Hành trình chinh phục khẩu vị người Việt Nam
VŨ YẾN thực hiện
(TBKTSG) - LTS: Đầu năm 2021 tới đây, TBKTSG tròn 30 năm kể từ khi thành lập (4-1-1991 - 4-1-2021). Suốt gần 30 năm qua nhóm TBKTSG luôn kiên trì với tôn chỉ mục đích được xác lập từ ngày đầu thành lập, đó là ủng hộ và đóng góp vào tiến trình đổi mới của đất nước; Ủng hộ vô điều kiện các doanh nghiệp làm ăn chân chính và góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân của thời kỳ đổi mới. Nhân dịp 30 năm nhìn lại, TBKTSG thực hiện loạt bài viết về một số trong những doanh nghiệp/doanh nhân đã đồng hành và là độc giả của TBKTSG từ những ngày đầu. (Xin mời độc giả xem từ số 43-2020, ngày 22-10-2020)
Tính tới năm 2020, thương hiệu Acecook đã có hành trình 25 năm đồng hành với người tiêu dùng Việt Nam. TBKTSG đã có cuộc trò chuyện với ông Kajiwara Junichi - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Acecook Việt Nam.
Trong quá trình 25 năm qua của Acecook Việt Nam, báo chí và doanh nghiệp luôn có mối quan hệ tương hỗ, song hành. Tôi cám ơn các bạn khi luôn là cầu nối thông tin giữa chúng tôi với người tiêu dùng, giúp Acecook tạo dựng được uy tín, niềm tin trên thị trường. Riêng với TBKTSG, chúng ta đã song hành cùng nhau trong thời gian rất dài. TBKTSG không chỉ là kênh thông tin hiệu quả đối với Acecook ở khía cạnh tiếp cận khách hàng, mà chúng tôi còn nhận được từ các bạn rất nhiều những thông tin kinh tế, thị trường, chính sách đáng tin cậy và hữu ích cho việc xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp. Tôi hy vọng mối quan hệ tốt này sẽ luôn được duy trì. Ông Kajiwara Junichi |
TBKTSG: Trong hành trình xây dựng thương hiệu tại Việt Nam, đâu là kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với ông?
- Ông Kajiwara Junichi: 25 năm qua, Acecook đã trải qua những cột mốc đáng nhớ và rất đáng trân trọng, có thành công, có khó khăn, thất bại; có niềm vui và cũng có nỗi buồn.
Khó khăn chính của chúng tôi khi đầu tư vào thị trường Việt Nam là sự khác biệt văn hóa, khẩu vị của thị trường trong nước. Đây là một thách thức rất lớn. Thật ra, sản phẩm đầu tiên mà chúng tôi bán ra thị trường là phở cũng đã chinh phục được khẩu vị người địa phương đối với món “quốc hồn quốc túy”, tuy vậy giá lại khá cao.
Và chúng tôi đã phải mất tới năm năm để tạo ra được một sản phẩm thỏa ba điều kiện: chất lượng Nhật Bản, hương vị Việt Nam và giá bán phù hợp, đó chính là mì Hảo Hảo. Từ đó đến nay, câu chuyện Hảo Hảo luôn được xem là bài học “nhập gia tùy tục” thành công và là niềm tự hào của Acecook.
Kế tiếp, để bán được những sản phẩm sợi gạo ăn liền, chúng tôi cũng đã đầu tư rất nhiều tâm huyết và sau gần 10 năm nghiên cứu mới có thể ứng dụng nguồn nguyên liệu địa phương vào việc sản xuất và duy trì những tinh hoa của ẩm thực Việt Nam. Tôi rất hãnh diện khi giới thiệu các sản phẩm sợi gạo của Acecook Việt Nam đến với quê hương tôi (Nhật Bản) cũng như ra thế giới.
Nhìn lại, thật tự hào vì những gì chúng tôi đã gầy dựng được trong sứ mệnh nâng cao chất lượng ngành hàng thực phẩm Việt Nam và đưa những sản phẩm văn hóa ẩm thực Việt xuất khẩu ra thế giới. Hơn thế, Acecook đã vượt qua những khó khăn về khác biệt văn hóa, ngôn ngữ để xây dựng một đội ngũ nhân sự gắn kết. Chúng tôi đã có những nhân viên tâm huyết, chuyên nghiệp, cống hiến hết mình cho công ty. Đây là yếu tố quan trọng để tạo nên thành tựu 25 năm.
TBKTSG: Theo ông, đâu là “bí quyết” chinh phục người tiêu dùng Việt Nam của Acecook?
- Sự thành công của Acecook Việt Nam đến từ việc học hỏi, tiếp thu, chắt lọc, kết hợp và phát huy những nét tinh hoa của hai nền văn hóa Việt - Nhật, từ đó tạo ra những sản phẩm “công nghệ Nhật Bản, hương vị Việt Nam”. Để giúp người tiêu dùng hiểu rõ và an tâm sử dụng sản phẩm, chúng tôi thường xuyên tổ chức các chuyến tham quan nhà máy mở rộng cho người tiêu dùng. Hoạt động này đã thu hút hơn 10.000 người mỗi năm đến tham quan các nhà máy của Acecook tại TPHCM, Vĩnh Long, Đà Nẵng và Hưng Yên.
Tại Acecook, chúng tôi còn gọi hành trình 25 năm qua của mình là hành trình “từ khẩu vị đến trái tim”. Thành công lớn nhất là việc đã xây dựng được Acecook thành một công ty có vai trò không tách rời xã hội: kinh doanh loại sản phẩm mang nhiều giá trị hữu ích đối với xã hội, tạo ra gần 6.000 công ăn việc làm cho cán bộ công nhân viên và đóng góp cho sự phát triển của xã hội thông qua các chương trình CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) ý nghĩa.
Ông Kajiwara Junichi |
TBKTSG: Trong sự tác động của dịch Covid-19, Acecook bị ảnh hưởng ra sao và đã vượt qua như thế nào?
- Trong thời gian dịch bệnh bùng phát, chúng tôi có trách nhiệm cung cấp ổn định các sản phẩm mì ăn liền và thực phẩm chế biến sẵn an toàn ra thị trường. Khi ấy, chúng tôi ý thức mỗi một cá nhân trong công ty đều phải giữ gìn sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ. Còn ở khía cạnh kinh doanh, đây là ngành hàng may mắn không bị ảnh hưởng ngay cả trong cao điểm dịch bệnh.
Tuy nhiên, khi xã hội trở lại trạng thái bình thường, chúng tôi phải đối mặt với sự sụt giảm nhu cầu mua hàng vì người tiêu dùng đã tích trữ khá nhiều trước đó. Acecook đã đưa ra các chương trình truyền thông hướng dẫn người tiêu dùng sử dụng, chế biến sản phẩm bằng nhiều cách khác nhau, trong những bối cảnh khác nhau, sao cho cân bằng dinh dưỡng, qua đó, thúc đẩy gia tăng tần suất sử dụng sản phẩm.
Dịch bệnh cũng đã đẩy ý thức bảo vệ sức khỏe trong cộng đồng nâng lên một mức. Do đó, các doanh nghiệp càng phải nâng cao chất lượng sản phẩm hơn nữa để đáp ứng nhu cầu và làm hài lòng khách hàng. Đây là điều kiện kiểm tra chất lượng doanh nghiệp và nhắc nhở trách nhiệm của doanh nghiệp về việc đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người tiêu dùng. Với Acecook, điều này luôn được đảm bảo như kim chỉ nam cho hành động. Những chuyển biến mới của thị trường càng tạo động lực cho chúng tôi làm tốt hơn nữa.
TBKTSG: Ông đánh giá thế nào về tiềm năng cũng như thách thức đối với ngành công nghiệp mì gói hiện nay?
- Ngành công nghiệp mì gói đang đứng trước thách thức rất lớn từ sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình giao thức ăn nhanh. Những thế hệ tiêu dùng trẻ hiện nay có cơ hội tiếp xúc nền ẩm thực đa dạng, phong phú, tiện lợi và có điều kiện kinh tế tốt hơn cho những sự lựa chọn. Ngay trong chính ngành hàng mì gói thì cơ cấu thị trường cũng đã thay đổi khi có hàng ngàn sản phẩm ăn liền với hàng trăm hương vị khác nhau đang có mặt tại các siêu thị, các tiệm tạp hóa hay các chợ.
Tuy nhiên, tiềm năng của ngành này cũng không nhỏ. Theo số liệu của Hiệp hội Mì ăn liền thế giới (WINA), năm 2019, tổng nhu cầu tiêu thụ mì ăn liền của Việt Nam hơn 5,4 tỉ gói/năm. So với 25 năm trước, nhu cầu này đã tăng hơn bốn lần nhờ những ưu điểm của sản phẩm: dễ mua, dễ bảo quản, tiện sử dụng.
Theo tôi, ngành mì ăn liền đã bước qua giai đoạn gia tăng mạnh về sản lượng mà chuyển sang nhắm tới đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng. Một thời đại mới đang đến đối với ngành này, ở đó, tiềm năng còn lớn cho các doanh nghiệp chịu thay đổi và làm mới mình để có thể cho ra đời những sản phẩm phù hợp thị hiếu tiêu dùng mới và gia tăng những giá trị dinh dưỡng, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.
Xem thêm: lmth.man-teiv-iougn-iv-uahk-cuhp-hnihc-hnirt-hnah/052013/nv.semitnogiaseht.www