Ngân hàng Singapore chạy đua trở thành 'Thụy Sĩ của châu Á'
Ricky Hồ
(TBKTSG Online) - Các ngân hàng lớn của Singapore ghi nhận mức lợi nhuận giảm đến 40% trong quí vừa qua. Nhưng triển vọng kinh doanh của ngành lại tươi sáng hơn sau khi đảo quốc này gỡ dần các lệnh phong tỏa. Giai đoạn chống dịch căng thẳng lại là cơ hội để thay đổi, bắt đầu cuộc đua chuyển đổi số để chuẩn bị cho thời kỳ phát triển hậu Covid-19, mà cao nhất là mục tiêu trở thành “Thụy Sĩ của châu Á”.
Khoảng 60% tập đoàn công nghệ đa quốc gia chọn Singapore làm đại bản doanh châu Á. Ảnh: Reuters |
“Hạn tam tai”
“Các ngân hàng đã trải qua ba cái hạn trong năm nay. Dịch Covid-19 đã kéo tăng trưởng tín dụng xuống thấp, dịch cũng khiến các ngân hàng phải tăng trích lập quỹ dự phòng và rồi lãi suất thấp đã đánh mạnh vào biên lợi nhuận” – nhà nghiên cứu trưởng Paul Chen của hãng Philip Securities Research nhận định.
Ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á DBS Group Holdings có lợi nhuận ròng trong quí vừa qua là 1,3 tỉ đô la Singapore, khoảng 958 triệu đô la Mỹ – giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Còn OCBC công bố mức lợi nhuận chỉ 1,03 tỉ đô la Singapore, giảm 12% so với năm trước. UOB có kết quả kinh doanh thấp nhất với lợi nhuận ròng đạt 668 triệu đô la Singapore, giảm 40% so với năm trước.
Các nhà phân tích đã không mong đợi các ngân hàng đạt mức tương tự như trước khi dịch Covid-19 bùng phát mặc dù có các dấu hiệu đáng khích lệ rằng cơn bão tệ hại nhất của đợt dịch đã chấm dứt. “Bớt tệ hơn, nhưng không tốt lắm. Các hoạt động kinh tế tăng dần và các chi nhánh mở cửa trở lại sau nửa năm đóng cửa đã tạo đà tăng cho doanh thu phí quản lý cũng như tiêu dùng tín dụng”, nhà phân tích Thilan Wickramasinghe của ngân hàng Maybank Kim Eng nhận xét trong một báo cáo.
Các ngân hàng Singapore đã phải đóng cửa hầu hết các văn phòng và chi nhánh trong tháng 4 và tháng 5. Trong quí vừa rồi, các chi nhánh hoạt động trở lại nhưng áp dụng chặt chẽ các biện pháp phòng ngừa Covid-19. “Trong quí rồi, chúng tôi ghi nhận các hoạt động khách hàng gia tăng. Điều này được phản ánh rõ qua doanh thu phí quản lý, phí thẻ tín dụng, cũng như dòng ngân khoản và doanh số bảo hiểm bán qua ngân hàng”, CEO Samuel Tsien của OCBC nói trong buổi họp báo ngày 5-11.
Còn CEO Piyush Gupta của ngân hàng DBS nói rằng sự tăng bật trong doanh thu như trước mùa dịch đã giúp DBS ít chịu tác động của lãi suất thấp. Ngân hàng UOB có mức cải thiện khi lợi nhuận tăng 3% so với quí trước – CEO Wee Ee Cheong thông báo. Ông cũng nói rằng UOB “vẫn duy trì tỉ lệ quỹ dự phòng” trong quí rồi dù các chương trình giãn nợ hay hoãn trả nợ - theo khuyến cáo của chính phủ - đã kết thúc.
Các ngân hàng đã trích quỹ dự phòng nhiều hơn trong các quí trước để phòng ngừa các thất thoát do nợ xấu khi người dân và doanh nghiệp không có trả tiền để trả nợ. Trong quí rồi, cả hai ngân hàng DBS và OCBC có mức trích quỹ thấp hơn. DBS trích 554 triệu đô la Singapore, thấp hơn quí trước 35%. Trong khi đó, OCBC để ra khoản 350 triệu đô la Singapore, giảm đến 53% so với quí 2. UOB là ngân hàng duy nhất có quỹ trích lập gia tăng với 477 triệu đô la Singapore, tăng 20%.
“Các ngân hàng vẫn tích cực và chủ động trích lập quỹ. Vì thế, lợi nhuận bị ảnh hưởng bởi các hoạt động kinh doanh cần một thời gian mới hồi phục”, nhà phân tích Krishna Guha của hãng Jefferies nói với Nikkei Asia.
Cả ba CEO đều ghi nhận môi trường kinh doanh ở Singapore đã cải thiện, nhưng vẫn thận trọng nói rằng nền kinh tế nước này vẫn chưa thoát khỏi mây mù khủng hoảng. “Điều chúng tôi nhận thấy hiện nay là các thách thức của nền kinh tế vẫn tiếp tục tồn tại, nhưng mọi thứ đang ổn định. Chúng tôi nhận thấy các hoạt động kinh tế và kinh doanh, tâm lý khách hàng đã bình ổn. Nhưng chúng tôi sẽ không xem đó là hồi phục kinh tế hoặc đang trên đà hồi phục mạnh mẽ”, CEO Tsien của ngân hàng OCBC phát biểu.
Cuộc đua ngân hàng số
Có đến 21 đơn vị, gồm các ngân hàng Singapore và các tập đoàn công nghệ tài chính nước ngoài, đang chạy đua để giành 5 giấy phép ngân hàng số của Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) – tức ngân hàng trung ương của đảo quốc này. Trong số này, chỉ có hai giấy phép toàn diện (full service) có thể phục vụ khối bán lẻ và khối bán sỉ, ba giấy phép còn lại chỉ được cung cấp dịch vụ bán sỉ.
Thị trường ngân hàng số có giá trị đến 2.000 tỉ đô la Mỹ. Vì thế, cạnh tranh ráo riết đang diễn ra giữa các ngân hàng truyền thống Singapore với các đối thủ sừng sỏ, bao gồm Ant Financial, tập đoàn ByteDance - hãng mẹ sở hữu ứng dụng TikTok, siêu ứng dụng Grab và một nhóm công ty do hãng trò chơi Razer dẫn đầu. Cơ quan Tiền tệ Singapore quy định: Muốn có giấy phép, đương đơn phải có vốn góp 15 triệu đô la Singapore, tức 11 triệu đô la Mỹ. Sau khi có giấy phép toàn diện, phải có vốn góp 1,5 tỉ đô la Singpore. |
Vốn chỉ là một yếu tố nhỏ trong con đường gian nan xin giấy phép. Nhưng cuộc cạnh tranh về công nghệ mới và thu hút nhân tài mới là vấn đề đáng lo. DBS đã đầu tư đến 4,4 tỉ đô la Singapore trong bốn năm qua để nâng cấp công nghệ, nhằm đáp ứng tỷ lệ tăng trưởng đến 25% mỗi năm.
Cuối tháng 9, DBS nói rằng đã đưa “công nghệ dự báo” vào ứng dụng trên smartphone của ngân hàng. Ứng dụng này cho phép khách lẻ hay doanh nghiệp có thể những dự báo từ ngân hàng về việc quản lý hiệu quả dòng tiền hoặc cắt lỗ khi đầu tư.
Trước đó, DBS đã hợp tác với Amazon Web Services để đào tạo các kỹ năng làm việc với trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy cho nhân viên và quản lý cấp cao. Ngân hàng hy vọng số nhân sự được đào tạo sẽ lên đến 3.000 người vào cuối năm.
Trong khi đó, đối thủ OCBC vào tháng 6 đã thông báo kế hoạch tuyển dụng thêm 3.000 nhân viên. Trong một thông cáo dành cho cổ đông, OCBC viết: “Dịch bệnh đã làm tăng tốc độ số hóa trên toàn thế giới. Số khách hàng tiếp cận các kênh số hóa và giải pháp số của OCBC tăng vọt”. Bên cạnh việc tuyển dụng thêm chuyên gia công nghệ mới, OCBC cũng kết hợp với Đại học Bách khoa Ngee Ann tổ chức các khóa học phân tích dữ liệu cho nhân viên của ngân hàng.
Ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á DBS Group Holdings đầu tư 4,4 tỉ đô la Singapore cho công nghệ mới trong bốn năm qua. Ảnh: Reuters |
Giấc mơ “Thụy Sĩ của châu Á”
Giấc mơ công nghệ hay tham vọng công nghệ Singapore không quá mới. Đảo quốc này sử dụng vị trí cửa ngõ của mình để thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm, các công ty khởi nghiệp, và kết nối với các nhà đầu tư công nghệ toàn cầu kể từ năm 2010.
Có đến 270 quỹ mạo hiểm và hơn 4.000 startup chọn Singapore làm “đất lành”, thu hút đội ngũ nhân lực tay nghề cao đến 22.000 người – theo số liệu của chính phủ Singapore. Hầu hết đội quân khởi nghiệp khổng lồ này đã sử dụng Singapore làm bàn đạp để vươn ra thị trường Việt Nam, Indonesia, Philippines, khu vực và toàn cầu.
Singapore là nơi đóng đại bản doanh châu Á của 59% tập đoàn công nghệ đa quốc gia, trong đó có Facebook, LinkedIn, Google và Visa. Giờ đây, có thêm sự xuất hiện của gã công nghệ khổng lồ từ Trung Quốc như Alibaba, Tencent và ByteDance và danh sách còn kéo dài trong thời gian ngắn tới.
“Trong Thế chiến thứ 2, sự trung lập của Thụy Sỹ đã biến đất nước này thành đất lành cho các hoạt động ngoại giao và thương mại. Quay nhanh thời gian 75 năm, chúng ta nhận ra các xu hướng tương tự đang diễn ra ở Singapore – Thụy Sỹ của châu Á – khi các căng thẳng Mỹ -Trung gia tăng và các nước phải chọn hướng đi cho riêng mình”, Financial Times bình luận.
Vị trí trung lập hay cân bằng giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc không chỉ là yếu tố thuần nhất để giúp Singapore trở thành một Thụy Sỹ mới trong tương lai. Cơ chế pháp lý và quản trị hiệu quả đang là thước đo mà chính phủ nước này hướng tới.
Năm 2016, Singapore từng rút giấy phép và phạt nặng 6 ngân hàng của Singapore, Thụy Sĩ và Anh vì dính líu vụ bê bối quỹ đầu tư 1MDB của Malaysia. Các cá nhân có liên quan cũng bị phạt tiền, tù và cấm hành nghề tài chính, ngân hàng ở Singapore. Mới nhất là việc ngân hàng lừng danh JP Morgan hồi tháng 10-2020 bị phạt đến 1,26 tỉ đô la Singapore vì dính líu đến các hoạt động rửa tiền.
Xem thêm: lmth.a-uahc-auc-is-yuht-hnaht-ort-aud-yahc-eropagnis-gnah-nagn/553013/nv.semitnogiaseht.www