ ngày 1-8-2020.

Đối với lâm sản, Việt Nam và EU đã ký Hiệp định Đối tác tự nguyện và thực thi Luật Lâm nghiệp và thương mại lâm sản. Theo đó, Việt Nam và EU thực hiện Hiệp định Chống khai thác gỗ bất hợp pháp (gọi tắt là Hiệp định VPA/FLEGT, có hiệu lực từ ngày 1-6-2019).

Trong những năm qua, không ít lô hàng thực phẩm, rau quả và thủy sản của Việt Nam bị giám sát do không đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, thậm chí bị trả về.

Việt Nam nằm trong nhóm các nước có số trường hợp bị cảnh báo và trả hàng về từ châu Âu khá nhiều. Nguyên nhân do những lô hàng này không đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm của EU, chứa các chất vượt mức cho phép hoặc bị cấm sử dụng trong thực phẩm.

Kết quả thực hiện CPTPP và EVFTA

Theo thống kê của Bộ Công Thương, qua một năm thực hiện CPTPP, năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam sang Canada đạt 3,86 tỉ đô la Mỹ, tăng 28,2%; Mexico đạt 2,84 tỉ đô la, tăng 26,8%; Chile gần 1 tỉ đô la, tăng 20,5%; Peru đạt 350 triệu đô la, tăng 40% so với năm 2018. Xuất siêu của Việt Nam sang 10 nước tham gia CPTPP đã đạt gần 4 tỉ đô la.

Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ đầu tháng 8 vừa qua đã mang lại những lợi ích đầu tiên cho doanh nghiệp. Theo số liệu của Bộ Công Thương, chỉ trong tháng đầu thực hiện EVFTA, hàng hóa xuất khẩu sang EU đã đạt kim ngạch 277 triệu đô la.

Đạt được kết quả trên một phần là nhờ 27 nước EU và 10 nước vành đai Thái Bình Dương, theo cam kết, đã gỡ bỏ hàng rào thuế quan, nhiều mặt hàng được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu bằng 0, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào các nước này dễ dàng hơn.

Mặt khác, đó là sự cố gắng của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa, các quy định về TPT và SPS, bảo đảm an toàn về sức khỏe của con người và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do, trong đó có FTA mới, đã thúc đẩy phát triển bền vững, nâng cao chất lượng phát triển. 

Xem thêm: lmth.gnuv-neb-neirt-tahp-iahp-atf-gnud-nat-noum/372013/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Muốn tận dụng FTA, phải phát triển bền vững”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools