Người dân Trà Leng được sơ tán đến điểm trường để tránh sạt lở núi trước bão số 10 - Ảnh: LÊ TRUNG
Một ngôi làng bị vùi lấp, nhiều người chết, mất tích. Mấy hôm nay, tuyến đường dẫn từ nóc Ông Đề (thôn 1) vào đến trụ sở xã ở thôn 2 ngập ngụa bùn đất.
Những sườn núi bị chẻ làm đôi no nước, ai đi ngang qua cũng phải rùng mình. Đi qua những vách núi sạt lở dở chừng, tôi thấy người dân chắp tay, miệng thì thầm điều gì đó bằng tiếng Bh’noong. "Dân đã quá khổ rồi, đừng mưa lớn nữa, đừng sạt lở nữa" - một người cảm thán.
Tối 3-11, tôi chứng kiến đoàn người có nhà nằm dưới chân núi, đùm đề, dắt díu nhau đến các điểm trường để trú bão số 10, "né" sạt lở núi. Họ chỉ gói ghém một số áo quần, ít lương thực, nhà cửa mặc kệ.
Tại Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Leng, hàng trăm người dân ở các thôn tất bật gùi lương thực, áo quần lên đây trú ẩn trước khi bão số 10 vào đất liền.
Họ vẫn nói về nỗi sợ khi thấy nóc Ông Đề bị sạt lở, chết nhiều người, nên khi chính quyền thông báo di dời, sơ tán, họ lập tức đưa con đi ngay.
Sau thảm họa sạt lở đất một tuần, trước khi bão số 10 ập vào, sợ lại tiếp diễn cảnh sạt lở núi, chính quyền xã Trà Leng đã tất bật lên phương án, tổ chức di dời, sơ tán hàng trăm người dân ở nơi có nguy cơ sạt lở núi đến 12 điểm an toàn như trường học, trụ sở.
Chính quyền xã cũng đã bố trí lương thực, thực phẩm, cộng với sự hỗ trợ của các đoàn từ thiện sẽ cơ bản đáp ứng được cho hàng trăm hộ dân đến khi qua bão.
Nóc Ông Đề, một lãnh đạo xã cho biết đây là ngôi làng bình yên nhất trong mấy chục năm qua, chưa từng xảy ra sạt lở. Ấy thế mà chỉ trong phút chốc, một quả đồi đổ xuống, chắn ngang con suối, tạo một bể nước khổng lồ.
Khi mưa thượng nguồn đổ về quá lớn, bể nước bị vỡ, tạo thành một quả bom nước khổng lồ, chuyển hướng qua ngôi làng và cuốn phăng đi tất cả.
Chúng ta chẳng biết được sự giận dỗi của thiên nhiên sẽ trỗi dậy lúc nào để có thể phòng tránh tốt nhất. Đến Trà Leng, chứng kiến tình cảnh bà con và nghĩ con người đã làm gì với thiên nhiên? Rừng bị phá, núi bị xẻ làm đường.
Đi qua nhiều điểm sạt lở, tôi chưa bao giờ thấy những quả núi còn rừng nguyên sinh mà bị sạt lở cả. Chuyện chỉ xảy đến ở nơi có sự tác động của bàn tay con người.
Hơn lúc nào hết, sự cảnh giác, đối mặt và có những biện pháp đối phó, chẳng hạn như sơ tán dân những nơi có nguy cơ sạt lở đến trú ẩn ở những nơi kiên cố, an toàn ngày mưa bão là một việc làm cần thiết lúc này.
Mãi nghĩ về hình ảnh người Trà Leng chắp tay cúi đầu lạy núi và khấn nguyện, ai cũng phải rưng rưng. Đừng gieo rắc đau thương cho những người dân lành nơi rẻo cao thêm nữa.
Thiên nhiên cuồng nộ và hậu quả tang thương hôm nay là một bài học về sự bạc đãi núi rừng. Cây rừng bị đốn hạ, đốn trọc, thay vào đó là cây keo khiến người dân sống trong lo lắng đủ thứ, sạt lở chỉ là một trong những kiểu hậu quả.
Còn đó bao nỗi lo về thời tiết cực đoan, khô hạn nứt nẻ mùa nắng và lũ lụt cuồng nộ mùa mưa. Tang thương do núi lở, nước lũ là nỗi đau quá lớn trước mắt nhưng nỗi lo khô hạn lâu dài, hoa màu khó sống, môi sinh khắc nghiệt hơn là khó khăn thường trực, dài lâu.
Chắp tay lạy núi và phải quyết liệt thay đổi mới mong giảm thiểu thảm cảnh.
TTO - Theo thống kê của tỉnh Gia Lai, tỉnh này đã mất trên 8.500 ha rừng, trong đó có hơn 7.700 ha rừng tự nhiên biến mất trong khoảng 5 năm (từ năm 2016 đến 2020).
Xem thêm: mth.78690039070110202-gnur-iun-iad-cab-gnud/nv.ertiout