Sáng sớm 9-11, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão và trở thành cơn bão số 12 trong năm 2020. Đến chiều 9-11, tâm bão số 12 còn cách các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận khoảng 230 km về phía đông. Cường độ bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.
Các phân tích cho thấy bão vẫn di chuyển nhanh, tốc độ 20 km/giờ. Các tỉnh bị ảnh hưởng đã nhanh chóng thực hiện các công tác phòng, chống và ứng phó với bão.
Người dân thôn Mỹ Quang Nam, xã An Chấn, huyện Tuy An, Phú Yên chằng chống nhà cửa phòng tránh bão số 12. Ảnh: TẤN LỘC
Xuất hiện cơn bão mới sắp vào Biển Đông
Tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí về cơn bão số 12 chiều 9-11, ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết trong đêm 9-11, bão có thể tăng lên cấp 9, giật cấp 12.
Từ đêm 9-11 đến sáng 10-11, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Trung bộ, trọng tâm các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận. Sau khi vào đất liền các tỉnh trên, bão sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp.
Do ảnh hưởng của bão số 12, từ đêm 9-11, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận có mưa bão, gió mạnh và biển động. Trên đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; vùng ven biển cấp 8, giật cấp 10. Riêng các tỉnh Quảng Ngãi, Ninh Thuận có gió giật cấp 6-7.
Từ đêm 9-11 đến 12-11, ở các tỉnh từ Quảng Trị đến phía bắc Khánh Hòa sẽ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-400 mm; các tỉnh từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cần lưu ý cục bộ có những điểm mưa đặc biệt to trên 500 mm/đợt; Quảng Bình, phía nam Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên có lượng mưa phổ biến 100-200 mm.
Theo ông Năng, mưa lớn khiến các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt lũ. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên.
Trong diễn biến khác, áp thấp nhiệt đới ở phía đông nam Philippines đã mạnh lên thành bão (bão Vamco) và có thể đạt cấp 13-14, giật cấp 16 trong vòng 48 giờ tới. Sau khi vào Biển Đông, bão sẽ chủ yếu di chuyển theo hướng tây. Dự báo bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Trung và Nam Trung bộ vào ngày 14 và 15-11, tiếp tục gây ra đợt mưa lớn tiếp theo ở khu vực miền Trung.
Sơ tán hàng chục ngàn người để tránh bão
Chiều 9-11, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho hay tỉnh đã sơ tán hàng ngàn người ra khỏi các khu vực nguy hiểm để tránh bão số 12.
Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên (bìa trái), kiểm tra khu neo đậu tàu, thuyền tránh bão tại thị xã Sông Cầu. Ảnh: TẤN LỘC
Trong đó có hơn 4.100 người trên các lồng bè nuôi thủy sản đã được sơ tán vào đất liền, nhiều nhất là khu vực vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu với hơn 3.400 người; vịnh Vũng Rô, thị xã Đông Hòa gần 600 người; còn lại là huyện Tuy An. Thị xã Sông Cầu cũng sơ tán 981 hộ với hơn 3.200 người ở vùng triều cường, ngập úng đến các nhà dân kiên cố để tránh bão…
Tại TP Tuy Hòa, đến 18 giờ cùng ngày đã sơ tán gần 1.000 người có nhà ở các vùng ven biển, có nguy cơ sạt lở, triều cường xâm thực đến nơi an toàn. Các lực lượng chức năng của tỉnh cũng đưa phương tiện, triển khai phương án cứu hộ, cứu nạn tại các vùng ven biển, cửa sông.
“UBND tỉnh Phú Yên đã nhắn tin cảnh báo bão đến tất cả người dân có sử dụng dịch vụ viễn thông trong tỉnh. Chúng tôi quán triệt từ chính quyền đến người dân tuyệt đối không chủ quan với cơn bão. Việc đảm bảo an toàn cho người dân phải đặt lên hàng đầu” - ông Thế nói.
Theo ghi nhận của PV chiều 9-11, nhiều người dân thôn Mỹ Quang Nam, xã An Chấn, huyện Tuy An (Phú Yên) hối hả chằng chống nhà cửa, dùng bao cát để che chắn, ngăn sóng biển tấn công vào các khu dân cư.
Nắn sông Rào Trăng tìm 12 người mất tích Trong cuộc họp với sở chỉ huy tiền phương về công tác tìm kiếm cứu nạn công nhân mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3 chiều 9-11, Trung tá Phan Thắng, Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết những ngày qua các đơn vị đã nỗ lực nhưng vẫn chưa tìm thấy được những người còn mất tích. Hiện các lực lượng tiếp tục tìm kiếm giai đoạn 3 và nếu không tìm thấy các nạn nhân thì lên phương án tìm kiếm giai đoạn 4. Theo đó, các lực lượng sẽ ngăn đập, sử dụng rọ đá và vật liệu tại chỗ để ngăn dòng chảy, đồng thời nắn dòng sông nhằm đổi hướng dòng chảy sang hướng khác để tổ chức tìm kiếm khu vực lòng sông Rào Trăng. Cũng tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, yêu cầu các đơn vị liên quan chuẩn bị phương tiện, vật dụng, nhiên liệu để hỗ trợ đơn vị thi công ngăn đập, nắn dòng sông Rào Trăng. Đồng thời cần có kế hoạch cụ thể, theo dõi kỹ diễn biến thời tiết, sẵn sàng phương án rút quân, đảm bảo an toàn cho lực lượng thi công. NGUYỄN DO |
Cũng trong chiều 9-11, văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa cho hay các địa phương ở tỉnh này đã chuẩn bị phương án sơ tán hơn 23.300 người ở các vùng nguy hiểm, xung yếu đi tránh bão số 12.
Hiện Khánh Hòa có hơn 13.600 lao động trên các lồng bè nuôi thủy sản. Lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn người dân chằng néo lồng bè, yêu cầu các lao động rời khỏi lồng bè, vào bờ tránh bão trước 18 giờ ngày 9-11.•