Ngày 7/11, ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden đã tuyên bố giành thắng lợi áp đảo với 74 triệu phiếu bầu phổ thông và 279 phiếu cử tri đoàn, con số cao chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ . Với kết quả này, ông J, Biden, 78 tuổi sẽ trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Những người ủng hộ ông J. Biden đã đổ ra đường ăn mừng.
Phát biểu nhân dịp này, ông J. Biden nói: "Tôi rất thông cảm với những người ủng hộ đương kim Tổng thống D. Trump , nhưng tôi muốn nói với họ rằng không hề có bang màu xanh hoặc màu đỏ. Tôi cam kết sẽ là Tổng thống của tất cả người Mỹ. Chúng ta hãy dành cho nhau cơ hội, chúng ta là những người tranh đua với nhau chứ không phải kẻ thù của nhau. Chúng ta đều là người Mỹ, hãy cùng nhau làm việc vì đất nước."
Trong khi đó, Tổng thống D. Trump hoàn toàn không công nhận kết quả này. Ông nói: "Ông J. Biden, với sự ủng hộ của các phương tiện thông tin ủng hộ ông, đã vội vã tuyên bố thắng lợi gian lận của mình nhằm che đậy một sự thật là cuộc bầu cử còn lâu mới kết thúc. Kết quả bầu cử còn chưa ngã ngũ, tôi sẽ không chấp nhận chừng nào chưa kết thúc việc kiểm phiếu một cách công bằng. Các phiếu hợp lệ sẽ xác định ai sẽ là Tổng thống, chứ không phải các phương tiện thông tin."
Mặc dù ông J. Biden tuyên bố thắng cử, lãnh đạo nhiều nước trên thế giới đã gửi điện mừng, nhưng đây vẫn chưa phải là kết quả chính thức. Theo quy định, kết quả này phải được Quốc hội phê chuẩn. Trong khi còn có nhiều tranh cãi giữa hai ứng cử viên D. Trump và J. Biden, việc nêu tên chính thức tân Tổng thống có thể phải mất nhiều ngày.
Tổng thống D. Trump chuyển sang cuộc chiến pháp lý
Ông D. Trump khẳng định, Uỷ ban vận động tranh cử của ông sẽ khởi kiện để đảm bảo việc thực thi nghiêm túc luật bầu cử. Ông nói, người dân Mỹ có quyền bỏ phiếu một cách tự do, điều đó có nghĩa là việc kiểm phiếu phải dựa trên các phiếu bầu hợp lệ, chứ không phải các phiếu của những người không đủ tư cách, thậm chí của cả những người đã chết.
Ban vận động tranh cử của đương kim Tổng thống Donald Trump nói rằng họ đã đệ 12 đơn kiện lên tất cả các bang mà Joe Biden đã thắng và ngày 9/11/2020 sẽ kiện lên Tòa án tối cao, tố cáo những người của đảng dân chủ gian lận trong bầu cử. Trong khi đó, ban vận động tranh cử của ứng cử viên J. Biden nói, họ sẽ chống lại D. Trump đến cùng tại các cơ quan tố tụng.
Nếu đơn kiện của ông Trump tới được Tòa án Tối cao, nơi có tới 6/9 thẩm phán do chính ông bổ nhiệm thì không loại trừ khả năng Tòa án này sẽ đưa ra phán quyết có lợi cho Donald Trump.
Ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden và Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Axios
Ông Trump có xoay chuyển được kết quả bầu cử bằng các biện pháp tư pháp hay không?
Theo luật định, bất cứ ứng cử viên nào thất cử cũng có quyền kiện lên Tòa án các bang và Tòa án tối cao. Như vậy, cuộc chiến sắp tới giữa hai ứng cử viên D. Trump và J. Biden sẽ tập trung vào vấn đề pháp lý. Trong trường hợp tòa không giải quyết được tranh chấp thì sẽ phải tiến hành "bầu cử dự phòng" dựa trên dựa trên Tu chính án thứ 12 của Hiến pháp Mỹ.
Theo quy định, ngày 8/12, các bang dự kiến sẽ phải đệ trình danh sách các đại cử tri được xác nhận của họ. Mỗi bang được phân bổ một số lượng đại cử tri dựa trên dân số của bang đó. Sau đó một cuộc bỏ phiếu thứ 2 giữa các đại cử tri sẽ được tổ chức vào ngày 14/12. Mỗi ứng viên phải giành được 270 phiếu trong tổng số 538 phiếu đại cử tri thì mới có thể chính thức tuyên bố giành được chiến thắng. Các phiếu này sẽ được kiểm bởi một cuộc họp chung giữa Thượng viện và Hạ viện Mỹ vào ngày 6/1 năm 2021.
Ngay cả sau khi phiếu đại cử tri đã được kiểm hết, vẫn có khả năng không xác định được tân Tổng thống. Lúc đó Hạ viện có trách nhiệm quyết định Tổng thống, còn Thượng viện lựa chọn Phó Tổng thống.
Một cuộc tranh chấp bầu cử tại Quốc hội Mỹ cần được giải quyết vào ngày 20/1/2021 - thời hạn chót theo Hiến pháp quy định nhiệm kỳ của Tổng thống đương nhiệm phải chấm dứt.
Nếu lúc đó Quốc hội Mỹ vẫn không tuyên bố được người trở thành tổng thống hay phó tổng thống mới thì theo Đạo luật Kế vị Tổng thống, Chủ tịch của Hạ viện (hiện nay là nghị sĩ Dân chủ của bang California, bà Nancy Pelosi), sẽ đóng vai trò quyền Tổng thống Mỹ.
Trong lịch sử bất đồng kết quả bầu cử đã được giải quyết qua tòa án
Trong lịch sử, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2000 giữa ứng cử viên thuộc đảng Dân chủ Al Gore và đối thủ thuộc đảng Cộng hòa George W. Bush cũng đã xảy ra tranh cãi về việc kiểm phiếu ở bang Florida.
Ông Gore đã yêu cầu kiểm phiếu lại và Tòa án của bang Florida phải ra lệnh cho bang này kiểm lại phiếu bằng biện pháp thủ công hàng chục ngàn lá phiếu mà các máy kiểm phiếu bỏ sót. Việc kiểm lại phiếu này đã phải mất tới 3 tuần. Trong lúc việc kiểm lại phiếu đang diễn ra thì toàn quyền bang Florida thuộc phe Cộng hòa đã xác nhận chiến thắng cho ông G. Bush với 537 phiếu bầu, giúp ông này giành được 25 phiếu đại cử tri tại bang này, vượt qua được ngưỡng 270 phiếu đại cử tri để trở thành Tổng thống Mỹ. Do có sự tranh chấp và phải kiểm phiếu lại bằng biện pháp thủ công, sau 36 ngày chiến thắng của ứng cử viên đảng Cộng hòa G. Bush mới được công bố chính thức.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vốn đã diễn ra đầy kịch tính thì kết quả bầu cử còn trở nên kịch tính hơn. Theo lệ thường, kết quả bầu cử phải được công bố vào đêm 3/11/2020, người thất cử sẽ chúc mừng tân Tổng thống. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể xác định chính thức được ai sẽ là ông chủ của Nhà Trắng.
Cả J. Biden và D. Trump đều tự tin giành chiến thắng, nhưng câu hỏi ai sẽ mở cửa Nhà Trắng, vẫn còn là một vấn đề tranh cãi gay gắt giữa hai ứng cử viên. Nếu Tòa án tối cao chấp nhận đơn kiện của ông D. Trump, thì vấn đề sẽ được giải quyết tại tòa án.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.
Đại sứ Nguyễn Quang Khai
Tổ Quốc