vĐồng tin tức tài chính 365

Người thầy khai mở khoa ngữ văn

2020-11-08 10:14
Người thầy khai mở khoa ngữ văn - Ảnh 1.

Nhà giáo Mai Cao Chương (thứ ba từ trái qua) trong dịp sinh nhật 80 tuổi - Ảnh: Tác giả cung cấp

Nghĩ về khoa ngữ văn ĐH Tổng hợp TP.HCM những ngày đầu khó khăn, vất vả mà sôi nổi, lãng mạn sau năm 1975; nhớ về những bài giảng văn học, Phật học thời Lý Trần, thơ văn Nguyễn Trãi uyên thâm và sinh động; nhớ về một người thầy mẫu mực, nhân từ và tận tụy, những sinh viên xuất thân từ khoa ngữ văn lại nhớ đến thầy Mai Cao Chương - phó giáo sư, nhà giáo ưu tú, trưởng khoa ngữ văn đầu tiên của mình.

Đề xuất hệ đại học mở rộng

Thầy Mai Cao Chương sinh năm 1930 tại làng Trường Định, xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định trong một gia đình nhà nho giàu truyền thống văn chương và yêu nước.

Từ nhỏ thầy đã được học chữ Hán bên cạnh việc học tiếng Pháp trong nhà trường. Vốn Hán học từ thuở nhỏ cộng với thời gian học Trung văn ở ĐH đã giúp thầy có một vốn liếng vững chắc để đi vào con đường nghiên cứu văn học cổ điển Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám thành công lúc thầy Mai Cao Chương tròn 15 tuổi và vừa thi đậu bằng tiểu học. 17 tuổi thầy tham gia cách mạng và năm 20 tuổi được kết nạp vào Đảng ngay từ những ngày ấy, đến năm nay thầy đã được 70 năm tuổi Đảng.

Kháng chiến chống Pháp kết thúc, năm 1955 thầy tập kết ra Bắc. Năm 1962, thầy vào học Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, học phân ban văn học Trung Quốc của khoa ngữ văn và được giữ lại làm cán bộ giảng dạy của tổ cổ - cận - dân (cổ, cận đại, dân gian).

Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, thầy Mai Cao Chương được phân công vào ĐH Văn khoa Sài Gòn và tham gia tổ bộ môn Hán Nôm, sau đó làm tổ trưởng tổ bộ môn ngữ văn Việt Nam. Từ năm 1978 đến 1990 thầy làm chủ nhiệm khoa ngữ văn ĐH Tổng hợp TP.HCM.

Với tư cách là nhà quản lý, thầy đã làm trưởng khoa ngữ văn đầu tiên của Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM đồng thời cũng là trưởng khoa với nhiệm kỳ dài nhất: 12 năm.

Trong thời gian làm trưởng khoa, thầy đã góp phần tạo ra học phong - phong cách học thuật của khoa - một học phong thiên về học vấn căn bản và liên ngành để dễ thích ứng với nhiều công việc, một học phong thiên về nghiên cứu và sáng tạo.

Thầy cũng có những sáng kiến đổi mới quản lý, trong đó đáng chú ý nhất là việc đề xuất một loại hình đào tạo mới mẻ: hệ ĐH mở rộng.

Từ đó đã dẫn tới chủ trương xây dựng loại hình ĐH mở (opening university) ở nước ta. Thầy chú ý xây dựng lực lượng kế thừa: mạnh dạn giữ lại nhiều sinh viên xuất sắc cho khoa và bồi dưỡng cho họ cả về chính trị lẫn chuyên môn cũng như khuyến khích, nâng đỡ họ trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Nhiều người trong số đó nay đã có những học vị cao và là những cán bộ chủ chốt của trường, của khoa.

"Hối nhân bất quyện"

Phó giáo sư Mai Cao Chương là nhà giáo rất tận tụy với nghề: ngay cả sau khi về hưu thầy vẫn tiếp tục đứng lớp, hướng dẫn học viên cao học, nghiên cứu sinh... đến khi không còn đủ sức nữa mới thôi - thật đúng như tinh thần người xưa nói: "Hối nhân bất quyện" - Dạy người không mỏi.

Nhiều thế hệ giảng viên và sinh viên còn nhớ mãi hình ảnh và tính cách của thầy: giản dị nhưng nghiêm túc; nguyên tắc, quyết đoán nhưng cũng rất nhân hậu, độ lượng.

Dịp Tết âm lịch năm 2020 vừa rồi, tôi đã đưa thầy Trần Chút - nhà ngôn ngữ học, phó trưởng khoa ngữ văn - đến gặp thầy Mai Cao Chương. Hai thầy "tề danh" - cùng nổi tiếng là trưởng - phó khoa ngữ văn giai đoạn đầu tiên.

Cùng ở thành phố, cùng thân thiết với nhau nhưng tuổi già, bệnh tật nên hai thầy nhiều năm không gặp nhau. Khi thầy Chút và tôi đến, thầy Chương đã yếu, không xuống lầu tiếp khách được. Thầy ở trong phòng, trên bàn vẫn có mấy quyển sách triết Đông bằng Hán văn và một quyển Kiều.

Cô Phụng, phu nhân của thầy, nói hằng ngày ông vẫn đọc sách, ngâm thơ Đường và rung đùi đọc Truyện Kiều, cười sảng khoái với sách. Thầy Chương, thầy Chút trò chuyện vui vẻ, nhớ ra bao nhiêu chuyện mà ngày thường các thầy tưởng đã quên.

Trong các câu chuyện, hai thầy nói nhiều nhất về các học trò: người này hồi xưa giỏi làm sao, người nọ ra trường thành đạt, người kia bất hạnh, người nọ người kia đã "đi" trước thầy.

Hơn tháng trước - đầu tháng 10, thầy Trần Chút đã ra đi mãi mãi. Tôi thấy mình đã may mắn đưa ra cuộc gặp gỡ này. Không ngờ bây giờ, một tháng sau, thầy Mai Cao Chương cũng ra đi. Hai thầy "tề danh" về khoa ngữ văn gần như cùng lúc, xây dựng một khoa vẻ vang, bây giờ người trước người sau, cùng nhau về thế giới bên kia.

Khoa ngữ văn mà thầy xây dựng là khoa lớn, thuộc vào những khoa có lịch sử lâu đời, có truyền thống vẻ vang nhất của ĐH Tổng hợp TP.HCM, nay là Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM.

Từ khoa ngữ văn, ngữ văn và báo chí tách một phần ra thành các khoa Việt Nam học, văn hóa học, ngữ văn Trung Quốc, báo chí - truyền thông, ngôn ngữ.

Và từ các khoa này đã có hàng nghìn sinh viên trưởng thành trở thành các cán bộ lãnh đạo, các nhà khoa học, nhà văn, nhà báo, giáo viên, doanh nghiệp, chuyên viên và những người làm ở nhiều ngành nghề khác giúp ích cho gia đình, xã hội.

Vĩnh biệt thầy, một nhà khoa học uyên thâm mà khiêm tốn, một nhà giáo giản dị, nhân từ. Thầy như người cha của bao thế hệ học trò. Hình ảnh thầy còn in trên từng trang sách, còn sống mãi trong nhiều thế hệ học trò chúng em.

Vì sự nghiệp giáo dục

Nhà giáo Mai Cao Chương là một nhà nghiên cứu có nhiều công trình rất quý, nhất là ba cuốn Lịch sử văn học Việt Nam, phần Văn học Việt Nam thế kỷ X - nửa đầu thế kỷ XVIII; Nguyễn Lộ Trạch - điều trần và thơ văn (viết chung với Đoàn Lê Giang, NXB KHXH 1996) và Một số vấn đề văn học cổ điển VN.

Năm 1992, thầy được nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Năm 1995, ông nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và huy hiệu Vì sự nghiệp giáo dục.

Thầy Mai Cao Chương qua đời, thọ 90 tuổiThầy Mai Cao Chương qua đời, thọ 90 tuổi

TTO - Phó giáo sư Mai Cao Chương là người đã góp phần tạo nên một thương hiệu mạnh trong lĩnh vực đào tạo các chuyên ngành văn học, ngôn ngữ và báo chí tại khu vực Nam bộ và trong cả nước.

Xem thêm: mth.73292819080110202-nav-ugn-aohk-om-iahk-yaht-iougn/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Người thầy khai mở khoa ngữ văn”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools