Phạm Thị Kim Hằng sở hữu một cửa hàng chuyên bán đồ hữu cơ thân thiện với môi trường tại quận Tân Phú, TP.HCM. Vài tháng gần đây cửa hàng có thêm một sản phẩm mới, đó là những chiếc túi màu sắc được dệt từ sợi ni lông.
Chia sẻ về ý tưởng tạo ra sản phẩm độc đáo này, Hằng cho biết khoảng vài tháng trước, trong thời điểm nghỉ ở nhà vì dịch bệnh, chị xem tin tức và nhận thấy mọi người sử dụng các dịch vụ giao hàng nhanh khá nhiều, lượng ni lông thải ra môi trường sẽ tăng lên. Từ đó Hằng nghĩ đến câu chuyện phải làm sao để tái chế lượng ni lông này, càng nhiều nilong được tái chế, càng ít ni lông thải ra môi trường.
Trùng hợp vào thời điểm đó, các cơ sở dành cho khuyết tật mà Hằng hợp tác than rằng mùa này không có doanh thu, do các cửa hàng bán đồ lưu niệm đóng cửa vì lệnh cách ly. Từ đó, Hằng đi tìm biện pháp để giải quyết cả hai vấn đề này.
"Ban đầu mình cũng nghĩ nhiều lắm. Mình lên mạng tham khảo các ý tưởng tái chế, ví dụ như làm búp bê từ túi ni lông. Sản phẩm ấy nhìn xinh nhưng mọi người không có nhiều động lực sử dụng, sẽ không giảm được bao nhiêu ni lông cả. Vậy nên mình hướng đến sản phẩm nhiều người dùng vì như vậy mới có tác động tốt, và mình nghĩ đến túi. Túi xách thì ai cũng cần, lại dùng được nhiều hơn các món đồ trang trí".
Nói về quy trình sản xuất, cô gái 9x cho biết túi ni lông sau khi được giặt sạch, phơi khô sẽ được cắt thành từng sợi nhỏ. Ni lông sợi sau đó được cuộn thành các cuộn chỉ và đưa vào máy dệt mini, dệt như dệt vải. Từ những miếng vải ni lông, Hằng và mọi người có thể may ra nhiều món đồ như túi xách, hộp bút, áo khoác, túi đựng đồ cá nhân phòng tắm...
Riêng với dòng túi xách, thời gian sản xuất một sản phẩm sẽ mất khoảng 3 ngày kể từ thời điểm lên khung dệt. Vì công việc việc này được thực hiện thủ công và phải phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của những người thợ.
Để tăng độ bền sản phẩm và tính cứng cáp của chiếc túi, Hằng kết hợp thêm vải rèm cũ bỏ đi từ các khách sạn để may phần bên ngoài. Phần lót bên trong sẽ tận dụng các vỏ gối cũ.
Ngoài ra để tăng tính đóng góp từ cộng đồng, cửa hàng của Hằng cũng thực hiện chương trình thu ni lông đổi quà. Một cuộn ni lông sẽ đổi được một ống hút tre, hai cuộn là một bút giấy.
"Mọi người sẽ thực hiện khâu chọn ni lông, cắt tạo thành cuộn ở nhà, khi đem đến đây sẽ được đổi lấy quà. Một cuộn ni lông sẽ đổi được một ống hút tre, hai cuộn là một bút giấy. Và những chiếc túi này được may bởi những bạn trong cộng đồng người khuyết tật, để họ kiếm thêm thu nhập", Hằng nói trên Thanh Niên.
Theo tiết lộ, mỗi chiếc túi có giá dao động từ 220.000 - 375.000 đồng. Tiền bán túi được Hằng sử dụng cho các hoạt động cộng đồng như cấp học bổng và xây thư viện cho trẻ em vùng sâu, vùng xa.
Nhật Anh (tổng hợp)
Theo Trí Thức Trẻ
Xem thêm: nhc.18821855170110202-iac-k022-ut-aig-gnah-gnud-gnohk-hcax-iut-hnaht-gnol-in-neib-x9/nv.zibefac