Ngày 9-11, kênh Channel News Asia đưa tin đảng cầm quyền của bà Aung San Suu Kyi đã tuyên bố giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử quốc hội lần thứ hai kể từ khi kết thúc chế độ quân sự. Tuyên bố này được đưa ra dựa trên kết quả kiểm phiếu không chính thức do chính họ thực hiện.
Cuộc bầu cử vào ngày 8-11 được coi là cuộc trưng cầu dân ý đối với chính phủ do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo. Đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà vốn được người dân trong nước tin tưởng và quý trọng thì lại bị vùi dập ở nước ngoài do các cáo buộc diệt chủng đối với người Hồi giáo thiểu số Rohingya.
Người dân ủng hộ đảng NLD cầm bức hình của bà Aung San Suu Kyi khi chờ đợi kết quả cuộc bầu cử tại Yangon, Myanmar vào ngày 8-11. Ảnh: THE GLOBE AND MAIL
Hãng tin Reuters trích dẫn lời của người phát ngôn của đảng NLD, ông Myo Nyunt cho biết họ đã giành được nhiều hơn 322 ghế trong quốc hội và đủ để tự mình thành lập chính phủ. Con số này được tính dựa trên dữ liệu tổng hợp từ báo cáo của các nhân viên đảng tại các điểm bỏ phiếu trên toàn quốc.
Ủy ban Bầu cử Myanmar ban đầu dự kiến sẽ thông báo kết quả vào ngày 9-11, nhưng chỉ mới công bố một số kết quả vào buổi tối.
Nhà phân tích chính trị Yan Myo Thein nói rằng kết quả trên “cho thấy đa số người dân không muốn...quân đội tham gia vào chính trị. Họ vẫn tiếp tục công nhận và ủng hộ chính quyền của bà Suu Kyi và đảng NLD”.
Chế độ quân sự đã nắm quyền ở Myanmar trong gần 50 năm. Vào năm 2015, sau khi đảng NLD do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo giành chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử đã chấm dứt nhiều năm thống trị của các đảng thân quân đội Myanmar.
Tuy nhiên, giới quân đội vẫn kiểm soát một phần tư số ghế trong cả hai viện của quốc hội theo hiến pháp.
Người Hồi giáo thiểu số Rohingya sống ở bang Rakhine. Ảnh: THE MUSLIM NEWS
Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh đã khen ngợi Myanmar về cuộc bầu cử. Tuy nhiên, họ chỉ trích việc chính quyền Naypyitaw đã tước đi quyền bỏ phiếu của hơn một triệu cử tri, trong đó có hàng trăm nghìn người Hồi giáo thiểu số Rohingya ở bang Rakhine.
Trái ngược với tình hình lạc quan mà đảng NLD đã chiến thắng vào năm 2015, năm nay Myanmar phải tổ chức cuộc bầu cử trong bối cảnh các ca nhiễm COVID-19 ngày càng tăng dẫn đến khó khăn về kinh tế và xung đột sắc tộc leo thang.
Hơn một triệu người dân đã không thể bỏ phiếu sau khi các cuộc bầu cử bị hủy bỏ do các cuộc nổi dậy.
Người Hồi giáo thiểu số Rohingya bị giam giữ trong các trại và làng mạc ở bang Rakhine bị từ chối cho bỏ phiếu vì họ không được xem là công dân Myanmar. Phần lớn các điểm bỏ phiếu ở đây đã bị đóng cửa do giao tranh giữa quân đội chính phủ và quân nổi dậy.
Chính phủ Myanmar không xem người Rohingya là công dân Myanmar. Thay vào đó, họ xem số người Hồi giáo thiểu số này là những người di cư từ Bangladesh, mặc dù nhiều người Rohingya có nguồn gốc gia đình ở Myanmar từ nhiều thế hệ.