Thống kê năm 2018, Việt Nam có hơn 266 thương vụ M&A với giá trị lên đến 7,5 tỷ USD. Đầu tư từ bên ngoài vào chiếm 56%, trong đó có một số thương vụ lớn như đầu tư vào Sabeco và Vinhomes, 70% các thương vụ diễn ra với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Giá trị M&A tại Việt Nam tăng 21% trong vòng 10 năm, từ năm 2008 đến năm 2018.
Mặc dù vậy, ông Trent Davies nhấn mạnh, thế giới đã phải chứng kiến sự suy giảm hoạt động M&A dưới tác động của Covid-19. Tại Việt Nam, theo Bộ KH&ĐT, giá trị góp vốn, mua cổ phần 9 tháng đầu năm giảm 55,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, Việt Nam đã đón nhận lợi thế từ sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. Dự báo năm 2021, hoạt động M&A của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh.
Động lực thúc đẩy tăng trưởng M&A
Theo đó, đại diện Dezan Shira & Associates nhận định có 2 động lực chính thúc đẩy tăng trưởng hoạt động M&A tại Việt Nam. Thứ nhất đó là nhân khẩu học. Việt Nam là một trong những quốc gia có tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất trong khu vực, cùng với tốc độ đô thị hóa ngày càng cao. Đáng chú ý, chi tiêu của người tiêu dùng cũng tăng lên đáng kể, nhất là trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Mặt khác, Chính phủ đang cho thấy nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng thông qua việc cải thiện môi trường kinh doanh. Theo đó, nhiều chính sách ưu đãi thuế và hỗ trợ FDI đã có hiệu lực tại Việt Nam. Nổi bật nhất là các hiệp định thương mại tự do như EVFTA đã được ký kết gần đây.
Thứ hai, các yếu tố về thị trường. Do kiểm soát được đại dịch, Việt Nam đã phuc hồi nền kinh tế nhanh hơn so với các nước khác. Như vậy, các nhà đầu tư vào Việt Nam sẽ có lợi thế đi đầu so với nhiều nước trên thế giới. Cùng với đó, đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn. Vì vậy, việc mua lại các doanh nghiệp này sẽ trở nên sẽ dàng hơn.
Bên cạnh đó, quá trình di dời sản xuất và chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc vẫn tiếp tục. Nhà đầu tư nước ngoài có rất nhiều cơ hội trong phát triển chuỗi cung ứng và công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Ngoài ra, Chính phủ cũng đang tìm cách thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước.
Rào cản M&A trong kỷ nguyên Covid-19
Hiện nay, hoạt động M&A tại Việt Nam vẫn còn một số rào cản. Đặc biệt dưới tác động của Covid-19, việc đóng cửa biên giới đã trở thành trở ngại lớn cho cả người mua và người bán. Ông Trent Davies cho biết, ngay từ khi lựa chọn công ty mục tiêu, các nhà đầu tư đều gặp phải rào cản trong các thủ tục, rào cản về chênh lệch trong định giá giữa người mua và người bán.
Quy trình M&A diễn ra qua 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên yêu cầu các nhà đầu tư phải có chiến lược cụ thể nhằm hiểu rõ về công ty mục tiêu, qua đó xác định mục tiêu cốt lõi. Trên cơ sở đó, các nhà đầu tư tiến hành giai đoạn 2 là xác định mục tiêu. Giai đoạn thứ ba là thẩm định mục tiêu. Việc thẩm định mục tiêu yêu cầu phải tiến hành toàn diện, tính đến tất cả các yếu tố bao gồm pháp lý, tài chính, thuế và nhân sự. Sau khi hoàn thành thẩm định, các nhà đầu tư đi đến giai đoạn đàm phán và giao dịch. Cuối cùng là ký kết M&A.
Ông Trent Davies kết luận, mặc dù quá trình thực hiện M&A tốn rất nhiều thời gian nhưng lại có lợi cho các nhà đầu tư về lâu dài. Ước tính trong tương lai, hoạt động M&A sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa ở Việt Nam.
Hoài Thương
Nhịp sống kinh tế
Xem thêm: nhc.43345641280110202-91-divoc-uah-man-teiv-iat-am-ioh-oc-ev-ig-ion-et-hnik-aig-neyuhc/nv.zibefac