Apple muốn hất chân Google
Nguyễn Vũ
(TBKTSG) - Dịch vụ tìm kiếm thông tin trên Internet, tuy miễn phí nhưng kèm quảng cáo là một dịch vụ hái ra tiền cho Google - họ làm tốt đến nỗi hiện nay từ “Google” đồng nghĩa với tìm thông tin. Nay có dấu hiệu cho thấy Apple muốn nhảy vào lĩnh vực này để cạnh tranh với Google ngay ở trận địa Google đang thống lĩnh.
Lý do đầu tiên là do Google đang bị Bộ Tư pháp Mỹ kiện về tội độc quyền, cụ thể là lạm dụng quyền lực của mình trên thị trường dịch vụ tìm kiếm để bóp chết mọi đối thủ cạnh tranh. Đáng nói, một trong những bằng chứng mà Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra trong hồ sơ kiện là chuyện Google “mua chuộc” Apple để Apple chọn dịch vụ tìm kiếm Google làm dịch vụ mặc định trên trình duyệt Safari hay ứng dụng Siri.
Điều đó có nghĩa bất kỳ lúc nào người dùng iPhone hay iPad mở trình duyệt Safari tìm kiếm một thông tin nào đó, nó sẽ sử dụng chương trình tìm kiếm của Google. Chỉ một động tác đó thôi mà theo Wall Street Journal hàng năm Google phải trả cho Apple một khoản tiền khổng lồ, như năm 2018 là 9 tỉ đô la! Còn theo tài liệu trong hồ sơ kiện của Chính phủ Mỹ, số tiền thù lao này chiếm chừng 15-20% lợi nhuận hàng năm của Apple, tức có thể lên đến 8-12 tỉ đô la.
Dù kết quả vụ kiện đi theo hướng nào, việc hợp tác giữa Google và Apple phải thay đổi và do Apple không muốn đánh mất một khoản doanh thu lớn, họ sẽ phải tự xây dựng một bộ máy tìm kiếm thông tin cho riêng mình. Trong tương lai, giả dụ chính sách chống độc quyền buộc Safari phải đưa ra vài lựa chọn cho người dùng, chọn bộ máy tìm kiếm nào như Google, Bing hay DuckDuckGo mà Apple không có trong danh sách chọn lựa sẽ là một thiệt thòi rất lớn. Như hiện nay bộ máy tìm kiếm DuckDuckGo chỉ chiếm 2% thị phần, giả thử Safari bị buộc chấm dứt thỏa thuận với Google, thị phần của DuckDuckGo có thể tăng lên thành 20%.
Trong phiên bản mới nhất của hệ điều hành iOS, Apple đã bắt đầu trả kết quả của chính họ đưa ra, kể cả các đường link khi người dùng gõ vào ô tìm kiếm ở màn hình chính. Theo Financial Times, cách đây hơn hai năm Apple đã từng chiêu dụ người đứng đầu bộ phận tìm kiếm, John Giannandrea về đầu quân cho mình.
Lúc đó thông tin đưa ra bên ngoài là Giannandrea sẽ đẩy mạnh năng lực phát triển trí tuệ nhân tạo cho Apple và cải thiện khả năng của trợ lý ảo Siri nhưng thực tế là để tận dụng tám năm kinh nghiệm ông này điều hành bộ máy xây dựng dịch vụ tìm kiếm được ưa chuộng nhất thế giới. Thời gian gần đây Apple cũng liên tục tuyển dụng nhân sự giỏi về thuật toán tìm kiếm.
Một dấu hiệu khác là tần suất hoạt động của Applebot - là một bộ máy tự động rà tìm hết thảy mọi ngóc ngách trên Internet để thu lượm, tổng hợp thông tin đang gia tăng mạnh mẽ. Các chuyên gia dịch vụ tìm kiếm nhận định Applebot đang xây dựng nền tảng cho một bộ máy tìm kiếm thông tin mới bằng cách xây dựng cơ sở dữ liệu khổng lồ như Google đang làm.
Hệ điều hành iOS 14 cũng đã gạt bớt Google sang một bên trong nhiều trường hợp. Ví dụ khi người dùng quẹt sang phải để gõ vào ô tìm kiếm thông tin thì các kết quả gợi ý bên dưới có nhiều cái do Apple đưa ra chứ không phải toàn bộ là do kết quả Google tìm như trước nữa. Đáng chú ý là chức năng tự điền tiếp thông tin cần tìm là do Apple xây dựng, cho thấy họ đang tận dụng cơ sở dữ liệu từng thu thập từ hơn 1 tỉ người dùng.
Xây dựng cho được một bộ máy tìm kiếm khổng lồ, hiệu quả, được người dùng tin tưởng như Google không phải là chuyện dễ nhưng Financial Times nhận định với mức lợi nhuận năm nay dự kiến vượt quá 55 tỉ đô la và khoản tiền mặt dự trữ lên đến 81 tỉ đô la, Apple có đủ vũ khí để chiến đấu lâu dài trong một cuộc cạnh tranh với gã khổng lồ Google.
Một lý do thúc đẩy Apple tự xây dựng bộ máy tìm kiếm riêng cho mình là để tiếp nối truyền thống gắn kết mọi thành phần trong hệ sinh thái khép kín của họ với nhau. Một khi lợi nhuận từ bán phần cứng như điện thoại iPhone sút giảm, Apple phải đầu tư vào các dịch vụ phần mềm để bù đắp lại.
Đối diện với một chọn lựa do Bộ Tư pháp Mỹ đặt ra: tiếp tục hợp tác với Google và có thể liên đới chịu trách nhiệm trong một vụ kiện lịch sử hay tách ra cạnh tranh với Google, nay Apple đã sẵn sàng. Họ có thể cung cấp một bộ máy tìm kiếm mạnh như của Google một khi họ dồn sức cho nó.
Theo nhiều nhà quan sát, chỉ một mình Apple đủ sức tự xây dựng bộ máy tìm kiếm riêng trong khi các đối thủ khác của Google như DuckDuckGo hay Neeva đều phải mua bản quyền từ cơ sở dữ liệu Bing do Microsoft xây dựng. Điều đó có nghĩa phải có sẵn trong tay 20-50 tỉ trang web đã làm chỉ mục và khi người dùng gõ các từ khóa tìm kiếm, phải sục sạo trong đó để trả kết quả tính bằng vài phần ngàn giây!
Xem thêm: lmth.elgoog-nahc-tah-noum-elppa/192013/nv.semitnogiaseht.www