vĐồng tin tức tài chính 365

Từ căng thẳng Mỹ - Trung, chuỗi cung ứng mới dần lộ diện

2020-11-06 14:34

Từ căng thẳng Mỹ - Trung, chuỗi cung ứng mới dần lộ diện

Lạc Diệp

(TBKTSG) - Căng thẳng thương mại với Trung Quốc đã buộc các doanh nghiệp Mỹ phải chuyển hướng sang các quốc gia khác để tìm kiếm nguồn hàng nhập khẩu. Nhiều nền kinh tế đã lấp dần được chỗ trống do Trung Quốc để lại.

Mỹ - Trung lún sâu trong vòng xoáy tranh chấp

Từ tháng 7-2018 đến tháng 9-2019, Mỹ và Trung Quốc đã lún sâu vào vòng xoáy tranh chấp thương mại. Mức thuế lên tới 25% đã được Washington áp lên hầu hết các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Thuế quan đã nhanh chóng cho thấy những tác động sâu sắc. Trước khi tranh chấp bùng phát, 23% lượng hàng hóa nhập khẩu của Mỹ đến từ Trung Quốc, với tổng giá trị hơn 526 tỉ đô la Mỹ chỉ tính riêng trong năm 2017, gần bằng các nước láng giềng của Mỹ là Canada và Mexico cộng lại. Thế nhưng chỉ hơn hai năm sau, vào cuối năm 2019, tỷ lệ này chỉ còn là 18% - giảm hơn 26 tỉ đô la.

Ông Yasuyuki Sawada, chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho biết: “Hai bên thua cuộc lớn nhất từ ​​cuộc xung đột là Mỹ và Trung Quốc. Một phân tích năm 2020 của ADB cho thấy rằng GDP và việc làm ở cả hai nước đều sẽ bị ảnh hưởng do căng thẳng thương mại”.

Theo một phân tích của Liên hiệp quốc hồi tháng 11 năm ngoái, đối với người tiêu dùng Mỹ, cuộc chiến thương mại đồng nghĩa với việc họ phải trả giá cao hơn cho các sản phẩm của Trung Quốc; trong khi đối với Trung Quốc, điều này chủ yếu dẫn đến sự sụt giảm giá trị xuất khẩu.

Một nghiên cứu đối với những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Trung Quốc sang Mỹ cho thấy, lượng điện thoại di động, máy tính và đồ nội thất mà các công ty Mỹ nhập từ ​​cường quốc kinh tế số 1 châu Á vào cuối năm 2019 đã giảm đáng kể so với cuối năm 2017, trước khi cuộc chiến thương mại bắt đầu.

Việt Nam và Mexico là hai quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc. Nguồn: DW

Tác động từ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 và dịch Covid-19

Hồi tháng 1-2020, Mỹ và Trung Quốc đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, nhằm làm dịu căng thẳng thương mại. Theo đó, Trung Quốc cam kết sẽ mua thêm hàng tỉ đô la các sản phẩm của Mỹ để thu hẹp thặng dư thương mại mà nước này có được với Mỹ. Tuy nhiên, điều kiện này được cho là không thực tế ngay cả trước khi thỏa thuận có hiệu lực, và đại dịch Covid-19 chỉ càng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Ông Yasuyuki Sawada cho biết: “Các yêu cầu về việc nhập khẩu thêm các sản phẩm của Mỹ có vẻ rất khó để đáp ứng, đặc biệt là khi tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc sẽ chậm hơn nhiều so với dự báo vào tháng 1”. Ngoài ra, thỏa thuận vẫn giữ nguyên các mức thuế hiện có, và do đó, chỉ có thể tạm hoãn chứ không thể hoàn toàn giải quyết những tranh chấp giữa Washington và Bắc Kinh.

Đại dịch sau đó đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc đã có thể phục hồi kể từ quí 2-2020. Là một trong những nền kinh tế lớn đầu tiên thoát khỏi tình trạng bị phong tỏa, Trung Quốc giờ đây đã có thể cung cấp cho các nước như Mỹ những sản phẩm họ cần. Ông Sawada cho biết: “Một phần nguyên nhân của tình trạng này là do xuất khẩu vật tư và thiết bị y tế của Trung Quốc ngày càng tăng. Chẳng hạn, nhập khẩu khẩu trang từ Trung Quốc sang Mỹ đã tăng hơn 10 lần”.

Điều này càng được thúc đẩy bởi những biện pháp miễn trừ thuế quan của Chính phủ Mỹ trong những tháng qua, không chỉ dành cho các sản phẩm y tế như găng tay phẫu thuật và khẩu trang mà còn nhiều mặt hàng điện tử, phụ tùng xe hơi và các sản phẩm khác. Tất cả những điều này đã thúc đẩy hoạt động thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gần như trở lại mức trước khi có tranh chấp.

Thế nhưng, hậu quả của cuộc chiến thương mại vẫn là rất rõ ràng. Trong khi giá hàng nhập khẩu của Trung Quốc liên tục tăng trong thời gian tranh chấp thương mại, nhu cầu của Mỹ đối với điện thoại di động, máy tính, đèn hoặc máy in vẫn rất cao. Điều này buộc người tiêu dùng và các nhà nhập khẩu Mỹ phải chuyển hướng sang các nước khác để có được sản phẩm họ cần.

Xuất khẩu hàng điện tử của Việt Nam và Đài Loan “bùng nổ” nhờ căng thẳng thương mại. Nguồn: DW

Các nền kinh tế hưởng lợi

Đối với một số nền kinh tế, lợi ích từ việc chuyển hướng thương mại này thậm chí có thể lớn hơn tác động tiêu cực của tranh chấp. Ông Sawada nói: “Đối với các nền kinh tế mới nổi không phải Trung Quốc, tác động tích cực chiếm ưu thế. Mức tăng dường như là lớn nhất đối với các quốc gia có thể sản xuất các sản phẩm tương tự như các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc”.

Quốc gia láng giềng của Mỹ - Mexico nằm trong số những nước được hưởng lợi nhiều nhất. Từ năm 2017-2019, giá trị xuất khẩu của nước này sang Mỹ ước tính đã tăng thêm 4,7 tỉ đô la nhờ tranh chấp thương mại Mỹ - Trung. Hàng tỉ đô la tăng thêm cũng đặc biệt quan trọng đối với các nền kinh tế có GDP thấp hơn, như Việt Nam, Malaysia hoặc Đài Loan (Trung Quốc).

Nỗi buồn của Trung Quốc, lại là niềm vui lớn đối với Đài Loan và Mexico: mỗi bên đều tăng khoảng 6 điểm phần trăm về thị phần. Đến cuối năm 2019, họ đã cung cấp lần lượt 10% và 25% tổng số máy tính mà Mỹ nhập khẩu.

DW đã phân tích, đánh giá lượng hàng hóa nhập khẩu của Mỹ từ năm 2017-2019 để tìm ra quốc gia nào và ngành công nghiệp nào được hưởng lợi nhiều nhất.

Một đầu mối cho tầm quan trọng của một nhà xuất khẩu là thị phần các sản phẩm mà họ chiếm ưu thế trong số tất cả các hàng hóa được nhập khẩu bởi đối tác thương mại. Ví dụ, Trung Quốc từng cung cấp 62% lượng máy tính mà nước Mỹ nhập khẩu. Thế nhưng, vào cuối năm 2019, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 44%, thấp hơn 5 tỉ đô la.

Nỗi buồn của Trung Quốc, lại là niềm vui lớn đối với Đài Loan và Mexico: mỗi bên đều tăng khoảng 6 điểm phần trăm về thị phần. Đến cuối năm 2019, họ đã cung cấp lần lượt 10% và 25% tổng số máy tính mà Mỹ nhập khẩu.

Tuy nhiên, đối với Mexico, đại dịch đã làm gián đoạn những thành quả mà nước này đạt được trong hai năm qua. Nhập khẩu từ Mexico vào Mỹ đã giảm, thậm chí còn xuống thấp hơn so với thời điểm trước khi tranh chấp thương mại bắt đầu. Trong khi đó, Đài Loan, Việt Nam và một số nền kinh tế Đông Nam Á khác vẫn có thể duy trì được thành quả của mình. Việt Nam và Đài Loan thậm chí còn tăng cường xuất khẩu sang Mỹ.

Cuộc chiến thương mại thúc đẩy hoạt động sản xuất tại Việt Nam

Trong số này, Việt Nam là người chiến thắng rõ ràng hơn cả: số tiền 6,4 tỉ đô la tăng thêm trong hai năm căng thẳng thương mại bằng gần gấp đôi mức chi tiêu chăm sóc sức khỏe hàng năm của cả nước.

Điều này một phần là bởi các nước như Việt Nam từ lâu đã bắt đầu định vị mình là lựa chọn thay thế Trung Quốc cho các nhà sản xuất nước ngoài. “Việt Nam đang từng bước tăng cường sản xuất, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và tăng xuất khẩu sang Mỹ”, ông Vũ Ngọc Khiêm - Giám đốc tại Việt Nam của Global Resources, công ty chuyên kết nối các doanh nghiệp với nhà cung cấp ở châu Á, chia sẻ với DW.

Ông Khiêm cho biết, tranh chấp thương mại đã đẩy nhanh quyết định dời khỏi Trung Quốc của các tập đoàn đa quốc gia. “Có nhiều lý do buộc các nhà sản xuất tại Trung Quốc phải chuyển một phần hoạt động sản xuất sang Việt Nam. Ví dụ, nhà sản xuất giày Crocs tại Trung Quốc đã xây dựng nhà máy sử dụng hàng ngàn công nhân ở Phú Thọ chỉ để phục vụ thị trường Mỹ”.

Crocs không phải là công ty giày duy nhất thực hiện động thái này; lượng giày xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ vào cuối năm 2019 đã tăng 30% so với hai năm trước đó, trong khi lượng xuất khẩu từ Trung Quốc giảm 15%. “Các sản phẩm sử dụng nhiều lao động với mức thuế cao ở Trung Quốc như túi xách, va li, kính, quần áo, đồ nội thất, công nghệ và điện tử có thể khiến các nhà cung cấp Việt Nam có sức cạnh tranh cao hơn bao giờ hết”, ông Khiêm nhận định.

Thậm chí, không chỉ giày hay vali, các mặt hàng điện tử như điện thoại di động và máy tính, cũng có sự thay đổi lớn. Lượng điện thoại di động mà Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đã tăng hơn gấp đôi trong giai đoạn từ cuối năm 2017-2019.

Ông Dũng Trần, người đứng đầu công ty sản xuất thiết bị điện tử Spartronics, cho biết hoạt động kinh doanh của ông đang phát triển rất mạnh nhờ những tác động từ cuộc chiến thương mại, “Năm ngoái, chúng tôi đã bổ sung tầng hai cho nhà máy của mình. Và bây giờ tôi đang tìm kiếm một địa điểm mới rộng gấp 4 lần so với hiện tại”.

Đại dịch Covid-19 càng làm tăng tốc độ phát triển Spartronics. Ông Dũng Trần cho biết: “Chúng tôi thật may mắn khi đến đúng nơi, đúng lúc. Một phần hoạt động kinh doanh của chúng tôi đến từ sản xuất các sản phẩm y tế như máy thở và bộ xét nghiệm Covid-19. Con số đó đang tăng lên một cách khó tin. Điều đó bù đắp cho những thách thức mà chúng tôi đang phải đối mặt trong các phân khúc khác của mình”.

Vị doanh nhân cho biết, tất cả những điều này đã mang lại những thay đổi rõ rệt ở Việt Nam. “Tôi từng sống ở Thung lũng Silicon, California. Tôi có thể liên hệ những gì chúng ta đang trải qua ở Việt Nam với sự bùng nổ dotcom hồi đó. Nếu bạn đã ở Việt Nam trước đây và bây giờ quay trở lại, bạn sẽ thấy nhiều tòa nhà chọc trời hơn”.

Theo ông, vấn đề đặt ra là Việt Nam có thể mở rộng quy mô cơ sở hạ tầng nhanh đến đâu để đáp ứng nhu cầu của sự tăng trưởng kinh tế. “Đột nhiên, bạn gặp phải tình trạng tắc nghẽn tại các sân bay và bến cảng do lượng sản phẩm lưu thông quá nhiều. Chính phủ cam kết sẽ cải thiện tình hình, tuy nhiên, điều này sẽ cần phải mất nhiều thời gian”.

Những kỳ vọng vào một sự hạ nhiệt căng thẳng

Ông Dũng Trần tin tưởng rằng những thay đổi mà ông thấy được trong hoạt động kinh doanh của mình và trên khắp Việt Nam vẫn sẽ tiếp diễn. “Tôi nghĩ Đông Nam Á và Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển bất chấp những vấn đề thương mại này”. Tuy nhiên, ông đồng thời cũng bày tỏ mong muốn về việc chấm dứt tranh chấp thương mại: “Chúng ta không thể sống thiếu Trung Quốc. Chúng ta cần phụ thuộc vào nhau một cách công bằng. Điều đó rất quan trọng”, ông nói.

Các phân tích cho thấy, tranh chấp thương mại giữa hai nước lớn ngày nay hầu như luôn ảnh hưởng đến các nước khác. “iPad, iPhone và các thiết bị tiện ích hiện được sản xuất bằng cách sử dụng các mạng lưới chuỗi cung ứng được kết nối chặt chẽ và rất phức tạp. Việc hoạt động sản xuất của Trung Quốc bị giảm sút sẽ ảnh hưởng đến các nhà cung cấp sản phẩm trung gian. Điều đó sẽ tạo ra tác động tiêu cực lớn, lan tỏa khắp các nước và nền kinh tế tại khu vực châu Á”, theo chuyên gia Yasuyuki Sawada.

Ông cũng hy vọng vào việc căng thẳng thương mại Mỹ-Trung sẽ sớm chấm dứt. “Khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã được hưởng lợi rất nhiều từ môi trường thương mại mở trong những thập kỷ qua. Tôi nghĩ việc có thể quay trở lại trước thời kỳ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung là điều rất quan trọng”.

Nguồn: DW, UN, ADB

Xem thêm: lmth.neid-ol-nad-iom-gnu-gnuc-iouhc-gnurt--ym-gnaht-gnac-ut/092013/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Từ căng thẳng Mỹ - Trung, chuỗi cung ứng mới dần lộ diện”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools