Nhà đầu tư đã ‘chán’ các dự án bãi xe ngầm tại TPHCM
Lê Anh
(TBKTSG Online) - “Đến thời điểm này hầu hết nhà đầu tư không quan tâm nhiều đến dự án bãi đậu xe ngầm, vì thủ tục kéo dài và quy hoạch không gian ngầm chưa rõ ràng” ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết tại một cuộc họp gần đây của chính quyền Thành phố.
Công viên Lê Văn Tám nơi làm bãi đậu xe ngầm đến nay đã hơn 10 năm không xây dựng được - Ảnh: Thành Hoa |
Chấm dứt hợp đồng vẫn chưa giải quyết xong hậu quả
Bốn dự án bãi đậu xe ngầm tại khu vực trung tâm TPHCM đã được quy hoạch cách đây hơn 10 năm tại các vị trí công viên Lê Văn Tám; sân khấu Trống Đồng; sân vận động Hoa Lư; sân bóng đá Tao Đàn đến nay chưa có dự án nào được triển khai thi công. Theo thời gian, các nhà đầu tư lần lượt rút khỏi dự án, tuy nhiên những rắc rối xung quanh vẫn chưa giải quyết xong.
Trong số 4 dự án kể trên thì bãi đậu xe ngầm công viên Lê Văn Tám đã từng được động thổ vào năm 2010, thế nhưng đã 10 năm nay dự án vẫn không thể thi công do vướng mắc về các thủ tục pháp lý.
Vào giữa năm 2019, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM đã gửi thông báo chấm dứt hợp đồng dự án bãi đậu xe ngầm công viên Lê Văn Tám cho chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển không gian ngầm (IUS). Thế nhưng, IUS không đến cơ quan chức năng làm thủ tục chấm dứt hợp đồng. Đến tháng 6-2020, Sở GTVT TPHCM tiếp tục có văn bản số 7342 thông báo (lần 2) về việc chấm dứt hợp đồng dự án bãi đậu xe ngầm công viên Lê Văn Tám trước thời hạn.
Trả lời câu hỏi của TBKTSG Online tại buổi họp báo thường kỳ của UBND TPHCM hôm 3-11, ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải, cho biết, đến nay việc giải quyết chấm dứt hợp đồng ở bãi đậu xe ngầm công viên Lê Văn Tám vẫn chưa xong. Vấn đề còn vướng mắc hiện nay là giải quyết hậu quả phía sau giữa nhà đầu tư với ngân hàng.
Được biết, khi dự án bãi đậu xe ngầm công viên Lê Văn Tám được TPHCM chấp thuận chủ trương đầu tư thì Ngân hàng Đông Á là đơn vị tài trợ vốn cho IUS để thực hiện dự án phần chi phí thiết kế công trình.
Để đảm cho khoản vay này, IUS đã thế chấp cho Ngân hàng Đông Á quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng của dự án gắn liền với quyền sử dụng đất số BI 480922 do UBND TPHCM cấp ngày 7-3-2012.
Theo một văn bản được Ngân hàng Đông Á gửi chính quyền TPHCM nêu rõ, do Công ty IUS không có khả năng thanh toán nợ vay nên ngày 3-5-2018, IUS đã tự nguyện ký biên bản bàn giao tải sản thế chấp nêu trên cho Ngân hàng Đông Á nắm giữ toàn bộ tài sản thế chấp để xử lý thu hồi nợ. Hiện nay, ngân hàng cùng IUS đang tìm kiếm các đối tác để thực hiện thủ tục chuyển nhượng toàn bộ dự án nhằm nhanh chóng xử lý thu hồi nợ xấu.
Tuy nhiên, phía chính quyền TPHCM đã nêu rõ quan điểm trong thông báo chấm dứt hợp đồng rằng, Ngân hàng Đông Á và IUS tự chịu trách nhiệm giải quyết các khoản nợ, lãi vay có liên quan.
Dự án kéo dài gây lãng phí rất lớn
Trải qua hơn một thập kỷ không dự án nào được xây dựng, các nhà đầu tư không còn mặn mà quan tâm đến các bãi đậu xe ngầm. Ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT, cho biết hiện nay hầu hết các nhà đầu tư không quan tâm nhiều đến bãi đậu xe ngầm vì các thủ tục kéo dài. Hơn nữa, việc quy hoạch không gian ngầm chưa rõ ràng còn nhiều vướng mắc khiến nhà đầu tư không quan tâm.
Rõ ràng việc kéo dài thời gian làm dự án làm lãng phí cả về tiền bạc lẫn thời gian cho cả phía chính quyền và các nhà đầu tư. Ví dụ như dự án bãi đậu xe ngầm sân khấu Trống Đồng (quận 1), thủ tục xin cấp giấy phép phòng cháy chữa cháy mất 2 năm; thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng mất 5 năm.
Đó là chưa kể dự án phải điều chỉnh nhiều lần khiến doanh nghiệp tốn kém rất nhiều chi phí. Đơn cử như việc việc thay đổi thiết kế dự án do bị vướng hướng tuyến của tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đã khiến doanh nghiệp phát sinh chi phí hơn 9 tỉ đồng.
Trao đổi với TBKTSG Online, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, nguyên Trưởng Khoa Đô thị học của trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn TPHCM, cho biết các vị trí làm bãi đậu xe ngầm ngay từ đầu cho thấy không khả thi. Ví dụ, tại dự án bãi xe ngầm công viên Lê Văn Tám không thể trả lại được mặt bằng công viên (khi dự án hoàn thành - PV). Hơn nữa, bãi xe quá xa ở trung tâm nên không ai để xe đó đi bộ vào hay như dự án sân khấu Trống Đồng lối lên xuống là quá nhỏ. Tuy nhiên, khi chọn các vị trí này nhà đầu tư còn có các mục tiêu khác như làm trung tâm thương mại.
"Dự án bãi đậu xe ngầm không làm được thì nên ngưng để chuyển sang làm bãi đậu xe nổi. Các nhà đậu xe nổi tự động với diện tích 100-200 m2, làm nhanh hiệu quả, ở khu trung tâm làm khoảng 10 bãi đậu xe nổi là đáp ứng nhu cầu đậu xe” ông Hòa đề xuất.
Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM, cho rằng những vị trí xây dựng bãi đậu xe ngầm đều là những khu đất "vàng" trung tâm TPHCM. Trải qua cả thập kỷ, dự án vẫn nằm trên giấy là sự lãng phí rất lớn, trong khi nhu cầu đậu xe đang thiếu trầm trọng.
Ông đề xuất, trong hợp đồng giữa hai bên cần nêu rõ tiến độ cụ thể nếu không hoàn thành thì trách nhiệm của các bên liên quan là gì. Nếu nhà đầu tư không đủ năng lực, không hoàn thành theo đúng tiến độ đặt ra thì cần tính phương án phải bồi thường hoặc bị chế tài.
Mời xem thêm:
Xem thêm: lmth.mchpt-iat-magn-ex-iab-na-ud-cac-nahc-ad-ut-uad-ahn/283013/nv.semitnogiaseht.coaid