Thị trường lao động TPHCM trong những tháng cuối năm sẽ có nhiều chuyển biến tích cực với việc gia tăng lao động. Đây là cơ hội tốt đối với sinh viên mới ra trường, người lao động bị mất việc vì dịch bệnh COVID-19.
Theo trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (FALMI) dự kiến, nhu cầu nhân lực quý IV năm 2020 TPHCM cần khoảng 62.000 - 65.000 chỗ làm việc, nhu cầu tuyển dụng ở lao động qua đào tạo chiếm 85,26% (đại học chiếm 20%, cao đẳng chiếm 20%, trung cấp chiếm 31%, sơ cấp chiếm 14,26%).
Lý giải về vấn đề này, ông Đỗ Thanh Vân - Phó Giám Đốc phụ trách FALMI nhận định, với những tín hiệu khả quan từ việc khống chế dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần 2 đã giúp các hoạt động sản xuất kinh doanh dần trở lại bình thường.
"Hiệp định EVFTA vừa có hiệu lực, mở ra cơ hội lớn để Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng tiếp cận thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới. Nhiều doanh nghiệp bắt đầu xây dựng kế hoạch tuyển dụng lao động mới để phục vụ cho đợt sản xuất cao điểm cuối năm" - ông Đỗ Thanh Vân cho hay.
Bên cạnh những yêu cầu về trình độ chuyên môn, nhà tuyển dụng đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng nghề nghiệp, kỷ luật lao động, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và thông thạo ngoại ngữ. Đây là những kỹ năng mà người lao động có thể tự trau dồi trong quá trình học tập và làm việc nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động.
Nhu cầu nhân lực những tháng cuối năm tập trung ở một số nhóm nghề như: Kinh doanh - thương mại, Dịch vụ vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng, Chế biến lương thực - thực phẩm, Dịch vụ phục vụ, Công nghệ thông tin - bưu chính - viễn thông, Điện - điện tử - điện lạnh, Dịch tư vấn chăm sóc khách hàng, Tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm…
Ông Vân cũng cho rằng, nhu cầu nhân lực có xu hướng tăng trong những tháng cuối năm, nhưng xét về mức lương thì nhìn chung khó có sự thay đổi lớn trong những tháng cuối năm.
Kết quả khảo sát của Trung tâm, có trên 70% doanh nghiệp được khảo sát nhận định gặp khó khăn trong hoạt động do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Phần lớn doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì hoạt động, trong trường hợp phải cắt giảm lao động, hầu hết các doanh nghiệp chọn phương án thỏa thuận với người lao động giảm giờ làm việc, giảm lương, giãn ca hoặc cho nhân viên nghỉ không lương.
Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ có những chính sách về lương, thưởng Tết khác nhau phù hợp với tình hình hoạt động thực tế của mỗi doanh nghiệp, đó cũng là chiến lược giữ chân người lao động của doanh nghiệp.