Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản vừa có công điện gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an… về việc người Việt liên quan đến các vụ trộm gia súc, gia cầm được truyền thông Nhật Bản đưa tin những ngày qua.
Theo đó, cơ quan này xác nhận ngày 28-10, Cảnh sát Nhật Bản bắt giữ bốn thực tập sinh người Việt Nam tại thành phố Ohta, tỉnh Gunma vì tình nghi mổ heo trái phép trong phòng ở. Cạnh đó, cảnh sát cũng bị nghi ngờ nhóm người này liên quan đến các vụ trộm cắp heo gần đây tại khu vực Kanto của Nhật Bản.
Cảnh sát tại ngôi nhà ở thành phố Ohta, tỉnh Gunma, nơi các nghi phạm Việt bị bắt trong tháng 10. Ảnh: Nikkei.
Trong số bốn thực tập sinh này, có một người đã bị bắt đầu tháng 10 vì tình nghi ăn trộm dưa trong ruộng ở thành phố Ohta.
Tiếp đó, ngày 29-10, cảnh sát Nhật Bản đã bắt giữ 10 người Việt Nam, cả nam và nữ, vì tàng trữ 3,4g chất kích thích và ma túy tổng hợp (MDMA) tại nhà riêng ở thành phố Kawaguchi, tỉnh Saitama và thành phố Isesaki, tỉnh Gunma. Những người này bị điều tra vì nghi ngờ có liên quan đến nhập lậu chất kích thích và ma túy tổng hợp để bán lại cho những người Việt Nam khác.
Ngày 1-11, cảnh sát tiếp tục bắt giữ một thực tập sinh người Việt Nam có tên Trần Xuân Công, tại tỉnh Saitama do nghi mổ heo trong phòng tắm không có giấy phép. Hiện cảnh sát cũng nghi ngờ Công có kế hoạch bán lại thịt heo.
Các vụ bắt giữ kể trên xuất phát từ hoạt động điều tra của cảnh sát Nhật Bản sau khi nhiều trang trại chăn nuôi và trồng trọt tại một số tỉnh xung quanh thủ đô Tokyo gần đây liên tiếp trình báo bị mất cắp gia súc, gia cầm và hoa quả với số lượng lớn.
Tin tức về các vụ bắt giữ này không chỉ được đăng tải trên các phương tiện truyền thông của Nhật Bản mà còn đang được lan truyền rất nhanh qua các trang mạng xã hội, với nhiều bình luận tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng người Việt tại Nhật nói riêng và hình ảnh Việt Nam nói chung.
Nguyên nhân của việc công dân Việt Nam vi phạm pháp luật có chiều hướng tăng nhanh thời gian qua tại Nhật có một phần do hiện có rất nhiều công dân Việt Nam đang bị mắc kẹt tại Nhật Bản trong thời gian dài do không thể trở về nước khiến cuộc sống rơi vào túng quẫn và bế tắc.
“Vì vậy, chúng tôi mong Chính phủ quan tâm, đẩy nhanh việc tăng cường các chuyến bay giải cứu và sớm nối lại các chuyến bay thương mại để đưa công dân về nước, tránh để công dân ta phải vi phạm pháp luật do bị đẩy vào tình thế túng quẫn…” - văn bản do Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản nêu rõ.