Cử tri thành phố Yangon xếp hàng, thực hiện vệ sinh phòng dịch trước khi đi bầu tại điểm bỏ phiếu bên trong một ngôi chùa ngày 8-11 - Ảnh: REUTERS
Sau cuộc tổng tuyển cử ngày 8-11, sẽ chỉ có một trong 90 đảng phái được xướng tên như người chiến thắng với số phiếu bầu nhiều nhất. Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo chắc chắn sẽ là đảng đó, nhưng không đồng nghĩa NLD sẽ giữ được thế siêu đa số để thành lập chính phủ riêng như hồi năm 2015.
5 năm căng thẳng
Chiến thắng của NLD cách đây 5 năm được coi là chiến thắng của nhân dân vì đã đánh bại Đảng Đoàn kết và phát triển của các cựu tướng lĩnh - đảng mà rất nhiều trong 55 triệu người của đất nước này không có thiện cảm. Đến nay, với họ, xu hướng này vẫn không thay đổi.
Sự "ăn miếng trả miếng" giữa quân đội và chính phủ, điều rất hiếm và rất bất thường nếu xảy ra ở quốc gia khác, lại là điều bình thường trong suốt 5 năm qua ở Myanmar. Ngay trước thềm bầu cử, căng thẳng giữa hai bên đã lên cao có lúc tưởng chừng sẽ có đảo chính nếu NLD tiếp tục chiến thắng.
Cứ mỗi khi Văn phòng Tổng thống ra tuyên bố gì, văn phòng Tổng tư lệnh lại ra thông cáo phản bác và cảnh báo sẽ bãi nhiệm tổng thống vì làm trái hiến pháp. Tại thủ đô Naypyitaw, ai đó đã ném hai quả lựu đạn vào nhà một quan chức của Ủy ban Bầu cử quốc gia sau khi cơ quan này từ chối hoãn bầu cử từ các đảng đối lập.
Nhưng các tranh cãi giữa hai bên không phải là luận điểm chính mà tôi muốn nhắc tới. Ở đây, tôi muốn đề cập đến chuyện gì sẽ xảy ra sau cuộc bầu cử lần này. Mặc dù NLD đã tạo nên lịch sử, chấm dứt hàng chục năm đất nước được điều hành bởi các đảng phái được quân đội hậu thuẫn, hai vấn đề cấp bách nhất là giải quyết các cuộc xung đột sắc tộc và sửa đổi hiến pháp vẫn chưa được giải quyết.
Sự trì trệ đó khiến chính phủ NLD được coi là không đủ năng lực về mặt chính trị. Ở bên ngoài, nhiều nước tỏ ra không hài lòng với cuộc khủng hoảng di cư của người Rohingya thiểu số - hệ quả của các cuộc xung đột vũ trang và chỉ trích Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi.
Thực ra, việc giải quyết những vấn đề này hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chính trị, điển hình như việc sửa đổi hiến pháp năm 2008 - đã trao cho quân đội 25% số ghế trong quốc hội.
Chưa thể giảm quyền lực quân đội
Dù NLD đã rất nỗ lực nhưng việc hướng tới giảm quyền lực của quân đội vẫn chưa thành công, gần đây nhất là vào tháng 3 năm nay. Tất cả các đại diện quân đội được chỉ định bởi người đứng đầu quân đội nói "không" với đề xuất giảm dần tỉ lệ ghế của quân đội từ 25% xuống 15% sau cuộc bầu cử năm 2020, 10% sau năm 2025 và 5% sau năm 2030.
Các cuộc xung đột sắc tộc, chủ yếu diễn ra giữa quân đội và các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số trong 7 thập kỷ qua ở Myanmar, phức tạp không gì sánh được. Xung đột đó đã khiến cho quân đội, ít nhất là trên góc độ bên có liên quan, tiếp tục "có giá trị" để tiếp tục ở lại chính trường.
Quan điểm của quân đội cũng đã rõ, là họ sẽ không rời khỏi chính trường khi các nhóm vũ trang dân tộc còn tồn tạiHiến pháp năm 2008 cũng cho phép họ ở lại chính trường, giữ 56/224 ghế tại thượng viện và 110/440 ghế tại hạ viện.
Không có gì đảm bảo rằng bên chiến thắng, cho dù đó là NLD hay bất kỳ đảng nào khác, sau cuộc bầu cử lần này, sẽ có thể giải quyết hai vấn đề chính trị chính này trong 5 năm tới. Vì vậy, tôi nghĩ rằng người chiến thắng sẽ thực sự cần một cách tiếp cận mới, phù hợp với các bên liên quan nhưng chủ yếu là quân đội. Nếu không có sự tham gia của quân đội, các vấn đề chính trị chính mà Myanmar phải đối mặt cũng sẽ không được giải quyết trong 5 năm tới.
Sau khi giành chiến thắng năm 2015, bà Aung San Suu Kyi đã tuyên bố kể cả khi giành chiến thắng 100% vẫn sẽ ưu tiên thành lập một chính phủ hòa giải dân tộc và đã làm được một số việc như giữ lại các bộ trưởng trong chính quyền cũ. Tổng cộng đã có 4 Hội nghị hòa bình Panglong thế kỷ 21 được tổ chức với sự tham gia của nhiều nhóm vũ trang dân tộc thiểu số, 10 nhóm trong số này đã chấp nhận ký thỏa thuận ngừng bắn.
Nếu các đảng phái chính trị đều mong muốn hòa giải và tôn trọng ý nguyện của nhân dân được thể hiện qua lá phiếu dành cho mình, tôi tin sẽ chỉ có duy nhất một người thắng là đất nước Myanmar.
TTO - Sự trì trệ của các dự án trong 'Vành đai - Con đường' ở Myanmar đang khiến Bắc Kinh lo lắng. Bởi Myanmar là cửa ngõ tiến ra Ấn Độ Dương và phá vỡ sự lệ thuộc vào eo Malacca vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro bị phong tỏa.
Xem thêm: mth.8471118090110202-couc-gnaht-iougn-al-iahp-coun-tad-ramnaym-o-uc-neyut-gnot/nv.ertiout