Các công ty Trung Quốc tiến ra thị trường quốc tế nhờ ‘live streaming’
Khánh Lan
(TBKTSG Online) – Các thương hiệu Trung Quốc đang tìm cách phát triển doanh số ở thị trường quốc tế bằng cách tuyển dụng những người ngoại quốc có ảnh hưởng (influencer) ở Trung Quốc và ở nước ngoài để bán hàng qua kênh ‘live streaming’ (phát sóng video trực tiếp).
Dùng ‘live streaming’ để chiếm thị phần ở nước ngoài
Vào một tối muộn gần đây, Lalo Lopez đến một phòng thu nhỏ ở Thượng Hải để chuẩn bị cho một buổi ‘live streaming’, rao bán các sản phẩm của Trung Quốc từ quần short, đi xe đạp cho đến máy hút bụi, cho những khán giả nói tiếng Tây Ban Nha trên khắp thế giới.
Lopez, 33 tuổi, người Tây Ban Nha, một nghệ sĩ DJ (chỉnh nhạc) và là người ảnh hưởng trên YouTube, là một trong những người tiên phong gia nhập đội ngũ người ảnh hưởng và nhà sáng tạo nội dung ngoại quốc được tuyển dụng bởi các công ty tiếp thị ở Trung Quốc, để lan tỏa cơn sốt mua sắm qua phát sóng trực tiếp ra bên ngoài biên giới nước này.
Lalo Lopez, người Tây Ban, một nghệ sĩ DJ (chỉnh nhạc) và là người ảnh hưởng trên YouTube, đang tham gia một buổi phát sóng trực tiếp để bán hàng tại một phòng thu ở Thượng Hải. Ảnh: AFP |
Từng không được chú ý nhiều bên ngoài Trung Quốc, hình thức mua sắm qua phát sóng trực tiếp giờ đây được dự báo sẽ làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng toàn cầu khi họ đang né các khu phố thương mại để chuyển sang mua sắm trực tuyến trong thời kỳ dịch bệnh. Nhiều công ty Trung Quốc đang tận dụng hình thức mua sắm mới này để đánh chiếm thị phần ở nước ngoài.
Lopez đã sống ở Trung Quốc được 9 năm. Gần đây, Công ty tiếp thị Linkone Interactive ở Bắc Kinh tiếp cận anh sau khi thấy các video anh đăng trên các mạng xã hội YouTube và Instagram. Trò chuyện với hãng tin AFP, anh nói: “Khi tôi quảng bá một sản phẩm, tôi nhìn nó theo lăng kính văn hóa và trải nghiệm của tôi”.
Anh cho biết một buổi phát sóng của anh có thể thu hút 15.000 khán giả. Anh sẵn sàng trả lời bất cứ câu hỏi nào của khán giả về áo quần, đồ gia dụng và các thiết bị điện tử. Anh giữ chân họ bằng những câu chuyện vui và những lời quảng bá gây chú ý.
Lopez kiếm được lên tới 1.500 nhân dân tệ (226 đô la Mỹ) cho mỗi buổi phát sóng video trực tiếp để quảng bá và bán hàng. Đội quân ‘live streaming’ người nước ngoài bán hàng ở Trung Quốc mang nhiều quốc tịch khác nhau. Những người nói tiếng Ba Lan thường bán mặt nạ mát xa mắt và những người nói tiếng Ý thích rao bán đèn led để hỗ trợ chụp selfie.
Các công ty tài năng Trung Quốc cũng đang huấn luyện người nước ngoài ở Trung Quốc và tuyển dụng người ảnh hưởng ở nước ngoài để chủ trì các buổi phát sóng bán hàng trực tiếp.
Zhang Zhiguo, Giám đốc điều hành Linkone Interactive, cho biết trong gần 2 năm qua, công ty ông đã huấn luyện người nước ngoài bán hàng qua kênh phát sóng trực tiếp khi các công ty Trung Quốc tìm cách nâng cao doanh số ở thị trường quốc tế.
Linkone Interactive đang quản lý 50 người ảnh hưởng ngoại quốc, trong đó, hơn một nửa đang sống tại Trung Quốc và họ chuyên nhắm đến khách hàng ở Mỹ, Pháp và Tây Ban Nha.
Doanh số tăng chóng mặt
Bán hàng qua phát sóng video trực tiếp là một sự mở rộng tự nhiên của mua sắm trực tuyến. Ngay cả truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng ca ngợi hình thức bán hàng này đã giúp giảm nghèo ở các khu vực nông thôn khi nông dân có thể ‘lên sóng’ trên các mạng xã hội để bán nông sản.
Bán hàng qua phát sóng trực tiếp trong dịp Halloween vừa qua ở Serbia. Ảnh: VCG |
Trong một sự kiện bán hàng khuyến mãi hồi tháng 6, các kênh bán hàng cá nhân dựa vào phát sóng trực tiếp trên nền tảng thương mại điện tử Taobao của Alibaba đạt doanh số hơn 100 triệu nhân dân tệ.
Giờ đây, họ đang rất kỳ vọng thu được doanh số lớn vào dịp lễ Độc thân (11-11), ngày hội mua sắm giảm giá lớn nhất trong năm ở Trung Quốc do Alibaba phát động.
Ngành bán hàng qua phát sóng video trực tiếp tăng trưởng nhanh chóng mặt kể từ khi Taobao và JD.com bắt đầu ra mắt các nền tảng ‘live streaming’ vào năm 2016.
Một báo cáo chung của KPMG và AliResearch dự báo tổng doanh số bán hàng qua phát sóng trực tiếp ở Trung Quốc có thể đạt hơn 1.000 tỉ nhân dân tệ (152 tỉ đô la Mỹ) trong năm nay, tăng hơn gấp đôi so với con số 68 tỉ đô la vào năm ngoái.
“Năm ngoái, mỗi buổi phát sóng của chúng tôi chỉ có vài trăm khán giả nước ngoài xem nhưng giờ đây, vài ngàn người xem là điều bình thường”, Zhang Zhiguo nói.
Keane Wang, Giám đốc kế hoạch ở Công ty công nghệ điện toán đám mây Neusoft Cloud Technology, có trụ sở ở TP. Thẩm Dương, cho biết công ty ông đang thành lập một trung tâm phát sóng trực tiếp ở Pháp để tuyển dụng 300-500 người ảnh hưởng nước ngoài trong 3 năm tới.
Ông nói: “Các công ty Trung Quốc đang chứng kiến thành công của hình thức bán hàng qua phát sóng trực tiếp trên Taobao và nền tảng video ngắn Duoyin nên họ sẵn sàng thử và đầu tư các nguồn lực vào đó”.
Alice Roche, một chuyên gia truyền thông đang sống ở Thượng Hải, người thường phát sóng bán các mặt hàng từ máy mát xa cho đến mỹ phẩm cho các khán giả nói tiếng Pháp và tiếng Anh, cho biết phát sóng bán hàng trực tiếp vẫn là điều còn điều lạ lùng ở các nước như Pháp nhưng đã dần bén rễ ở các thị trường như Nga.
Thành công ở Trung Quốc cũng có thể khuyến khích các công ty thương mại điện tử khác trên thế giới gia nhập vào lĩnh vực phát sóng trực tiếp để tìm kiếm khách hàng. Amazon đã ra mắt tính năng phát sóng trực tiếp có tên gọi Amazon Live vào năm ngoái. Tại Đông Nam Á, nền tảng thương mại điện tử Shopee (Singapore) cũng có bước đi tương tự đã để cạnh tranh với Lazada.
Hồi tháng 5, dịch vụ thương mại trực tuyến toàn cầu AliExpress của Alibaba, giới thiệu nền tảng AliExpress Connect với mục đích phục vụ các chiến dịch bán hàng thông qua phát sóng trực tiếp. AliExpress đặt mục tiêu thu hút 100.000 người ảnh hưởng và nhà sáng tạo nội dung trên toàn cầu gia nhập nền tảng này trong năm nay và con số này sẽ tăng lên 1 triệu người trong những năm tới. AliExpress hy vọng sẽ giúp ít nhất 100 người trong số họ kiếm được 1 triệu đô la/năm chỉ trong vòng 3 năm tới.