Áp lực trả nợ chờ đợi CII do liên tiếp phát hành trái phiếu
Hoàng Thắng
(TBKTSG Online) - Báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (CII) cho thấy tình hình kinh doanh của doanh nghiệp không mấy lạc quan. Những đợt phát hành trái phiếu liên tiếp khiến dư nợ vay tài chính và nghĩa vụ trả nợ của CII lớn dần theo thời gian.
Trạm thu phí xa lộ Hà Nội, một trong những công trình do CII làm chủ đầu tư. Ảnh: CII |
Lợi nhuận sau thuế sụt giảm gần 83%
Theo Báo cáo Tài chính quí 3 của CII, doanh thu thuần của doanh nghiệp này tăng 4,1 lần so với cùng kỳ năm 2019, đạt 1.821 tỉ đồng nhưng giá vốn hàng bán tăng tới 4,8 lần, vì vậy biên lợi nhuận gộp quí 3-2020 chỉ đạt 19% - tương ứng 337 tỉ đồng. Trước đó, CII đã ghi nhận mức biên lợi nhuận gộp lên tới 31% trong cùng kỳ năm 2019.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của CII giảm 63%, xuống mức 289,1 tỉ đồng. Còn lợi nhuận khác giảm tới 95%, xuống mức 4 tỉ đồng. Ngược lại, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của CII lao dốc – giảm 79,5% so với cùng kỳ năm 2019, xuống mức hơn 110,1 tỉ đồng.
Trừ các khoản thuế phải nộp, lợi nhuận sau thuế của CII là hơn 81,2 tỉ đồng, tức giảm gần 83% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII, lợi nhuận quí 3-2020 của doanh nghiệp giảm sút mạnh do không phát sinh các khoản lãi từ chuyển nhượng và thanh lý công ty con với giá trị lớn như cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, doanh thu thu hoạt động tài chính cũng giảm mạnh so với cùng kỳ.
Doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 59% tổng doanh thu chín tháng đầu năm 2020 của CII – tương ứng 1,764 tỉ đồng. Nhưng đáng chú ý là doanh nghiệp không ghi nhận doanh thu xây dựng theo hợp đồng BT, trong khi cùng kỳ đạt hơn 111 tỉ đồng. |
Luỹ kế chín tháng của năm 2020, CII ghi nhận doanh thu thuần ở mức 1.472 tỉ đồng, tăng hơn hai lần so với cùng kỳ năm 2019. Còn lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp là 285 tỉ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của CII âm (-) 1.485 tỉ đồng tính tới 30-9-2020. Nguyên nhân chính là tiền lãi vay đã trả âm gần 1.168 tỉ đồng, tăng hơn 500 tỉ đồng so với cùng giai đoạn năm 2019.
Dòng tiền đầu tư của doanh nghiệp âm 766,7 tỉ đồng, giảm gần 700 tỉ đồng so với cùng giai đoạn năm 2019.
Để bù đắp cho dòng tiền hoạt động kinh doanh chính và hoạt động đầu tư bị âm, CII đã huy động dòng tiền tài chính với mức 2.157,4 tỉ đồng, tăng 2,8 lần so với cùng giai đoạn năm 2019. Đáng chú ý, giá trị tiền thu từ đi vay của doanh nghiệp đạt gần 8.706 tỉ đồng, tăng 73% so với cùng giai đoạn năm 2019. Nhưng giá trị tiền tiền trả nợ gốc vay cũng đạt mức hơn 6.300 tỉ đồng, tăng 47,6%.
Nghĩa vụ trả nợ lớn dần theo "cuộc chơi" trái phiếu
CII đã liên tục phát hành trái phiếu để huy động vốn từ đầu năm 2020 với giá trị phát hành lên tới 6.063,7 tỉ đồng tính tới 30-9-2020, tăng 171% so với thời điểm đầu năm 2020.
Việc này khiến nợ phải trả của CII tăng 7% so với đầu năm, đạt mức hơn 22.080 tỉ đồng. Dư nợ vay ngắn hạn của doanh nghiệp đạt gần 9.242 tỉ đồng, giảm 20% và dư nợ vay dài hạn đạt hơn 12.838 tỉ đồng, tăng 42% do doanh nghiệp tăng phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư và cổ đông hiện hữu với giá trị 4.099 tỉ đồng.
Số dư nợ trái phiếu có kỳ hạn phải trả trong vòng hai năm tới là 2.229,63 tỉ đồng, gồm: 627,38 tỉ đồng phải trả trong vòng một năm, 1.602,25 tỉ đồng phải trả trong năm thứ hai, tương ứng 40% tổng dư nợ trái phiếu phải trả trong vòng năm năm tới. Việc phải đáo hạn nhiều khoản nợ vay, thanh toán lãi của các khoản vay sẽ gây áp lực tới dòng tiền của doanh nghiệp.
Tổng nguồn vốn của CII đạt hơn 30.570 tỉ đồng tính tới 30-9-2020. Trong đó, tổng nợ vay và thuê tài chính lên tới hơn 16.100 tỉ đồng, gồm 3.550 tỉ đồng vay nợ ngắn hạn và 12.564 tỉ vay dài hạn.
Về tài sản, các khoản phải thu của doanh nghiệp có giá trị rất lớn. Khoản phải thu ngắn hạn đạt 4.430 tỉ đồng, tăng gần 900 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm. Còn khoản phải thu dài hạn đạt gần 3.988 tỉ đồng, tăng hơn 1.000 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm.
Theo đó, việc tham gia đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng và BOT đã kéo theo các khoản phải thu dài hạn lớn. Doanh nghiệp hiện tham gia năm dự án BOT gồm: Dự án tuyến tránh Quốc lộ 1A, đoạn qua thành phố Phan Rang – Tháp Chàm; Dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Ninh Thuận; Quyền thu phí giao thông Đường ĐT 741 tỉnh Bình Dương; Quyền thu phí giao thông cầu Rạch Miễu, cầu Cổ Chiên.
Những khoản công nợ tiềm tàng
Việc nắm quyền kiểm soát Công ty cổ phần đầu tư Năm Bảy Bảy (Mã chứng khoán: NBB) đã mang tới cho CII nghĩa vụ trả nợ do Công ty Hùng Thanh – Công ty con của Công ty Năm Bảy Bảy – phải đền bù thiệt hại và khắc phục hậu quả cho vụ cháy xảy ra ở chung cư Carina Plaza vào tháng 3-2018. Theo đó CII đã chi hơn 104,4 tỉ đồng cho Công ty Hùng Thanh thực hiện việc này, nhưng CII chưa thể ghi nhận chi phí và dự phòng nghĩa vụ phải trả do kết quả cuối cùng của vụ việc hiện chưa được xác định.
Ngoài ra, khoản tiền sử dụng đất của của dự án City Gate Towers với giá trị 120 tỉ đồng chỉ được CII ước tính một cách hợp lý. Theo đó, doanh nghiệp chưa quyết toán tiền sử dụng đất để xác định số phải nộp vào ngân sách Nhà nước. Vì vậy, giá trị của khoản mục này có thể xuất hiện sự chênh lệch so với ước tính kế toán khi cơ quan có thẩm quyền có quyết định cuối cùng.
Xem thêm: lmth.ueihp-iart-hnah-tahp-peit-neil-od-iic-iod-ohc-on-art-cul-pa/134013/nv.semitnogiaseht.www