Thừa tiền mặt, mỗi ngày Vinamilk nhận 3 tỷ đồng lãi vay
Phản ứng với những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, trong khi các ngành du lịch, hàng không, bất động sản, dịch vụ... làm ăn bết bát; ngân hàng lo ngại ôm nợ xấu chuẩn bị phát nổ, thì nhóm hàng hóa tiêu thụ nhanh (FCMG) chịu mức ảnh hưởng tương đối thấp, nhất là ngành sữa.
Quý 3/2020, công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đạt doanh thu hợp nhất 15.561 tỷ đồng và 3.106 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 9% và 16% so với cùng kỳ năm 2019.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp (DN) ghi nhận 45.277 tỷ đồng doanh thu và 8.967 tỷ đồng lợi nhuận ròng. Trung bình mỗi tháng, “ông lớn” sữa nội bán được hơn 5.000 tỷ đồng và “đút túi” khoản lãi gần 1.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng đạt 7% về cả doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước.
Đối chiếu với kế hoạch dự kiến năm 2020 là 59.600 tỷ đồng doanh thu và 10.690 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, sau 9 tháng đầu năm, Vinamilk đã hoàn thành 76% kế hoạch doanh thu và 84% kế hoạch lợi nhuận sau thuế của cả năm.
Theo lý giải của DN, đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ hai vào cuối tháng 7/2020 đã có tác động đến hoạt động bán hàng song tình hình đã được cải thiện trong tháng 9/2020. Nguyên nhân là do chiến lược tiếp thị phù hợp và ra mắt sản phẩm mới như sữa tươi và sữa bột trẻ em có chứa tổ yến trong quý 3/2020.
Trong báo cáo cập nhật ngành sữa, bộ phận phân tích và tư vấn đầu tư của công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) đánh giá, Vinamilk tăng trưởng còn do giành thêm thị phần trong giai đoạn dịch bệnh từ đầu năm, thông qua việc thâu tóm GTNFoods (DN nắm quyền chi phối Sữa Mộc Châu – Mộc Châu milk).
Đáng lưu ý, Vinamilk hiện là một trong những công ty đại chúng có lượng tiền mặt lớn nhất trên thị trường. Tại thời điểm ngày 30/9, tổng tài sản của Vinamilk đạt gần 50.400 tỷ đồng, tăng thêm gần 5.700 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó, DN hiện có 17.872 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn tại ngân hàng. So với thời điểm kết thúc quý II, lượng tiền gửi của Vinamilk tăng thêm 1.200 tỷ sau 3 tháng. Còn so với cuối năm 2019, tiền gửi của Vinamilk tăng hơn 5.200 tỷ.
Lượng tiền mặt dồi dào nói trên đã giúp DN ghi có 869 tỷ đồng lãi tiền gửi sau 9 tháng. Bình quân mỗi ngày, DN này nhận khoảng 3,2 tỷ đồng tiền lãi gửi ngân hàng.
Sân chơi ngành sữa có trật tự mới
Thời gian qua, thị phần ngành sữa Việt Nam đã có sự thay đổi cấu trúc sau khi Vinamilk mua lại Mộc Châu Milk, công ty CP Blue Point và công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) mua lại công ty CP Sữa Quốc tế - IDP (với sản phẩm Sữa Ba Vì, Kun, Love’in Farm)… Tiếp sau những thương vụ thâu tóm thành công đó, DN sữa nội đều ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan.
Cụ thể, Mộc Châu Milk ghi nhận doanh thu thuần 775 tỷ đồng trong quý 3/2020, chỉ tăng 14% so với cùng kỳ 2019 nhưng lợi nhuận gộp tăng 100%, đạt 268 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, Mộc Châu Milk lãi ròng 209 tỷ, cao hơn cùng kỳ năm trước 69%, vượt 33% kế hoạch năm.
Từng thua lỗ rất lớn trong giai đoạn 2016-2018, Sữa Quốc tế (IDP) bất ngờ lột xác khi liên tiếp có lãi từ 2019 đến nay. Báo cáo quý 3/2020 cho thấy biên lợi nhuận gộp lên đến 41,7%, xấp xỉ biên lợi nhuận gộp của Vinamilk dù quy mô nhỏ hơn nhiều.
Lợi nhuận sau thuế quý 3/2020 của DN tăng gấp 4,2 lần cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 159 tỷ đồng và lũy kế 9 tháng gấp 3,3 lần, đạt hơn 309 tỷ đồng. Tuy nhiên do yếu tố quá khứ, lỗ lũy kế của IDP vẫn còn ghi nhận gần 270 tỷ đồng.
Sau nhiều năm èo uột, Hanoimilk (chủ thương hiệu sữa IZZI) cũng có lãi trở lại trong quý I3 năm nay với con số khiêm tốn 847 triệu đồng, gấp 3,8 lần cùng kỳ năm trước. Doanh thu thuần tăng 90% đạt 58 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp ở mức 26,8%.
Tính lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần tăng 23% lên mức 150 tỷ đồng. Tuy nhiên, DN vẫn còn lỗ 5,2 tỷ đồng và kéo lỗ lũy kế lên 28 tỷ đồng tại cuối tháng 9/2020.
Một đối trọng lớn của Vinamilk là TH True Milk tuy không công bố kết quả kinh doanh song cũng đã rót gần 100 triệu USD vào các dự án chăn thả tự nhiên nhằm hướng đến thị trường nước ngoài sau khi được Trung Quốc cấp phép xuất khẩu sữa vào thị trường này.
Nhận định về triển vọng ngành sữa, các chuyên gia từ SSI Research cho rằng các sản phẩm sữa trong nước ít chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 so với các mặt hàng FMCG khác. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ sữa từ người tiêu dùng thu nhập thấp vẫn có thể bị ảnh hưởng và sữa nội còn đang phải chịu một sức ép từ hiệp định EVFTA.
Theo đó, mặc dù các thương hiệu trong nước đang thống lĩnh thị trường, SSI Research dự báo cạnh tranh từ các thương hiệu nước ngoài vẫn hiện hữu do hiệp định thương mại tự do EVFTA sẽ loại bỏ các mức thuế đối với các sản phẩm sữa châu Âu trong các năm tới.
Nữ tướng ngành sữa Mai Kiều Liên giàu cỡ nào?
Với 40 năm gắn bó với Vinamilk, doanh nhân Mai Kiều Liên đã đưa nhà máy sữa Trường Thọ, công ty Sữa – Cà phê Miền Nam (tiền thân của Vinamilk) trở nên lớn mạnh như bây giờ.
Hiện bà Mai Kiều Liên giữ chức Thành viên HĐQT & Tổng Giám đốc công ty CP Sữa Việt Nam, Chủ tịch HĐQT công ty CP GTNfoods, Chủ tịch HĐQT tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam – CTCP.
Bà Liên đang sở hữu hơn 5,3 triệu cổ phiếu VNM của Vinamilk với giá trị tài sản tương ứng là 580 tỷ đồng, xếp hạng 106 trong số 200 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Doanh nhân Mai Kiều Liên cũng nằm trong top 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á do tạp chí kinh doanh Forbes bình chọn.
H.Y (t/h)