Các nhân viên hành chính buộc người giàu nhất Trung Quốc phải ngồi đợi trong khi họ chuẩn bị cuộc họp sẽ làm chấn động cả thế giới tài chính.
Đó là sáng thứ Hai tại Bắc Kinh, và tỷ phú Jack Ma bị triệu tập đến một cuộc họp tại Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc CSRC chỉ vài ngày trước khi ông chuẩn bị đưa tập đoàn Ant Group trở thành thương vụ niêm yết cổ phiếu lớn nhất trong lịch sử thế giới.
Khi các nhân viên công chức bước vào phòng họp, họ bỏ qua các câu nói bông đùa thường thấy và đưa ra một thông điệp sắc lạnh: những ngày chính phủ lỏng tay cương đối với Ant và các yêu cầu vốn tối thiểu đã qua rồi. Cuộc họp kết thúc mà không hề thảo luận nào về số phận cuộc IPO nhưng nó là dấu hiệu cho thấy mọi thứ đã không còn như kế hoạch.
Không lâu sau cuộc họp, cả hai sàn chứng khoán Thượng Hải và Hồng Kông đều ra thông báo cho biết, việc IPO của Ant Group tại các sàn giao dịch này đã bị hủy bỏ.
Chưa đến một giờ sau thông báo hủy IPO đó, các tuyên bố chính thức từ chính phủ Trung Quốc đã xuất hiện, với một "thay đổi đáng kể" về môi trường quản lý. Trong cuộc họp vội vàng sau đó với các ngân hàng bảo lãnh thương vụ IPO này, các quan chức CSRC cho biết, công ty cần có thêm vốn và các giấy phép mới để tuân thủ một loạt các quy định mới dành cho các tập đoàn tài chính. Cuộc họp cũng không đề cập đến thời điểm cuộc IPO này được khởi động lại.
Tại sao Trung Quốc muốn ngăn thương vụ IPO của Ant Group?
Việc đột ngột dừng thương vụ IPO trị giá đến 35 tỷ USD đã đẩy người khổng lồ tài chính của tỷ phú Ma vào tình trạng hỗn loạn. Nhưng điều này lại càng làm mọi người hướng đến một câu hỏi khác: Tại sao chính phủ Trung Quốc lại ngăn cản đợt IPO của Ant vào phút chót, sau nhiều tháng chuẩn bị tỉ mỉ của công ty? Và tương lai nào đang chờ đợi một trong những công ty quan trọng nhất quốc gia này trong thời gian tới?
Cơ cấu doanh thu của Ant Group, đa phần là các hoạt động tài chính dựa trên nền tảng công nghệ
Một mặt tuyên bố của CSRC cho biết, việc ngăn vụ niêm yết "vội vàng" của Ant trong bối cảnh môi trường quản lý tài chính đang thay đổi ở Trung Quốc là một động thái có trách nhiệm đối với thị trường và các nhà đầu tư. Nhưng mặt khác, một số nhà quan sát Trung Quốc lại có một giả thuyết khác cho rằng, hành động này như một thông điệp gửi đến cho tỷ phú giàu nhất Trung Quốc, Jack Ma.
Vào cuối tháng 10 vừa qua, trong một Hội nghị tại Thượng Hải, ông Ma đã công khai chỉ trích các quy định tài chính của Trung Quốc đang hạn chế sự sáng tạo. Lời bình luận của ông Ma được cho đã đến tai Phó Chủ tịch Trung Quốc, ông Vương Kỳ Sơn – người luôn kêu gọi phải có sự cân bằng giữa sáng tạo và hoạt động quản lý chặt chẽ để ngăn chặn các rủi ro tài chính.
Andrew Batson, giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại hãng nghiên cứu Gavekal Research, cho rằng: "Nó cho thấy rằng, dù vô tình hay cố ý, ông Ma đang công khai thách thức và chỉ trích cách tiếp cận của chính phủ Trung Quốc đối với việc quản lý ngành tài chính."
Cuối tuần trước khi ông Ma bị triệu tập đến Bắc Kinh, Ủy ban Phát triển và Ổn định Tài chính do Phó Thủ tướng Lưu Hạc đứng đầu đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải quản lý chặt chẽ các hãng fintech.
Bên cạnh cuộc họp với CSRC và động thái ngăn vụ IPO của Ant Group, một dấu hiệu khác cho thấy các cơ quan quản lý đang tiếp tục gây áp lực lên công ty con của Alibaba này là việc các nhà quản lý dự định không khuyến khích ngân hàng sử dụng các nền tảng cho vay trực tuyến của hãng fintech này. Đây sẽ là đòn đánh thẳng vào mô hình cho vay hưởng chiết khấu của Ant Group, vốn mang lại 4,4 tỷ USD doanh thu trong 6 tháng đầu năm nay.
Tác động nặng nề từ việc dừng IPO Ant Group
Cho đến nay, việc dừng IPO Ant Group đang gây ra các tác động tài chính nặng nề. Cổ phiếu của Alibaba Group Holding, công ty sở hữu 1/3 cổ phần của Ant Group, đã sụt giảm đến 8% trong ngày giao dịch thứ Ba tuần trước – mức sụt giảm nặng nề nhất trong 5 năm qua. Tài sản của tỷ phú Jack Ma cũng mất 3 tỷ USD xuống chỉ còn 58 tỷ USD, khiến ông cũng mất luôn ngôi vị người giàu nhất Trung Quốc vào tay Pony Ma, ông chủ tập đoàn Tencent Holdings.
Vụ việc này cũng gây ra hiệu ứng tương tự ở Hong Kong, một trong các trung tâm tài chính hàng đầu của Trung Quốc cũng như trong khu vực. Ước tính có gần 1/5 dân số khu vực này đã đăng ký mua cổ phiếu Ant Group – thậm chí nhiều người còn vay tiền để mua cổ phiếu công ty – giờ đây thay vì kiếm lời do giá lên sau khi IPO, họ đang mắc kẹt với việc trả lãi cho khoản đầu tư của mình.
Các chỉ số chứng khoán Hong Kong sụt giảm mạnh sau khi Ant Group bị dừng IPO
Tuy nhiên đối với Ant Group, việc dừng IPO chưa hẳn là một cứ đánh chết người đối với họ. Đến tháng Sáu vừa qua, công ty vẫn còn hơn 10 tỷ USD tiền mặt (71 tỷ Nhân dân tệ) và là một trong các tổ chức tài chính quan trọng nhất của Trung Quốc.
Tuy vậy, Ant Group có thể phải đối mặt với việc tốc độ tăng trưởng và mức định giá sụt giảm trong tương lai. Ngoài ra, các cơ quan quản lý có thể sẽ buộc công ty phải hoạt động giống như một tổ chức cho vay truyền thống, thay vì một fintech như hiện nay. Điều đó cũng có nghĩa tỷ lệ thu nhập trên mỗi cổ phiếu sẽ giảm đi khi IPO.
Một rủi ro khác đối với Ant Group là việc ngân hàng trung ương Trung Quốc ra mắt đồng tiền kỹ thuật số, khi nó có thể đe dọa đến sự thống trị của Ant trên thị trường thanh toán trực tuyến hiện nay. Xa hơn nữa, động thái này cũng có thể tác động đến các mảng kinh doanh khác của công ty. Ví dụ, nền tảng tín dụng của Ant, vốn đang sử dụng lượng dữ liệu thanh toán khổng lồ của họ để đánh giá sức mạnh tài chính người vay khi họ thường thiếu lịch sử tín dụng chính thức.
Tất cả những điều này đều là tin xấu cho những cổ đông từng định giá Ant Group lên đến 315 tỷ USD – còn cao hơn cả giá trị của JPMorgan Chase. Nhưng điều này lại phù hợp với lo ngại của các nhà quản lý Trung Quốc khi công ty của ông Ma đang tăng trưởng quá nhanh và quá lớn. Có lẽ nếu ông Ma không lỡ miệng, mọi việc sẽ diễn biến theo chiều hướng tốt hơn.
Nguyễn Hải
Pháp luật & bạn đọc
Xem thêm: nhc.34980443190110202-ial-ed-en-gnan-auq-uah-av-opi-gnud-ib-puorg-tna/nv.zibefac