Án nước ngoài: Phản đối việc sống chung, "nhà gái" treo ngược rể hờ
Ngày 29/10, trang Distincttoday đưa tin về vụ ngược đãi thể xác của 1 chàng trai 23 tuổi vì bị phát hiện sống chung với bạn gái.
Mario Natriti chuyển đến sống chung cùng bạn gái Desiana (20 tuổi) ở tỉnh Đông Nusa Tenggara, Indonesia từ ngày 20/10. Gia đình cô bạn gái vô cùng tức giận và họ cho rằng cặp đôi vi phạm phong tục lâu đời ở đây. Theo họ, những cặp đôi chưa nhận sự cho phép của cha mẹ thì không được sống chung với nhau.
Cha mẹ Desiana đã đuổi con gái của mình về nhà, sau đó thẩm vấn và treo ngược Mario lên. Toàn bộ quá trình đã bị camera của hàng xóm ghi lại. Đoạn video còn cho thấy Mario bị treo ngược suốt 30 phút đồng hồ, đầu chạm đất.
Khi về nhà, Mario kêu đau đầu dữ dội nên gia đình đưa anh đến bệnh viện kiểm tra.
Bà Tujuh Juli Yuli, mẹ của Mario đã vô cùng tức giận khi phát hiện ra sự việc cũng như đoạn video ghi lại hành động của gia đình Desiana.
“Tôi đã khóc sau khi nhìn thấy con trai mình bị đối xử như một con vật. Không những bị treo lên, nó còn bị tát nhiều lần. Đây quả thực là 1 hành động vô nhân đạo”, mẹ Mario nói. “Tôi hy vọng sẽ đòi lại công lý cho con tôi. Nó không phải tội phạm và phải chịu những hình phạt tra tấn trước mặt nhiều người như vậy”.
Bà Tujuh đã trình báo sự việc với cơ quan chức năng và cung cấp video để làm bằng chứng. Cảnh sát trưởng Joseph Mandagi cho biết họ sẽ triệu tập cha mẹ của Desiana đến để thẩm vấn, lấy lời khai.
Luật ta: Có dấu hiệu phạm nhiều tội
Chiếu theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam, hành vi treo ngược Mario lên trong vòng 30 phút của cha mẹ cô bạn gái có dấu hiệu phạm tội Làm nhục người khác.
Làm nhục người khác là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của con người. Người phạm tội đã có hành vi (bằng lời nói hoặc hành động) xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác như lăng mạ, chửi rủa thậm tệ, cạo đầu, cắt tóc, lột quần áo, quay clip...
Để làm nhục người khác, người phạm tội cũng có thể có những hành vi vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực như bắt trói, tra khảo, vật lộn, đấm đá hoặc khống chế, đe dọa, buộc người bị hại phải làm theo ý muốn của mình.
Về hình phạt, đối với trường hợp thuộc cấu thành cơ bản (khoản 1), người phạm tội bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Đối với trường hợp thuộc cấu thành tăng nặng, người phạm tội bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm (khoản 2) hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm (khoản 3).
Cần lưu ý là nếu hành vi làm nhục người khác cấu thành một tội độc lập thì tùy từng trường hợp cụ thể, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác và tội tương ứng với hành vi đã thực hiện.
Sau khi bị treo ngược, Mario kêu đau đầu dữ dội. Do vậy, nếu hành vi treo ngược trên gây ra thương tích cho Mario và nạn nhân có đơn đề nghị xử lý hình sự, cha mẹ cô gái có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội Cố ý gây thương tích, tội danh và hình phạt được quy định tại Điều 134 BLHS.
Nếu thương tích của Mario từ 11% trở lên, cha mẹ cô gái sẽ phải đối diện với mức án phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm theo khoản 1 Điều 134.
Trong trường hợp thương tích của Mario dưới 11% nhưng hành vi phạm tội lại gây cố tật nhẹ cho nạn nhân (điểm c khoản 1 Điều 134) hoặc người phạm tội có tổ chức (điểm h khoản 1 Điều 134) thì cha mẹ của cô gái vẫn có nguy cơ bị xử lý hình sự theo khoản 1 Điều 134.
Đúng như mẹ Mario đã nói, tuy việc sống chung với bạn gái của nam thanh niên này không được gia đình chấp nhận và có thể là vi phạm phong tục địa phương nhưng hành vi đó không phải là tội phạm. Do đó, Mario không đáng phải chịu hình phạt tra tấn treo ngược trước mặt nhiều người như vậy.
Khi sống chung với nhau, cô bạn gái của Mario đã 20 tuổi, còn Mario 23 tuổi. Điều 8 luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên, tự nguyện quyết định, không bị mất năng lực hành vi dân sự là có đủ điều kiện để kết hôn với nhau.
Như vậy, nếu Mario và bạn gái đủ điều kiện trên thì được quyền kết hôn theo đúng pháp luật. Thực tế, Mario và bạn gái mới sống chung. Nếu tương lai họ có ý định kết hôn mà bị gia đình cô gái phản đối thì họ có thể nhờ cơ quan chức năng can thiệp, giúp đỡ.
Cản trở kết hôn được hiểu là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để ngăn cản việc kết hôn của người có đủ điều kiện kết hôn theo quy định trái với ý muốn của họ.
Khoản 2 Điều 55 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, người nào có hành vi cản trở người khác kết hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng.
Trong trường hợp hành vi nêu trên đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn tiếp tục vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 181 về tội Cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
Ánh Dương