Năm nay, cam xã Đoài được mùa hơn năm trước, trĩu quả, căng mọng. Người dân chưa kịp vui mừng thì lũ kéo về “nhấn chìm” tất cả. Có những vườn nước lũ ngập đến 1m, cả vườn cam ngâm trong nước lũ nhiều ngày liền. Lũ rút, cam bắt đầu ngả vàng, thối cuống rồi rụng. Cam rụng đến vàng gốc, khiến người nông dân vô cùng xót xa.
Sau lũ, cam xã Đoài thối cuống, rụng vàng gốc
Khom lưng nhặt từng quả cam hỏng rụng dưới những gốc cây 6 năm tuổi, ông Nguyễn Văn Thọ (50 tuổi, trú xã Nghi Diên) rầu rĩ nói: “Cả năm chăm bẵm, giờ thối rụng hết cả, nhìn mà đứt ruột gan. Cam là giống cây rất kỹ nước, bị ngâm nước lâu ngày quả sẽ vàng rồi rụng.
Lũ rút đi là cam cũng bắt đầu rụng, tôi sợ một số gốc sẽ chết. Tôi tính sơ cũng rụng hơn 5.000 quả rồi, thiệt hại hơn 300 triệu đồng”.
Vườn cam xã Đoài hơn 80 gốc vụ thứ 3 của ông Thọ năm nay được mùa, dự kiến sẽ mang lại một khoản thu nhập khá cho gia đình. Những ngày nước lũ tràn vào vườn cam, ông cũng đã đoán vườn cam sẽ chịu thiệt hại nặng sau khi lũ rút. Nhưng việc cam rụng nhiều đến vậy thì ông không thể tượng tưởng nổi.
Ông Thọ xót xa nhìn vườn cam đến màu thu hoạch thối ủng, phát cắt bỏ
Nói rồi ông Thọ vỗ nhẹ khiến cả chùm cam thi nhau rơi xuống đất. Ông cho biết, dù nước chỉ ngập nửa cây, song bộ rễ bị ảnh hưởng rất nhiều. Quả cam ở tận trên ngọn cũng bị ảnh hưởng, bề ngoài còn bóng mượt nhưng bên trong đã dần thối rữa.
Hiện tại để hạn chế cam rụng, ông Thọ rắc vôi bột phía dưới để khử phèn, đồng thời hái những quả đã vàng ở trên cành để không lây sang những quả khác.
Ông Thọ không thể tượng tưởng nổi năm nay cam lại rụng nhiều đến thế
“Đáng lo là nó còn rụng nữa, không biết rồi còn cam bán Tết không. Hiện cũng đã có một số người quen gọi điện đặt cam Tết, nhưng tôi không dám nhận vì lỡ không còn để bán.
Biện pháp cấp bách cứu cam bây giờ là sử dụng vôi bột rắc xuống vườn để khử chất độc, ô nhiễm. Sau đó, cam sẽ tiếp tục được phun thuốc chống thối. Nếu không cứu được thì cũng chịu”, ông Thọ nói.
Ông Thọ rắc vôi khử trùng
Không riêng gì ông Thọ, nhiều vườn cam khác ở đây cũng rụng hàng loạt sau lũ khiến người dân như ngồi trên đống lửa. Lo “trắng tay”, một số chủ vườn đành cắt sớm một ít cam để ngâm rượu bán, tránh cam thối rữa.
“Biết bao mồ hôi, công sức suốt một năm đằng đẵng giờ đều trôi theo trận lũ”, một người dân nói và mong cam ngừng rụng để có thể vớt vát chút ít.
Ông Phan Công Dương, Chủ tịch UBND xã Nghi Diên cho biết, toàn xã hiện có gần 30ha cam Xã Đoài. Đợt mưa lũ vừa qua đã khiến 1/3 diện tích trồng cam bị ngập. Sau lũ, cam rụng hàng loạt gây thiệt hại nặng cho người dân.
Xã đã báo cáo lên phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc về tình hình thiệt hại đối với loài cam tiến vua này. Đồng thời, tiến hành phun thuốc để phục hồi cây.
Loại cam siêu đắt đỏ giờ bỏ thành "rác"
Cam xã Đoài được trồng tại xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An có đặc điểm vỏ mịn, mỏng đều và có mùi hương thơm dịu. Ruột cam vàng óng ánh, vị ngọt thanh. Khi cắt ra, cam có màu vàng óng, nước chảy ra như mật ong, mùi thơm dịu.
Cam xã Đoài thường ra hoa vào tiết lập xuân và bắt đầu chín vào tháng 12 âm lịch hàng năm. Loại cam này rất kén thổ nhưỡng, chỉ được trồng trên đất ở xã Nghi Diên mới có mùi hương và vị ngọt như vậy. Khi đưa đi nơi khác trồng chất lượng cam sẽ không được như cam trồng tại đây.
Loại cam này được xem là đặc sản dùng để tiến vua. Nhiều người muốn ăn phải đặt trước khi cam còn non. Cách bán của loại cam này cũng rất đặc biệt, khi cam được đếm quả bán. Mỗi quả cam mua tại vườn có giá từ 60.000-70.000 đồng, thậm chí có thể lên tới 100.000 đồng/quả.
Xem thêm: mth.95992626160110202-ul-uas-cog-gnav-gnur-ehgn-ux-mac-tahn-ed/nv.ahos