Anh Nguyễn Quang Diệu làm lụng ngoài đồng - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Mấy năm gần đây, công việc vác phân bò mướn trở thành việc mang lại thu nhập chính cho ba miệng ăn trong gia đình anh Diệu kể từ khi vợ anh bỏ nhà ra đi, để lại hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học cho anh gồng gánh. Và gánh nặng cơm áo gạo tiền lại nặng trĩu hơn bao giờ hết.
Chật vật với chén cơm, manh áo
Con đường dẫn vào nhà anh Nguyễn Quang Diệu chỉ đủ một chiếc xe hai bánh chạy. Đang mùa mưa nên cỏ cây mọc um tùm, trơn trượt. Kể từ ngày hai vợ chồng anh Diệu giận
nhau, vợ chuyển đi nơi khác sinh sống, anh Diệu bận rộn với việc kiếm tiền và nuôi hai đứa con gái ăn học nên cũng không màng đến việc phát quang lối vào nhà. Cứ thế, dây leo lũ lượt bò ra chắn cả lối đi.
Căn nhà do ba mẹ để lại nằm giữa một cánh đồng thuộc xã An Hiệp, huyện Ba Tri là nơi ở của ba cha con anh Diệu. Tuy mới 46 tuổi nhưng anh Diệu trông như quá ngũ tuần. Gương mặt anh hằn nét khắc khổ, da đen nhẻm.
"Hầu như ngày nào tui cũng ở ngoài đồng. Nếu không làm công việc đồng áng thì cũng cắt cỏ. Nếu bữa nào thời tiết thuận lợi thì đi vác phân bò mướn kiếm thêm thu nhập" - anh Diệu nói.
Trước đây, gia đình anh Diệu có một công ruộng để trồng lúa. Năm nào thời tiết thuận lợi sạ được 3 vụ thì lãi được khoảng 2 triệu đồng. Cộng thêm mấy công ruộng thuê của người khác để làm, gia đình 4 người tuy chật vật nhưng cuộc sống vẫn đủ đầy.
"Nhưng mấy năm nay nước mặn liên tục xâm nhập nên sạ vụ nào cũng thất. Năm rồi, hai vợ chồng hục hặc nên không còn sống với nhau nữa. Để có tiền lo cho hai con tiếp tục đi học, tui làm liều mướn thêm mấy công nữa để làm lúa nhưng đợt hạn mặn khốc liệt mùa khô năm 2020 khiến tui trắng tay. Vốn liếng tích cóp mấy năm cũng hết, giờ chuyển qua làm thuê làm mướn kiếm sống qua ngày" - anh Diệu vừa nói vừa nhìn hai cô con gái Nguyễn Thị Bảo Châu và Nguyễn Thị Thu Thảo.
Bảo Châu năm nay học lớp 12, lẽ thường phải học thêm rất nhiều nhưng em không dám đăng ký học nhiều môn học vì không đủ tiền nên chỉ học thêm một vài môn chính. Còn Thu Thảo đang học lớp 8, mỗi lần đóng tiền học là anh Diệu lại thiếu trước hụt sau bởi trong nhà không có nguồn thu nào thêm.
Phải chi có thêm đàn gà, con heo để xoay vốn
Dù trời đang mưa khá nặng hạt nhưng anh Diệu vẫn men theo bờ ruộng đi ra vạt cỏ phía sau nhà để cắt cỏ cho mấy con bò của mình.
"Có lẽ chuồng bò là nơi có giá trị nhất đối với gia đình. Mấy con bò có giá trị hơn chục triệu đồng, nhưng nó giống như của để dành vậy đó. Sang năm Bảo Châu có đi học đại học thì còn có để mà xoay xở" - anh Diệu hé nụ cười lóe lên tia hi vọng.
Để có tiền trang trải hằng ngày và lo cho hai con đi học, anh Diệu xin một suất đi theo các xe tải để vác phân bò từ các hộ nuôi bò lên xe, mỗi ngày kiếm được khoảng 100.000 đồng. Tuy không nhiều nhưng có lẽ đây là công việc có thu nhập nhanh nhất giúp anh cùng hai con vượt qua giai đoạn này.
Những ngày mưa dài lê thê do ảnh hưởng của các đợt bão số 9, việc bốc vác phân bò cũng bị ảnh hưởng, không ai thuê, anh Diệu lại đi theo các chủ máy cày để xin một công việc gì tạm thời dù thu nhập rất ít ỏi.
Cuộc sống khó khăn nhưng với anh Diệu, việc học của con là quan trọng nhất. Dù con gái chưa một lần dám nói ra nhưng khi biết được ý định con tính nghỉ học để phụ giúp cha kiếm tiền, anh liền gạt phắt đi rồi lầm lì không nói mấy ngày liền khiến cô con gái cũng từ bỏ ý định.
Mâm cơm dọn vội trong một góc nhà chỉ có mấy con cá kho, đĩa rau luộc. Ba cha con quây quần cười nói xúm xít rồi kể về công việc, việc học một ngày qua.
"Mai mốt có thêm đồng vốn, cha dự định sẽ nuôi gà hoặc nuôi heo để có thời gian ở nhà nhiều hơn với mấy con. Chứ giờ đi làm thuê làm mướn vậy vừa không có thời gian theo dõi chăm sóc thêm các con mà thu nhập cũng bấp bênh" - anh Diệu vừa dứt lời thì hai đứa con gái cũng gật đầu lia lịa.
Em Bảo Châu cho biết do công việc đi vác phân mướn của cha cũng thất thường nên nhiều khi đi học về trưa nhưng nhà chưa có cơm nước gì em cũng phải nấu. Dù việc bếp núc không nặng nhọc, đặc biệt là với con gái, nhưng thời gian về nhà nghỉ giữa hai buổi học không nhiều nên cũng bị ảnh hưởng.
Ông Lê Văn Chiến - chủ tịch UBND xã An Hiệp - cho biết gia đình anh Diệu là một trong những hộ nghèo của xã An Hiệp. Do sinh kế không bền vững, cuộc sống bấp bênh nên anh phải bươn chải đủ nghề để kiếm sống.
"Qua nắm sơ bộ, chính quyền địa phương được biết anh Diệu là người chịu thương chịu khó nhưng do không có vốn để làm ăn. Nếu có được nguồn vốn thì tôi tin chắc rằng anh Diệu sẽ phát triển tốt để gầy dựng kinh tế. Chúng tôi cũng sẽ giám sát việc sử dụng vốn đối với những hộ được vay vốn để mang lại hiệu quả cao hơn" - ông Chiến nói.
Trao 400 triệu đồng cho 20 hộ dân Bến Tre
Hôm nay 10-11, tại hội trường khối mặt trận các đoàn thể tỉnh Bến Tre, báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần GreenFeed Việt Nam (gọi tắt là GreenFeed) phối hợp cùng Hội Nông dân tỉnh và Tỉnh đoàn Bến Tre tổ chức lễ trao vốn chương trình "Tiếp sức nhà nông" cho 20 hộ nông dân tỉnh Bến Tre.
Chương trình sẽ hỗ trợ vốn vay không lãi suất trong thời gian 2 năm với tổng kinh phí 460 triệu đồng (bao gồm 400 triệu đồng tiền mặt, phiếu thức ăn chăn nuôi trị giá 60 triệu đồng) cho 20 hộ nông dân của huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Đây là những hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn, chí thú làm ăn, có con em vượt khó học giỏi. Ngoài ra, chương trình cũng tuyên dương và trao phần thưởng cho 20 em học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi là con của các hộ nông dân tham gia chương trình với tổng giá trị 20 triệu đồng.
Chương trình "Tiếp sức nhà nông" 2020 ngoài việc trao vốn cho 20 hộ dân ở tỉnh Bến Tre, còn tiếp tục thực hiện tại các tỉnh Bình Định, Hưng Yên và Hải Dương. Sau hơn 10 năm thực hiện, chương trình đã trao 3.124 phần thưởng với trị giá gần 3,8 tỉ đồng cho con em các hộ nông dân tham gia chương trình.
Kéo dài trong hơn chục năm qua, chương trình "Tiếp sức nhà nông" đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ trong dư luận xã hội, thu hút sự đóng góp nhiệt tình từ các nhà đầu tư, đối tác, khách hàng và cả nhân viên GreenFeed. Với sự chung sức đồng lòng của các cơ quan chức năng, đoàn thể, ban tổ chức tin tưởng vào sự thành công của chương trình, để luôn được đồng hành, sát cánh cùng người nông dân và tiếp sức cho con em nhà nông có một tương lai tươi sáng hơn.
TTO - Trong khó khăn, một khoản vốn làm ăn đã đến với vợ chồng nông dân Nguyễn Văn Lơ Me (36 tuổi, ngụ ấp 4, xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long).
Xem thêm: mth.93520429090110202-oehgn-taoht-ed-nov-oc-gnom-noc-ioun-gnort-ag/nv.ertiout