Thời gian gần đây, thanh toán không dùng tiền mặt luôn xuất hiện trong các báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi Quốc hội. Điều này cho thấy, thanh toán không dùng tiền mặt là mối quan tâm lo lắng của Quốc hội cũng như việc giảm tỷ lệ tiền mặt đang trở thành nhiệm vụ quan trọng.
14 NĂM NỖ LỰC
Nhận thức rõ tầm quan trọng, những năm qua, Chính phủ đã ban hành một số chủ trương và chính sách để hỗ trợ, triển khai thanh toán không dùng tiền mặt và giảm tỷ lệ tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán tại Việt Nam.
Trong đó, vào ngày 29/12/2006, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt văn bản pháp lý đầu tiên đề cập tới hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Quyết định 291 về đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020, tập trung triển khai phương thức thanh toán số thông qua việc thúc đẩy phát triển dịch vụ thẻ ngân hàng.
Đến năm 2012, Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt (cùng với một số nội dung được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 80/2016 và Nghị định 16/2019) đã quy định cụ thể về điều kiện cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tạo nền tảng pháp lý cơ bản và góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hình thức thanh toán số trong nền kinh tế.
Cuối năm 2015, Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động cho các công ty Fintech, góp phần làm nở rộ về cả chất lượng và số lượng đơn vị trung gian thanh toán.
Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020 được phê duyệt theo Quyết định 2545 và chủ trương đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công theo Quyết định 241 của Thủ tướng góp phần hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Thậm chí, ngay tại Chỉ thị đầu tiên năm 2020, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu ngành ngân hàng phải đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; đảm bảo các hệ thống thanh toán, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ổn định, an toàn và hiệu quả.
Sau gần 14 năm nỗ lực, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi lên Quốc hội mới đây, tính đến cuối tháng 8/2020, có 75 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Số tài khoản cá nhân đạt 95,6 triệu tài khoản, tăng 45,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Thanh toán qua POS đạt hơn 218 triệu món với 382.860 tỷ đồng, tăng tương ứng 176,5% và 139,5% so với cùng kỳ năm 2016; thanh toán qua ATM đạt 660 triệu món với hơn 1,818 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 38,7% và 53,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Số lượng và giá trị thanh toán qua kênh internet đạt 282,4 triệu giao dịch với 17,4 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 262,5% và 353,1% so với cùng kỳ năm 2016. Đặc biệt, số lượng và giá trị thanh toán qua kênh điện thoại di động đạt 682,3 triệu giao dịch với gần 7,2 triệu tỷ đồng, tăng trưởng vượt bậc 981% và 794% so với cùng kỳ năm 2016.
VẪN KHÓ HOÀN THÀNH MỤC TIÊU
Thành quả về thanh toán không dùng tiền mặt những năm qua là căn bản và quan trọng. Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn bủa vây.
Theo ông Phạm Xuân Hoè, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, một trong những lý do tiền mặt còn phổ biến đó là tập quán và thói quen của người dân về chi tiêu ăn sâu trong tiềm thức mỗi người chưa thể thay đổi một sớm một chiều.
Văn hóa bán hàng đúng như quảng cáo chưa được thương nhân thực hiện tốt, các thiết chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có nhưng chưa thuận tiện cho người mua hàng khi có khiếu nại cũng là lý do cản trở thanh toán không dùng tiền mặt.
Tương tự, thanh toán online sẽ khó phát triển khi mà ở đâu đó, thông tin giữa các trung gian tài chính và người tiêu dùng bị kẻ gian đánh cắp, dẫn đến mất tiền trong tài khoản, ảnh hưởng đến niềm tin người tiêu dùng.
“Bên cạnh yếu tố lòng tin của người tiêu dùng với các đối tác cung ứng dịch vụ hàng hoá chưa thể nâng cao lập tức thì lòng tin giữa các đối tác mua bán với nhau còn thấp”, ông Hoè nói.
Ngoài ra, theo TS.Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương khi trao đổi với báo chí còn chỉ ra 2 bất lợi của hệ thống thanh toán thẻ đã ngăn cản sự phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Cụ thể, thứ nhất, các cửa hàng, siêu thị, thương nhân… khi áp dụng thanh toán thẻ đều phải trả phí cho công ty phát hành thẻ (ít nhất khoảng 2% giá bán) và khoản phí này được tính vào giá bán, làm ảnh hưởng đến doanh thu của họ.
Thứ hai, thanh toán thẻ phải đầu tư hệ thống đọc thẻ (POS) khá tốn kém và phải duy trì kết nối với ngân hàng và các nhà cửa hàng, nhà hàng, thương nhân… không thích các khoản phí này.
Ở khía cạnh khác, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến tháng 8/2020, tỷ lệ tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán vẫn còn ở mức 11,35%.
Trong khi đó, tại Quyết định 2545/QĐ/TTg về phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 nêu rất rõ mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%.
Như vậy, với nhiều khó khăn còn ở phía trước và tỷ lệ tiền mặt vẫn còn cao nên mục tiêu để tỷ lệ tiền mặt xuống dưới 10% trong năm nay sẽ quá khó để đạt được. Hay có thể nói, đây là nhiệm vụ bất khả thi.
Xem thêm: mth.52935732290110202-uad-o-gnouv-tam-neit-gnud-gnohk-naot-hnaht/nv.ymonocenv