vĐồng tin tức tài chính 365

Hình như chúng ta vẫn chưa biết sợ!

2020-11-08 11:32

Hình như chúng ta vẫn chưa biết sợ!

Tấn Đức

(TBKTSG) - Chưa kịp gượng dậy sau những tháng ngày cách ly xã hội để chống dịch, bão, lụt lại liên tiếp ập đến gây thiệt hại rất lớn về tài sản và sinh mạng của người dân các tỉnh miền Trung. Điều đáng nói là thiệt hại, đặc biệt là về nhân mạng, trực tiếp do các trận cuồng phong có khi lại không nhiều bằng lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất... - những hệ quả do mưa bão gây ra.

Nhà điều hành nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên-Huế) bị núi sạt lở vùi lấp chôn vùi 17 người sau những trận mưa lớn kéo dài sau khi bão đi qua hồi tháng 10. Ảnh: TTXVN.

Thiên tai rồi sẽ còn xảy ra, thậm chí với tần suất và cường độ ngày càng nhiều và khốc liệt hơn. Đây không còn là cảnh báo, mà đã thành thực tế, nhất là với quốc gia được xếp vào nhóm chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu như Việt Nam.

Đã là thiên tai thì chúng ta không thể chống, mà chỉ có thể phòng ngừa. Nếu công tác phòng ngừa tốt thì sẽ hạn chế được thiệt hại, nước Nhật là một ví dụ. Do có lãnh thổ nằm trên vành đai núi lửa Thái Bình Dương nên người dân Nhật Bản phải sống chung với động đất. Nhờ phòng ngừa tốt, thể hiện qua thiết kế các công trình xây dựng và qua giáo dục, nên nước này đã giảm được thiệt hại do động đất rất nhiều.

Có thể nói, sở dĩ người Nhật ứng phó với động đất thành công như vậy, trước hết, là do họ biết sợ và từ nỗi sợ đó chuyển hóa thành các giải pháp phòng ngừa và ứng phó. Việt Nam cũng vậy, thành công trong việc chống đại dịch Covid-19 là do chúng ta biết sợ và không dám chủ quan trước con virus corona nhỏ bé.

Nhưng với bão lũ, hạn hán... thì lại khác. Dường như chúng ta vẫn chưa biết sợ!

Để chỉ đạo việc ứng phó với thiên tai, từ lâu Việt Nam đã thiết lập ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ trung ương xuống tới các địa phương. Bản thân tên của ban chỉ đạo đã bao hàm ý công tác “phòng” thiên tai phải là ưu tiên hàng đầu. Nhưng trong thực tế hoạt động của các ban chỉ đạo hầu như chỉ tập trung vào công tác “chống”, hay nói chính xác hơn là ứng phó với thiên tai, và tìm kiếm cứu nạn.

Việt Nam sẽ phải sống chung với thiên tai, vì vậy chỉ có tập trung làm thật tốt công tác phòng ngừa thì chúng ta mới có hy vọng tối thiểu hóa được thiệt hại. Muốn vậy, trước hết chúng ta phải biết sợ thiên tai, vì chỉ khi sợ thực sự thì mới quyết tâm để phòng ngừa.

Điều quan trọng tiếp theo là phải xác định lại địa vị pháp lý cho các ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến công tác phòng ngừa thiên tai.

Cần biết rằng, phòng ngừa thiên tai không phải là kêu gọi ngư dân đem tàu thuyền về nơi trú bão, hay di tản người dân đến nơi an toàn... mà ở những quyết định như cho xây dựng đập thủy điện, những con đường, những khu dân cư và khu du lịch ven biển hay những bản quy hoạch để rồi từ đó những cánh rừng dần biến mất và thay vào đó là những nông trại trồng cao su hay cà phê...

Không khó để nhận ra, với địa vị pháp lý như hiện nay thì các ban chỉ đạo phòng chống thiên tai hầu như chẳng có được tiếng nói nào đáng kể đối với những hoạt động có ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng ngừa thiên tai kể trên. Điều này cũng giải thích vì sao hoạt động của các ban chỉ đạo này chỉ tập trung vào công tác ứng phó và tìm kiếm cứu nạn, cũng như chỉ hoạt động khi có thiên tai.

Khi bão qua đi, công tác tái thiết và giúp người dân hồi phục đương nhiên là việc Nhà nước phải làm, nhưng vẫn còn một việc rất quan trọng không thể bỏ qua là tìm ra nguyên nhân của hiện tượng lũ quét, sạt lở đất và ngập úng đang ngày một nghiêm trọng hơn. Vì nếu không thể tìm ra lời giải cho mối nguy này, thì rất khó để đưa ra giải pháp phòng ngừa hiệu quả.

Trong quá khứ, chúng ta đã rất sai lầm khi nghĩ rằng con người có thể chế ngự thiên nhiên, kiểu như “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa” và giờ đây đang phải trả giá đắt cho sai lầm đó. Nếu biết sợ sớm hơn, hẳn các cơ quan có trách nhiệm sẽ không dễ dàng cho đánh đổi rừng lấy thủy điện hay những cánh đồng cao su, cà phê... và sẽ thận trọng hơn với những dự án đường sá, khu dân cư, khu du lịch ở ven biển khi những công trình này có nguy cơ trở thành những con đập nhân tạo cản trở đường thoát ra biển của dòng nước.

Xem thêm: lmth.os-teib-auhc-nav-at-gnuhc-uhn-hnih/132013/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Hình như chúng ta vẫn chưa biết sợ!”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools