Đan Mạch tiêu hủy 17 triệu con chồn vizon vì lo ngại biến chủng virus SARS-CoV-2
Lê Linh
(TBKTSG Online) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 6-11 cho biết đang giám sát tình hình an ninh sinh học ở các trang trại chồn vizon (nuôi để lấy lông) trên khắp thế giới nhằm ngăn ngừa các biến cố lây lan virus SARS-CoV-2.
Chồn vizon sau khi tiêu hủy bằng hơi ngạt ở một trang trại ở thị trấn Soroe, Đan Mạch. Ảnh: Reuters |
Thông báo của WHO được đưa ra sau khi chính phủ Đan Mạch ra lệnh tiêu hủy toàn bộ 17 triệu con chồn vizon ở 1.000 trang trại trên toàn quốc do phát hiện một cơn bùng phát Covid-19 đáng lo ngại liên quan đến loài động vật có vú này.
Đan Mạch báo động biến chủng mới của virus SARS-CoV-2
Giới chức trách Đan Mạch cho biết một biến chủng virus SARS-CoV-2 lây từ người sang chồn vizon dường như đang lây trở ngược lại cho một số người ở miền bắc Đan Mạch, nơi đang bị phong tỏa nghiêm ngặt. Điều đáng lo ngại là biến chủng này có thể kháng lại một số vaccine Covid-19 đang được phát triển hiện nay.
Viện Huyết thanh nhà nước Đan Mạch cho biết kể từ tháng 6, có nhiều biến chủng virus SARS-CoV-2 liên quan đến chồn vizon đã được phát hiện ở 214 người. Cho đến nay, dịch Covid-19 đã lây lan đến hơn 200 trang trại chồn vizon ở Đan Mạch. Tuy nhiên, biến chủng virus SARS-CoV-2 mới nhất, khiến Đan Mạch phải ra lệnh tiêu hủy hoàn toàn bộ đàn chồn vizon, chỉ mới phát hiện ở 12 người và 5 trang trại chồn vizon.
Các nhà dịch tễ học Đan Mạch phát hiện rằng biến chủng virus này ít nhạy cảm với các kháng thể hơn. Trong một báo cáo gửi cho chính phủ, họ nhận định: “Điều này đáng lo ngại vì nó có thể ảnh hưởng đến tính hiệu quả của các vaccine Covid-19 trong tương lai. Điều này có nghĩa là những những người bị nhiễm biến chủng virus này sẽ có khả năng miễn dịch thấp hơn và đe dọa ý tưởng miễn dịch cộng đồng”.
Thủ tướng Đan Mạch, Mette Frederiksen cũng cho biết biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 khiến cơ thể khó sản xuất kháng thể chống lại nó hơn và có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của các vaccine 19 đang được phát triển.
Kare Molbak, nhà dịch tễ học hàng đầu Đan Mạch, nói: “Kịch bản tồi tệ nhất là một đại dịch mới lại bắt đầu, lần này từ Đan Mạch”.
Christian Sonne, giáo sư ở Đại học Aarhus (Đan Mạch) và là chuyên gia thú y, cho biết các động vật có vú như chồn vizon là ‘những quả bom hẹn giờ’. Chúng dường như dễ nhiễm virus SARS-CoV-2 hơn bất kỳ loại động vật nào khác nhưng giới khoa học vẫn đang tranh cãi về mức nguy hiểm của biến chủng SARS-CoV-2 phát triển từ chúng.
Đan Mạch là nước nuôi chồn vizon lớn nhất thế giới để khai thác bộ lông quí giá của chúng. Giới chức trách ở nước này đang đưa ra những khoản trợ cấp tài chính để khuyến khích nông dân tiêu hủy chồn vizon nhanhh hơn, thậm chí còn huy động cảnh sát và binh sĩ hỗ trợ nông dân tiêu hủy chúng.
Vẫn chưa rõ mức độ nguy hiểm ra sao
Tại cuộc họp báo ở Geneva Thụy Sĩ hôm 6-11, Maria van Kerkhove, nhà dịch tễ học đứng đầu bộ phận kỹ thuật ở Chương trình y tế khẩn cấp của WHO, cho biết sự lây lan virus SARS-CoV-2 giữa động vật và con người là một mối lo ngại.
Bà nói: “Các biến chủng virus SARS-CoV-2 là điều bình thường. Chúng tôi đã giám sát một số biến chủng virus này ngay từ đầu đại dịch”. Tuy nhiên, chồn vizon dường như dễ nhiễm virus SARS-CoV-2 hơn các động vật khác.
Bà nói tiếp: “Chúng tôi đang làm việc với các văn phòng của WHO ở các khu vực có các trang trại nuôi chồn vizon và theo dõi tình hình an ninh sinh học để ngăn ngừa các biến cố lây lan”
Bà Kerkhove cho biết Đan Mạch quyết định tiêu hủy chồn vizon là nhằm ngăn chặn “một bể chứa mới của virus SARS-CoV-2 ở động vật”. Soumya Swaminathan, nhà khoa học trưởng của WHO, nói rằng vẫn còn quá sớm để kết luận về tác động của các biến chủng virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở chồn vizon.
Cùng ngày, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) thông báo sẽ thẩm định các tác động của sự lây lan SARS-CoV-2 ở các trang trại chồn vizon ở Đan Mạch đối với con người. ECDC cho biết dù chưa chắc chắn nhưng một biến đổi kháng nguyên ở virus SARS-CoV-2 có thể tác động đến khả năng miễn dịch, tái nhiễm và tính hiệu quả của vaccine Covid-19.
Virus SARS-CoV-2 được cho là lây lan từ động vật sang con người ở Trung Quốc, có thể thông qua vật chủ trung gian là dơi hoặc động vật hoang dã khác ở một khu chợ ở TP. Vũ Hán vào cuối năm ngoái. Cho đến nay, nhiều câu hỏi liên quan đến sự lây lan virus SARS-CoV-2 giữa động vật và con người vẫn chưa được sáng tỏ. Một số loại động vật có vú như mèo cũng đã bị lây virus SARS-CoV-2. Các động vật khác như chuột và chồn sương cũng được cố ý cho lây nhiễm virus này để phục vụ mục đích nghiên cứu y khoa.
Mike Ryan, Giám đốc Chương trình y tế khẩn cấp của WHO, nói: “Luôn có khả năng virus SARS-CoV-2 từ động vật lây ngược trở lại sang con người. Đó là một điều đáng lo ngại vì các động vật có vú như chồn vizon là vật chủ trung gian rất thuận lợi cho virus SARS-CoV-2 biến chủng nếu chúng sống chen chúc cùng nhau với số lượng lớn”.
Wim van der Poel, bác sĩ thú y người Hà Lan, chuyên gia về các bệnh lây nhiễm từ động vật sang con người, cho biết câu hỏi quan trọng là liệu biến chủng virus SARS-CoV-2 có độc lực cao hơn khi sau khi lây sang con người hay không. Cho đến nay, giới chức trách Đan Mạch cho biết biến chủng mới của SARS-CoV-2 dường như không gây nguy hiểm hơn cho con người.
Theo Financial Times, Reuters