Ngày Lê Thị Hoài được mẹ chở trên xe đi đăng ký nhập học tại Đại học Đồng Tháp, cả xóm làm thuê nghèo ấp Phú Thạnh B, xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp vừa khâm phục, vừa mừng cho em. Cô bé có đôi chân tật nguyền, ngày nào còn đi nhờ trên những chiếc xe hàng rong đến lớp, nay đã trở thành cô tân sinh viên ngành kế toán.
Gia đình Hoài có 5 người thì 3 người tật nguyền và già cả. Cả hai chị em của Hoài đều dị tật chân, tay, bước đi yếu ớt và khó khăn, còn mắc bệnh tim. Còn bà nội của Hoài nay cũng đã gần 90 tuổi, kinh tế gia đình chỉ còn cha và mẹ Hoài gồng gánh, mà nặng nhất là tiền thuốc men. "Thường khi tiền thuốc nhiều hơn tiền ăn", chị Đặng Thị Tuyết (39 tuổi) mẹ Hoài cho biết.
Chị Tuyết luôn day dứt vì đã không cho hai cô con gái cơ thể lành lặn. Lúc trò chuyện, chị cứ cố nén giọt nước mắt chực rơi. Chị kể ban đầu khi biết cả hai con đều tật nguyền, chị buồn tủi và trách cứ số phận "sao lại là mình", nhưng rồi sao đó bao nhiêu oán trách chị chuyển thành sức mạnh, nghị lực để có thể chở che, mang đến cho các con cuộc sống đủ đầy nhất có thể: "Làm thuê làm mướn, ai kêu gì cũng mần, miễn có việc mần để có đồng ra đồng vô là không nề hà gì hết".
Ngày con còn nhỏ, chị lo cơm no, áo ấm, sắp đến ngày cắp sách đến trường, chị Tuyết năn nỉ một thầy dạy chữ trong xóm để dạy kèm cho hai con. Chẳng có tiền dư, chị chỉ có ít gạo, vài con cá bắt dưới kênh để trả công. Vậy rồi Hoài cùng em gái đều được đến lớp, viết những con chữ nắn nót từ đôi tay không lành lặn. Cuối năm, thấy kết quả học tập của Hoài chẳng kém bạn bè, cả gia đình đều vui. Trong căn nhà thường tối tăm ấy dường như sáng hơn khi có góc học tập nhỏ của hai chị em và tiếng ê a học bài.
"Tui với ổng đều ít học, mơ ước sao cho con được học tới nơi tới chốn. Mà gặp cảnh nghèo, con tật nguyền lại hay bệnh đau. Cứ tưởng ước mơ ấy chỉ là mơ ước, nhưng cả nhà cứ động viên nhau, con thì ráng học, cha mẹ thì ráng mần, đắp đổi vậy rồi cũng chờ được đến ngày Hoài đậu đại học. Mừng dữ lắm", chị Tuyết chia sẻ.
Hoài luôn tìm những niềm vui nhỏ trong cuộc sống để luôn cảm thấy vui tươi và yêu đời. Em cảm thấy biết ơn khi được cô giáo cấp 2 cho tá túc buổi trưa những ngày học cả sáng lẫn chiều. Em vẫn hay cười với chú bảo vệ trong trường ưu tiên cho em một chỗ đậu xe thuận tiện, hay những lúc được cho đi nhờ trên xe hàng rong, em sẽ kể cho cô bán hàng nghe một ngày học thú vị trên lớp. "Nếu mãi tủi thân cũng chẳng giúp em và gia đình, mà chỉ làm người thân thêm nặng lòng", Hoài chia sẻ.
Hành trình đi tìm con chữ của Hoài ngoài sự hy sinh của cha mẹ còn có cả nỗ lực không biết mệt mỏi của em. Được mẹ đưa rước 3 năm học cấp I, đến khi sang năm lớp 4, Hoài xin mẹ tự đi đến trường. Nhà cách trường chỉ hơn 1km nhưng đứa trẻ chân yếu ớt, bước đi chậm chạp đầy nhọc nhằn. Bất kể nắng mưa Hoài cũng cần mẫn đi học. Thấy vậy nhiều người vừa thương vừa tội, thế là cứ vài bữa Hoài lại được các cô đẩy hàng rong cho đi nhờ đến trường.
Hoài ít nói nhưng lẳng lặng làm những việc khiến nhiều người bất ngờ. Mùa hè năm lớp 5, em lén tập xe đạp để khi sang học cấp 2, trường xa nhà 7 km em có thể tự đến trường, khỏi nhọc công cha mẹ đưa rước. Chẳng biết đã té ngã bao lần, chỉ biết một buổi chiều muộn khi cha mẹ đi làm về đã thấy Hoài trên chiếc xe đạp trẻ con nhỏ xíu, chạy bon bon, còn người nhễ nhại mồ hôi và bùn đất.
Biết chạy xe đạp là một chuyện, chạy xe đến trường là một chuyện khác. Vì đôi chân không có sức, lại ngắn, em không thể tránh những tai nạn bất ngờ: "Em cũng không nhớ là mình đã té nhào bao nhiêu lần. Chỉ nhớ lần nặng nhất là né một chú say rượu lấn đường, em nhào đầu vô ghế đá. Sưng một cục nhưng không dám kể cho nhà biết, chỉ lén lấy dầu xức".
Bằng nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, tinh thần lạc quan của bản thân, Hoài có thành tích học tập khá tốt, nhiều năm liền là học sinh tiên tiến của lớp. Hoài trúng tuyển ngành kế toán Trường Đại học Đồng Tháp thông qua hình thức xét học bạ. Hay tin con đậu đại học, bố mẹ em rất đỗi vui mừng, rồi lo, vì nhà chẳng có tiền cho con nhập học. Bà nội Hoài dúi vào tay đứa cháu toàn bộ số tiền dưỡng già, làm cả gia đình bất ngờ lẫn cảm động.
"Tháng nào tui cũng có tiền trợ cấp người già. Nếu không bệnh thì tui dư được 200.000 đồng, còn tháng nào thuốc men nhiều thì còn hơn một trăm, ráng nhín nhút để phụ giúp con cháu. Thân già này chỉ mong hai đứa cháu được học hành tới nơi tới chồn là tui mãn nguyện lắm", bà Phan Thị Láng, bà nội Hoài, chia sẻ.
Số tiền hơn 2 triệu của bà nội Hoài chẳng thấm vào đâu với chi phí sắm sửa, học phí đầu năm học, nhưng Hoài vẫn đi nhập học. Đến khi đóng học phí, Hoài xin thiếu và đóng dần hàng tháng. Bất ngờ là nhà trường đã đồng ý, thấy vậy mẹ nhanh chóng trở về nhà để tiếp tục tìm việc làm thuê làm mướn hy vọng có được ít tiền gửi lên cho con.
"Chỉ mong bản thân đừng bệnh đau để tiếp tục làm nuôi con ăn học. Không mong con có việc làm rồi phụ giúp gì mình, chỉ mong nó tự lo được cho bản thân và tiếp tục là hy vọng để em nó noi theo", chị Tuyết cười bảo.
Xem thêm: mth.29702602262010202-agn-cug-gnohk-hnirt-hnah-gnuhn-ohc-gnourt-ned-cus-peit/nv.ertiout