Những chiếc ô tô lâu nay đã trở thành một phương tiện di chuyển thông dụng cho nhiều gia đình Việt. Nước ta đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ sản xuất và bán ra thị trường 1 triệu xe/năm. Tuy nhiên để đạt được con số trên không hề dễ dàng. Khi hiện nay, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô của Việt Nam hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu tiêu thụ ở trong nước, nghĩa là cứ 3 ô tô được mua, tiêu thụ thì có 1 chiếc phải nhập khẩu. Trong khi đó, chi phí để sản xuất một chiếc ô tô trong nước hiện đang ở mức cao.
Được biết, doanh nghiệp Thái Lan sản xuất và bán một nắp bình xăng của ô tô với giá 1,5 USD, trong khi doanh nghiệp của Việt Nam lại bán với giá 3,8 USD. Đây chỉ là một bộ phận rất nhỏ trong hàng nghìn linh kiện khác nhau để có thể sản xuất một chiếc ô tô.
Theo các chuyên gia, hiện nay chi phí sản xuất xe trong nước vẫn cao hơn từ 10 - 20% so với xe nhập khẩu, vì thế cạnh tranh với xe nhập ngoại là điều không đơn giản.
Đại diện một doanh nghiệp sản xuất ô tô cho biết, mỗi năm doanh nghiệp sản xuất hơn 80.000 xe ô tô cung ứng ra thị trường, thế nhưng trên 80% linh kiện vẫn phải nhập khẩu. Bởi các doanh nghiệp phụ trợ trong nước chỉ cung cấp được một vài linh kiện đơn giản và giá thành vẫn còn cao.
Hiện chi phí sản xuất xe trong nước vẫn cao hơn từ 10 - 20% so với xe nhập khẩu. (Ảnh: Dân trí)
Giá cao, khó cạnh tranh dẫn đến nhiều doanh nghiệp phụ trợ trong nước vẫn còn ngại ngần sản xuất linh kiện cho ô tô. Ngoài ra, linh kiện nội địa đắt một phần do sản lượng sản xuất và tiêu thụ tại Việt Nam vẫn còn thấp. Năm 2019, thị trường toàn quốc mới sản xuất và tiêu thụ được khoảng 400.000 xe.
Mặc dù Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ, tuy nhiên những doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ của ngành ô tô vẫn gặp khó bởi họ khó có thể chen chân vào chuỗi cung ứng đã được định hình từ trước bởi các doanh nghiệp lâu năm và có kinh nghiệm trong ngành.
"Rất khó có thể chen chân vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất ô tô. Vì vậy họ không mặn mà để đầu tư vào sản xuất linh kiện, phụ tùng", ông Ninh Hữu Chấn, Tổng Thư ký các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, nhận định.
Hiện tỷ lệ nội địa hóa của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô mới chỉ đạt khoảng 15%.
Nhiều chính sách ưu đãi để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô
Như vậy, để phát triển được ngành công nghiệp sản xuất ô tô, sản xuất được nhiều xe, tiêu thụ tốt, giá thành cạnh tranh, các doanh nghiệp cần phải chủ động để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, giảm giá thành linh kiện và đi cùng doanh nghiệp sẽ là những chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Để tiết giảm chi phí sản xuất nắp bình xăng ô tô, Hiệp hội sản xuất ô tô Việt Nam đã phối hợp với một doanh nghiệp, thuê các chuyên gia nước ngoài hỗ trợ, tiết giảm tối đa các chi phí. Sau đó, chi phí sản xuất ra sản phẩm này đã giảm từ 3,8 USD xuống chỉ còn 2,5 USD.
"Có thể giảm từ 3,8 USD xuống 2,5 USD, nhưng vẫn còn khoảng cách là hơn 1 USD cho linh kiện này. Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa nội địa hóa được", ông Nguyễn Trung Hiế, Trưởng ban chính sách, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, cho biết.
Nhiều ý kiến cho rằng để tăng sản lượng tiêu thụ ô tô, giúp ngành công nghiệp phụ trợ có thể phát triển, rất cần giảm thuế tiêu thụ đặc biệt. (Ảnh: Dân trí)
Để hỗ trợ doanh nghiệp, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 57 sửa đổi bổ sung Nghị định 122 quy định áp dụng mức thuế suất nhập khẩu 0% cho nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để gia công, lắp ráp, sản xuất ô tô cho giai đoạn 2020 - 2024.
Trước đó, nghị định 22 về áp dụng mức thuế suất 0% nhập khẩu cho linh kiện cũng đã giúp các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô của Việt Nam tiết kiệm được 9.500 tỷ đồng, vì được hoàn thuế.
Ngoài ưu đãi về thuế nhập khẩu, nhiều ý kiến cho rằng để tăng sản lượng tiêu thụ ô tô, giúp ngành công nghiệp phụ trợ có thể phát triển, rất cần giảm thuế tiêu thụ đặc biệt.
Cùng một loại xe, nhưng hiện giá bán một chiếc xe ô tô sản xuất trong nước đang cao hơn từ 10 - 20% so với xe nhập khẩu. Các chuyên gia dự báo, nếu thực hiện được hết những ưu đãi về thuế sẽ giúp giá thành ô tô trong nước giảm thêm và ngang bằng với ô tô nhập khẩu, từ đó sức cạnh tranh sẽ được nâng lên.
VTV.vn - Giảm khí thải, thân thiện với môi trường là những ưu điểm của xe điện - phương tiện giao thông của tương lai. Nhiều tập đoàn ô tô lớn đã đầu tư mạnh cho ngành này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.32940401190110202-ot-o-hnagn-ort-oh-peihgn-gnoc-neirt-tahp-gnort-nahk-ohk-ueihn/et-hnik/nv.vtv