Vài ngày qua nhiều người bất ngờ về sự xuất hiện một Apple Center trên phố Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trông hao hao như Apple Store.
Tuy nhiên, ngay cái tên - Apple Store và Apple Center đã là khác nhau. Hiện nay trên thế giới, Apple không duy trì hệ thống cửa hàng bán các sản phẩm của mình có tên là Apple Center, mà chỉ có cửa hàng là Apple Store.
Hơn thế nữa, các Apple Store ở Mỹ, Hồng Kông hay Thái Lan, phía trước cửa hàng không hề có dòng chữ mà chỉ thiết kế tối giản nhưng sang trọng và nổi bật với một logo quả “táo khuyết”.
Chính vì thế, câu hỏi Apple Center có phải là cửa hàng chính hãng của Apple hay không ngay lập tức được tìm hiểu. Tuy nhiên, lời giải là cho tới nay tại Việt Nam, Apple không có và cũng chưa có kế hoạch mở Apple Store cho dù đã từng hơn một lần có dư luận bàn tán về khả năng này.
Tại Việt Nam, Apple hiện chỉ có các nhà phân phối như Digiworld, PetroSetco, FPT Synnex, Viettel và 2 chuỗi bán điện thoại Thế Giới Di Động, FPT Retail được nhập khẩu trực tiếp từ Apple về bán lẻ tại Việt Nam.
Apple Center ở phố Hàng Bài được cho rằng thuộc Công ty TNHH Thương mại Apple Center Việt Nam, với người đại diện pháp lý có quốc tịch Việt Nam, được đăng ký hoạt động từ ngày 10.9.2020 tại Chi cục Thuế quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Thoạt nhìn, Apple Center được thiết kế theo qui chuẩn và phong cách hao hao của Apple Store. Tuy nhiên, nếu so sánh chi tiết, thì Apple Store được thiết kế tối giản nhưng thể hiện được sự đẳng cấp, sang trọng hơn, và cũng ấn tượng hơn.
Song vấn đề được đặt ra là, một khi Apple Center không phải cửa hàng chính hãng của Apple mở ra tại Việt Nam, thì liệu việc sử dụng logo quả “táo khuyết” có gây ra tranh chấp và dẫn đến một cuộc chiến pháp lý hay không?
Cần biết rằng, cho tới thời điểm này, không có nhà phân phối và bán lẻ nào của Apple tại Việt Nam lại được phép sử dụng logo quả “táo khuyết” to và nổi bật được bài trí ở ngay phía trên cửa hàng ngay chính giữa lối ra vào. Ngay cả chuỗi F.Studio của FPT Retail, được cho là hệ thống bán sản phẩm Apple cao cấp nhất tại Việt Nam hiện nay, cũng không được đặc quyền này.
Đặc quyền trên, theo quan sát của chúng tôi qua những quốc gia đã đi qua, tới nay cũng mới chỉ dành cho Apple Store của chính hãng Apple mở ra. Và đến thời điểm này, Apple cũng chưa công bố cho bất cứ đối tác nào sử dụng logo của mình với tính chất và đặc điểm nổi bật như đề cập ở trên.
Cần biết rằng, vào tháng 4.2017, thông qua đại diện pháp lý tại Việt Nam, Apple đã gửi thư tới nhiều cửa hàng Việt Nam chuyên bán các sản phẩm của Apple nhưng không phải là đại lí ủy quyền để cảnh báo về việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể là việc sử dụng logo, hay các chữ iPhone, iPad trên bảng hiệu. Apple ra thời hạn 7 ngày phải khắc phục để tránh các rắc rối pháp lý. Thậm chí, một số cửa hàng đã bị xử phạt vì vi phạm trong vấn đề này.
Tại thời điểm đó, đối tác là đại diện pháp lý của Công ty Apple Việt Nam cũng cho biết rằng, logo quả “táo khuyết” và những thương hiệu như APPLE, iPhone, App Store, iPad, iPod, Macbook,… đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, cấm các hành vi sử dụng trên trên bảng hiệu, giấy tờ kinh doanh mà chưa được Apple đồng ý.
Xem thêm: odl.494258-yl-pahp-neihc-couc-1-ar-yax-oc-ueil-ion-ah-o-nel-com-retnec-elppa/et-hnik/nv.gnodoal