Công bố rủi ro tài chính liên quan đến biến đổi khí hậu
Lê Đức Trung (*)
(TBKTSG) - Là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam đã ban hành hàng loạt chính sách liên quan đến phát triển nền kinh tế xanh và bền vững, đặc biệt là việc tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào năm 2016. Tuy nhiên, với tình hình thiên tai ngày một khắc nghiệt, có lẽ đã đến lúc cần đặt ra một số giải pháp thiết thực hơn để góp phần giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu trên toàn thế giới.
Những thay đổi của pháp luật về đầu tư nói chung và bảo vệ môi trường nói riêng trong những năm gần đây đã phản ánh mục tiêu chú trọng bảo vệ môi trường của Việt Nam trong quá trình phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, trước tốc độ thay đổi nhanh chóng và khó lường của khí hậu, hành lang pháp lý hiện tại dường như cần được bổ sung và hoàn thiện hơn nữa để đất nước chuyển dịch sang nền kinh tế xanh một cách hiệu quả.
Để làm được việc đó, nguồn lực kinh tế - xã hội cần được phân bổ phù hợp hơn vào các ngành nghề mang tính ổn định lâu dài và ít ô nhiễm môi trường như năng lượng tái tạo, công nghệ, nghiên cứu và phát triển (R&D); đồng thời giảm đầu tư vào các ngành công nghiệp gây ô nhiễm như dệt may, gia công, nhiên liệu hóa thạch - vốn là các ngành chiếm phần lớn thị phần của nền kinh tế Việt Nam.
Một trong những biện pháp đang được các nước phát triển áp dụng triệt để chính là yêu cầu các doanh nghiệp phải công bố định kỳ các rủi ro tài chính liên quan đến biến đổi khí hậu. Thông qua các công bố này, nhà đầu tư sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về sự ổn định của doanh nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu, từ đó đưa ra các quyết định đầu tư hoặc thoái vốn một cách hợp lý hơn. Kết quả là nguồn vốn xã hội sẽ có xu hướng phân bổ vào các ngành có sự ổn định lâu dài và “nền kinh tế xanh” sẽ nhanh chóng thay thế “nền kinh tế nâu”.
Công bố rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu
Bên cạnh thỏa thuận chung nhằm đối phó với biến đổi khí hậu, các nước phát triển hiện đang ưu tiên áp dụng các khuyến nghị của lực lượng đặc nhiệm về công bố tài chính liên quan đến khí hậu (TCFD) để hoàn thiện khung pháp lý của quốc gia trong lĩnh vực này(1). TCFD được thành lập vào năm 2015 dưới sự ủng hộ của các nước G20 với nhiệm vụ ban hành và phát triển các khuyến nghị dành cho việc công bố rủi ro liên quan đến khí hậu.
Các công bố này giúp cho các nhà đầu tư, các chủ nợ và các công ty bảo hiểm đưa ra quyết định đúng đắn hơn đối với các danh mục đầu tư liên quan đến hiệu ứng nhà kính và mức độ rủi ro của môi trường đối với hệ thống tài chính. Bộ khuyến nghị này đề xuất các tiêu chuẩn cho việc công bố các cơ hội và rủi ro liên quan đến môi trường, tập trung vào bốn yếu tố hoạt động cơ bản của doanh nghiệp, bao gồm: (i) quản trị, (ii) chiến lược phát triển, (iii) quản trị rủi ro và (iv) các chỉ số và mục tiêu.
Ở hầu hết các quốc gia, công ty đại chúng đều có trách nhiệm phải thực hiện công bố thông tin, bao gồm các rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu. Tuy nhiên, yêu cầu về việc công bố thường chỉ được quy định một cách chung chung khiến các nội dung công bố nặng về hình thức, không tập trung phân tích và đánh giá toàn diện các rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu đối với hoạt động doanh nghiệp.
Do đó, mặc dù không mang tính bắt buộc, các khuyến nghị của TCFD được các nước G20 xem là bộ khung chuẩn cho việc xây dựng pháp luật quốc gia nhằm giải quyết vấn đề khác biệt về luật pháp và tiêu chuẩn giữa các nước về việc công bố thông tin liên quan đến khí hậu. Cơ quan Kiểm soát tài chính của Anh (FCA) vừa qua còn cân nhắc việc áp dụng chặt chẽ Bộ Khuyến nghị của TCFD đối với các doanh doanh nghiệp niêm yết cao cấp.
Anh: thực hiện việc công bố các rủi ro liên quan đến môi trường
Vào tháng 3 năm nay, FCA đã có đệ trình yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết tại Sàn chứng khoán London phải thực hiện công bố các rủi ro liên quan đến môi trường sát theo Bộ Khuyến nghị của TCFD(2). Cơ quan này cho rằng việc “luật hóa” các khuyến nghị của TCFD sẽ giúp dòng tiền của các nhà đầu tư phân bổ hiệu quả hơn vào các dự án thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang một “nền kinh tế carbon thấp”.
Nếu quy định mới được thống nhất và thông qua thành luật, các doanh nghiệp niêm yết cao cấp tại Sàn chứng khoán London phải thực hiện việc công bố theo khuyến nghị của TCFD. Báo cáo tài chính thường niên của các doanh nghiệp này phải đưa ra tuyên bố về việc công bố các rủi ro và cơ hội liên quan đến khí hậu, và trong trường hợp không thể công bố, báo cáo tài chính cũng phải giải trình lý do không thực hiện.
Ngoài ra, quy định hiện hành của Anh về các công bố liên quan đến khí thải nhà kính và biến đổi khí hậu cũng được củng cố chặt chẽ hơn đối với các công ty đại chúng, từ các quy định về niêm yết, cho đến các thông tin trong bản cáo bạch và các nghĩa vụ báo cáo định kỳ khác.
Mỹ: dự thảo Đạo luật Công bố rủi ro khí hậu
Vào năm 2010, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch của Mỹ (SEC) đã cho ra đời một bộ hướng dẫn dành cho các công ty đại chúng liên quan đến việc công bố các rủi ro liên quan đến khí hậu(3). Theo đó, các công ty đại chúng phải công bố tất cả rủi ro tài chính liên quan đến biến đổi khí hậu có ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của doanh nghiệp.
Với mục tiêu luật hóa và làm rõ hơn các quy định trên, dự thảo Đạo luật Công bố rủi ro khí hậu năm 2019 đã được đệ trình lên Quốc hội Mỹ, yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán phải công bố các rủi ro liên quan đến môi trường trong báo cáo thường niên(4).
Riêng với các doanh nghiệp tham gia phát triển thương mại nhiên liệu hóa thạch, nếu ủy ban chứng khoán xét thấy cần thiết, doanh nghiệp bắt buộc phải tham vấn ý kiến của hàng loạt cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường, năng lượng, nông nghiệp và các đơn vị liên quan khác để hoàn thành việc công bố. Tuy chưa được thông qua, Đạo luật Công bố rủi ro khí hậu đã thể hiện rõ quyết tâm của các nhà lập pháp Mỹ về việc đưa ra các chuẩn mực công bố rủi ro tài chính liên quan đến biến đổi khí hậu.
Úc: ban hành hướng dẫn về việc công bố thông tin
Tương tự như Anh và Mỹ, các khuyến nghị của TCFD vẫn chưa được “luật hóa” ở Úc. Tuy nhiên các nhà lập pháp liên bang đã đưa ra hàng loạt hướng dẫn cho việc công bố rủi ro tài chính liên quan đến biến đổi khí hậu, trong đó các tiêu chuẩn mà TCFD đưa ra vẫn luôn được ưu tiên áp dụng.
Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Úc (ASIC) vào tháng 8-2019 đã ban hành một hướng dẫn về việc công bố thông tin. Theo đó, ASIC nhận định biến đổi khí hậu là một rủi ro mang tính hệ thống có khả năng ảnh hưởng đáng kể đến vị thế tài chính, hiệu suất và triển vọng của mọi tổ chức. Do đó, các doanh nghiệp được yêu cầu áp dụng các khuyến nghị của TCFD trong báo cáo của mình, cho dù nội dung luật không đặt ra việc thực hiện các khuyến nghị đó(5).
Kinh nghiệm cho Việt Nam
Qua các dẫn chứng trên, có thể thấy các nhà lập pháp trên thế giới đã có nhiều động thái tích cực trong việc quy định công bố rủi ro tài chính liên quan đến biến đổi khí hậu. Đặc biệt, các khuyến nghị của TCFD đang đóng vai trò quan trọng hơn trong việc định hình khung pháp lý đối với việc công bố rủi ro liên quan đến khí hậu của các quốc gia.
Tại Việt Nam, các công ty đại chúng cũng có nghĩa vụ phải công bố thông tin định kỳ hàng năm về phát triển bền vững, xoay quanh các vấn đề như quản lý nguồn nguyên vật liệu, tiêu thụ năng lượng và tiêu thụ nước, việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, trách nhiệm đối với người lao động, báo cáo liên quan đến trách nhiệm đối với cộng đồng địa phương, báo cáo liên quan đến hoạt động thị trường vốn xanh theo hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước(6).
Tuy nhiên, với vị trí địa lý vô cùng nhạy cảm với biến đổi khí hậu, Việt Nam nên là một trong những quốc gia tiên phong trong việc phát triển nền kinh tế xanh và bền vững trong khu vực.
Các nhà làm luật có thể cân nhắc phổ biến việc áp dụng khuyến nghị của TCFD vào các công bố thông tin định kỳ của các công ty đại chúng, thực hiện biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp tuân thủ các quy định về công bố rủi ro tài chính liên quan đến biến đổi khí hậu, hoặc thành lập một đơn vị (hay cân nhắc bổ sung nhiệm vụ cho một đơn vị sẵn có) chuyên ban hành và giám sát thực hiện các quy định liên quan đến việc công bố thông tin liên quan đến biến đổi khí hậu bởi các doanh nghiệp.
Thiết nghĩ, việc thực hiện những kiến nghị này sẽ nhanh chóng tạo nên sự khác biệt to lớn cho nền kinh tế và môi trường Việt Nam trong tương lai, nhanh chóng chuyển dịch nền kinh tế của Việt Nam sang một nền kinh tế xanh và bền vững hơn.
(*) ThS. trường Đại học Liverpool John Moores
(1) Xem thêm tại https://www.fsb-tcfd.org/recommendations/
(2) Xem thêm tại https://www.fca.org.uk/publication/consultation/cp20-3.pdf
(3) Xem thêm tại https://www.sec.gov/rules/interp/2010/33-9106.pdf
(4) Xem them tại https://www.congress.gov/bill/116th-congress/house-bill/3623/text
(5) Xem thêm tại https://download.asic.gov.au/media/5230063/rg247-published-12-august-2019.pdf
(6) Thông tư 155/2015/TT-BTC ngày 06 tháng 10 năm 2015 của Bộ Tài Chính
Xem thêm: lmth.uah-ihk-iod-neib-ned-nauq-neil-hnihc-iat-or-iur-ob-gnoc/172013/nv.semitnogiaseht.www